Cảm nghĩ về bài Cảnh khuya của Hồ Chí Minh hay nhất


Cảm nghĩ về bài Cảnh khuya của Hồ Chí Minh

Bài làm

Viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ Tố Hữu có viết

Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người.

Cả cuộc đời và sự nghiệp của Bác gắn liền với công cuộc cách mạng giải phóng đất nước, một con người giản dị chân chất, yêu thương đồng bào. Nhưng điều đó không đủ khi nói về Hồ chủ tịch, trong trái tim người còn là tâm hồn của một người thi sĩ ẩn sâu dưới vẻ ngoài của người chiến sĩ yêu nước. Hồn thơ của bác trầm ấm, nhẹ nhàng, mượt mà nhưng không kém phần sinh động, âm vang. Điều đó ta thấy được trong bài thơ “Cảnh khuya” được Bác viết năm 1947 khi người đang lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở chiến khu Việt Bắc

Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Viết về Việt Bắc, rất nhiều bài thơ phác lên cảnh núi rừng hoang sơ, tịch mịch. Nhưng Bác Hồ lại viết theo lối cổ phong, thể thơ thất ngôn tứ tuyệt hơi hướm Đường thi đã tái hiện lại một bức tranh thiên nhiên đậm chất trữ tình, thanh thoát và tuyệt mỹ. Trước hết, mở đầu bài thơ là ý so sánh hết sức tinh tế

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trong núi rừng hoang vu, tĩnh lặng, “tiếng suối” đã vang vọng khắp không gian. Ắt hẳn là một vùng rộng lớn nhưng im ắng, xung quanh nhuốm nét u tịch mới có thể nghe được tiếng suối vọng xa từ một chốn nào đó như vậy. Tiếng suối xuất hiện, vừa gần gũi giản dị, vừa cổ điển bí ẩn. Suối là thứ gắn liền với con đường hành quân của người chiến sĩ, suối đem lại nguồn nước mát lành, nên nó đã trở thành nét liên tưởng đầu tiên của nhà thơ. Không những thế suối nước còn gợi đến bóng dáng của một vị tao nhân mặc khách ẩn dật giữa núi non, phải rất tĩnh tâm mới có thể thấy được tiếng “trong” của suối. Phải chăng, cái “trong” ấy không chỉ là âm thanh thanh khiết không bị các tạp âm trong màn đêm lẫn lộn mà còn là cái “trong” của tâm hồn con người. So sánh “tiếng suối trong” với “tiếng hát xa”, tác giả đã kéo gần khoảng cách con người với con người. Trong không gian im vắng, “tiếng hát” du dương từ khe suối như xoa dịu tâm hồn tìm đến cái đẹp từ thiên nhiên của thi nhân, ngân mãi không ngừng. Ta dường như mường tượng đến nét đẹp không gian trong “Côn Sơn ca” của Nguyễn Trãi

Xem thêm:  Cảm nhận của em về hình ảnh người lính trong bài thơ đồng chí và bài thơ về tiểu đội xe không kính

Côn Sơn có suối nước trong
Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm.

Nguyễn Trãi ví tiếng suối với “cung đàn”, âm điệu của thứ nhạc cụ cần có sự học hỏi trau chuốt mới hay. Còn Bác so sánh âm thanh suối với “tiếng hát”, gần gũi hơn, mang hơi ấm bình dị của con người nhưng không mất đi phần cổ kính. Lấy động tả tĩnh, lấy âm thanh để tả cảnh vật, lấy âm hưởng để phác lên cái tĩnh lặng của không gian, ấy là cái hay tinh tế của người thi nhân giữa mênh mang im vắng. Con người như lẫn vào thiên nhiên, trong thiên nhiên lại thấy con người, ẩn ẩn hiện hiện, không tìm ra đâu là cảnh, đâu là người, chỉ thấy cái tình trộn lẫn trong bát ngát yêu mến với non nước.

Đến câu thơ thứ hai, bức tranh thiên nhiên trong “Cảnh khuya” thật giàu tính tạo hình, đan cài ở đó là tầng tầng lớp lớp cảnh, vừa hòa trộn vừa tôn vinh.

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.

