Đề bài: Em hãy bình luận về câu nói “Hạnh phúc là đấu tranh”.
Bài làm
Quan niệm về hạnh phúc của bạn là như thế nào? Là được nghe tiếng chim hót bình yên mỗi sớm mai, được thảnh thơi ngồi dưới tán cây đu đưa chiếc võng trong gió chiều hay được người hầu, kẻ hạ dưới chân? Mỗi người có sự thỏa mãn nhất định trong tâm hồn để đạt tới hạnh phúc. Còn nhà triết học uyên bác Các Mác lại cho rằng: “Hạnh phúc là đấu tranh”.
Để hiểu câu nói, ta cần soi xét nó trong hoàn cảnh lịch sử ra đời của nó. Các Mác là một trong những nhà triết học bậc nhất nước Đức và cả trên thế giới. Ông là người đi đầu trong nghiên cứu khuynh hướng lịch sử và cách mạng cộng sản vào khoảng thế kỷ XIX. Thời kỳ này, đấu tranh giai cấp và xung đột, chiến tranh giữa các quốc gai liên tục xảy ra, do đó Các Mác nghiên cứu nhiều về mâu thuẫn và đối kháng. Trong câu nói “Hạnh phúc là đấu tranh” đề cập tới hai phạm trù “hạnh phúc” và “đấu tranh”, thể hiện mối quan hệ nhân – quả. Ở đó hạnh phúc là kết quả sau cùng của mâu thuẫn, xung đột. Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó. Hạnh phúc chỉ có ở loài người, nó có tính nhân bản sâu sắc và chịu tác động của lý trí. Còn đấu tranh là hành động sử dụng sức mạnh vật chất hoặc tinh thần đề ngăn cản hoặc chống lại đối phương khi đối phương có ý đồ hoặc hành động xâm phạm đến quyền lợi cơ bản của bản thân. Câu nói là một trong những quan điểm về hạnh phúc. Ở đây, tác giả muốn nhấn mạnh rằng: Chính sự giải quyết mâu thuẫn bằng hành động quyết liệt lại là cách để mở ra con đường giải quyết ổn thỏa, thỏa mãn được mọi người.
Đúng vậy, mỗi người lại có quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Như đã đề cập từ đầu, hạnh phúc với một số người là sự giản dị. Mỗi ngày được làm vài điều nhỏ nhạt mà mình ưa thích, được quây quần bên mái nhà tranh, gió mát lành cũng có thể hạnh phúc. Có những người ưa sống trong nhung lụa. Hạnh phúc của họ là được người khác chăm sóc, phục tùng. Một số người tin rằng hạnh phúc của họ là được bận rộn với công việc. Mỗi ngày, họ được lao động và cống hiến là một ngày tuyệt vời. Với triết gia, hạnh phúc lại được tạo tác từ sự xung đột. Tại sao lại như vậy?
Có một câu chuyện cổ thế này. Ngày xưa, có một ông vua nọ triệu kiến hai nhà họa sĩ nổi tiếng nhất kinh thành về cung và ra lệnh cho họ phải vẽ một bức tranh về sự hòa bình. Một người họa sĩ đưa bút lướt trên mặt giấy họa lên khung cảnh rất mực thanh bình của làng quê. Người kia ngược lại, ông ta vẽ cảnh con người và thiên nhiên đứng trước bão giông cuồn cuộn của thiên nhiên. Kết quả là, nhà vua ưng ý chọn bức tranh thứ hai. Vua giải thích rằng: Bình yên chính là sóng gió. Câu nói đó cũng tương tự như quan điểm của Các Mác. Sự bình yên là kết quả của gian nan thử thách.
Cứ nhìn vào lịch sử nước nhà mà xem, làm sao chúng ta có ngày hôm nay – cái ngày rất mực thanh bình và ổn định. Đó là nhờ quá trình đấu tranh trường kỳ của dân tộc Việt Nam khi xưa. Chỉ có đấu tranh chúng ta mới đuổi bọn xâm lăng về nước, chỉ có đấu tranh chúng ta mới giành lại được chủ quyền dân tộc và đi lên xây dựng đất nước thái thịnh. Ngày nay, chỉ có đấu tranh quyết liệt về chính trị của Đảng và Nhà nước chúng ta mới loại bỏ được những “căn bệnh” nôi tại của con người Việt Nam, là tham nhũng, quan liêu, độc đoán… Cũng nhờ đấu tranh quyết liệt mà căn bệnh thế kỷ AIDS bị đẩy lùi, hàng loạt tệ nạn ma túy, thuốc lá, buôn lậu… nằm trong tầm kiểm soát. Đó đều là đấu tranh, chỉ khác ở việc sử dụng vũ trang hay quyền lực chính trị mà thôi.
Một số người cho rằng đấu tranh để tìm đến hạnh phúc là cực đoan. Tôi thì không cho như vậy. Có những trường hợp, sự im lặng hay cố gắng tìm con đường hòa hoãn là không thể. Ví như trường hợp Trung Quốc âm mưu độc chiếm biển Đông với hành động ngang ngược nhất là đặt giàn khoan HD981 trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta. Đó là hành động xâm phạm phi chính nghĩa và không thể dung thứ. Việt Nam không thể im lặng tìm đến những hòa ước hay đối ngoại thỏa thuận được nữa. Việt Nam phải có biện pháp cứng dắn trong lý lẽ và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế để bác bỏ và buộc Trung Quốc phải dừng hành động trái phép đó lại.
Tóm lại, “Hạnh phúc là đấu tranh” là quan điểm rất có ý nghĩa dù trong thời chiến hay thời bình. Việc vận dụng triết lí trong câu nói vào hoàn cảnh cụ thể phải được nhận thức rõ ràng, bởi quan điểm từ câu nói có thể trở thành luận điệu để những kẻ phá hoại, gây rối kích động bạo lực.
Câu nói trên cũng là lời phán truyền đanh thép của người xưa để lại: Trước những cái xấu xa, độc ác cần có sự đấu tranh quyết liệt để loại bỏ nó, thanh lọc xã hội, giúp nhân loại ngày càng tốt đẹp hơn.
Hoài Lê