“Trăng” đã trở thành kẻ bầu bạn với thi nhân, trong ngục tù hay trong tự do

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ

cam nghi ve bai canh khuya cua ho chi minh hay nhat - Cảm nghĩ về bài Cảnh khuya của Hồ Chí Minh hay nhất
Cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh

Nhìn lên trên cao, dưới vòm cây rộng lớn, ánh trăng đan cài, lấp ló trên cổ thụ lúc ẩn lúc hiện. Khung cảnh mang nét cổ điển, thơ mộng, cần cái nhìn rộng lớn, phóng khoáng. Nhìn xuống thấp hơn, bóng cổ thụ đan cài bóng hoa, bóng trăng trên cao lồng trên bóng cổ thụ. Tầng tầng lớp lớp cảnh, tầng tầng lớp lớp tình như hòa quyện, quấn quít, vương vấn. Người đọc như dạo chơi trong một khu vườn không chỉ là tâm cảnh mà còn là thực cảnh, mê đắm, như say dưới ánh trăng bóng hoa mềm mại. Điệp từ “lồng” cùng những cảnh vật phác trên ngòi bút nhỏ làm nên ba tầng không gian nối tiếp trời và đất. Nét tả không nhiều nhưng cảnh vật như bung nở, tỏa sáng, làm nên khung cảnh đẹp đẽ nơi núi rừng Việt Bắc. Cách viết đan cài của Bác còn được thấy qua câu thơ

Xem thêm:  Từ xưa dân gian quan niệm: ‘Đi một ngày đàng, học một sàng khôn’ (tục ngữ Việt Nam); còn nhà văn M. Go-rơ-ki lại cho rằng: ‘Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới’. Anh (chị) suy nghĩ gì về hai quan niệm trên?

Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân
(Núi ấp ôm mây, mây ấp núi)

Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
(Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân)

Chỉ với hai câu thơ đầu, một bức tranh thiên nhiên huyền ảo, trong vắt đã hiện ra, ta như đưa ta vào thế giới thi trung hữu họa, cô đúc, lắng đọng những nét đẹp tinh túy nhất. Tiếp đó, tác giả đã uyển chuyển biến đổi từ cảnh sang bóng dáng con người

Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

Câu thơ trên vừa tóm gọn khung cảnh thiên nhiên vừa khẽ lồng ghép con người trong đó. Thế giới xung quanh quá đẹp, như một bức bích họa giữa cảnh và tình khiến lòng người xao xuyến bồi hồi, phải chăng vì vậy mà người khó ngủ thao thức? Khép lại cảnh khuya, con người trở thành nhân vật chính nổi bật trên bức    bích họa thiên nhiên. Cấu trúc điệp vòng “chưa ngủ” xuất hiện ở cuối câu trước và đầu câu sau không chỉ khiến cho ý thơ liền mạch, làm bản lề khép mở giữa cảnh và người mà còn làm rõ sự trăn trở thao thức không nguôi của Bác. Người không ngủ không hẳn vì cảnh đêm quá đẹp làm say lòng thi nhân mà vì “nỗi nước nhà” cứ mãi đau đáu day dứt trong tâm tưởng người chiến sĩ cách mạng. Hiếm có bài thơ nào mà kết thúc lại là lời giải thích trực tiếp như vậy, đó là cái độc đáo mà Bác đã làm được tạo nên phong cách riêng của Hồ Chí Minh. Kết thúc bài thơ, nỗi canh cánh vì nợ nước thù nhà, dân tộc đang chìm trong vòng nô lệ đã vang thành tiếng sóng lòng cuồn cuộn không dứt. Câu thơ trực tiếp bộc bạch nỗi lòng của thi nhân, khiến hình ảnh thức đêm không ngủ vì lo lắng cho vận mệnh dân tộc đã in đậm mãi trong tâm tưởng người đọc “Cả cuộc đời Bác ngủ có yên đâu” (Hải Như)

Xem thêm:  Phát biểu cảm nghĩ về bài ca dao Cái cò lặn lội bờ ao Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng

“Cảnh khuya” của tác giả Hồ Chí Minh là bông hoa sen trong sự nghiệp văn thơ của người, lặng lẽ tỏa hương và bừng sáng. Cả không gian tươi đẹp giữa đêm khuya không ngăn được nỗi lòng vì nước vì dân cứ mãi dâng lên trong tâm trí thi nhân cũng như sự trăn trở không dứt chẳng ngăn được trái tim hòa nhịp với vẻ đẹp thiên nhiên.

Ngọc Huyền

Bài viết liên quan