Cảm nghĩ về người ông đáng kính hay nhất


Cảm nghĩ về người ông đáng kính

Bài làm

Khi lớn lên, ký ức tuổi thơ đã trở thành một tấm mạng nhện cứ mắc kẹt trong lòng khiến chúng ta cứ không thôi nhớ tới hình ảnh lúc mà mình vô tư và hạnh phúc nhất. Tuổi thơ của tôi, là bóng dáng của căn nhà cũ kiểu Pháp, ông tôi ngồi ghế đu đưa với bàn cờ tướng ngoài hè. Ấm thuốc bắc ông đun, cái mùi nồng nồng của nó vẫn in sâu trong khứu giác của tôi đến bây giờ mỗi khi nhớ về ông.

Ông tôi là một thầy giáo đã về hưu, khi còn khỏe mạnh ông vẫn mở lớp dạy văn, có một lớp riêng ông mở dành cho những người muốn học chữ Nho. Chữ Nho của ông đẹp lắm, dù tôi học mãi chẳng nhớ được cũng chẳng viết được đẹp như ông nhưng ông vẫn kiên nhẫn nắm tay tôi đặt trên chiếc bút lông thấm mực múa lượn trên tờ giấy mỏng tang. Bà mất sớm, ông tôi gà trống nuôi con, nên từ các bác đến bố tôi đều mang một vẻ gần gũi nhưng không kém phần nghiêm khắc của ông. Bố tôi kể khi còn nhỏ, nấu cơm mà mải chơi không để ý làm cơm khê, bị ông cốc đầu đau lắm. Học bài mà không tới nơi tới chốn là không được ăn cơm. Nhưng có lẽ đến khi tôi ra đời, sự yêu thương chiều chuộng có phần nhỉnh hơn nhiều so với các bác và bố tôi hồi xưa. Chỉ cần bố tôi giận lên, là tôi lại núp ra sau lưng ông rơm rớm nước mắt, ông tôi lại trừng mắt với bố tôi, bố tôi không mắng tôi nữa. Ông chiều, nhưng không chiều hư tôi. Ông vẫn dạy tôi cách ăn uống, ngồi, đi đứng phải đúng mực, không được nói nặng thiếu chừng mực, vô duyên, không được nói dối, lười biếng, ham chơi…

Xem thêm:  Giới thiệu một vài nét về cuộc đời, sự nghiệp và thơ văn Nguyễn Trãi

Khi học bài, ông ngồi kèm không cho tôi ngọ nguậy nghịch ngợm, vì ông dạy văn nên từ bé tôi đã có khiếu văn chương, viết văn, làm thơ đều được coi là có nòi được các thầy cô khen hết mực. Ông đưa tôi đi học trên cái xe đạp đã han rỉ, tiếng xích xe lóc cóc trên con đường đến trường, mùi bánh đùi gà ông hay mua làm bữa ăn chiều khi đi học về cho tôi. Mái tóc ông hoa râm, lúc nào cũng mặc một bộ quần áo màu ghi đi đôi giày vải, tóc chải vào nếp, ông chính là nét đẹp già cội đã bám rễ trong lòng tôi. Ông dạy tôi biết đứng lên khi ngã, không được nản chí, không được sống trong việc đổ lỗi cho thứ này thứ kia, không được lấy những thứ không phải là của mình… Có lần, vì đỡ một bác bị cướp túi xách, ông cũng ngã rạn xương theo. Tôi xót ông, nói với ông sao ông không cẩn thận, ông chỉ cười bảo giúp được ai thì giúp, mình sống không chỉ cho mỗi mình đâu con.

cam nghi ve nguoi ong dang kinh hay nhat - Cảm nghĩ về người ông đáng kính hay nhất

Cảm nghĩ về người ông đáng kính

Ông có biệt tài viết chữ và nấu ăn rất ngon, một bát cháo gà ăn hàng không thể nào so sánh với bát cháo gà ông nấu được. Mùi nó thơm, béo, ngậy cả quả trứng đánh tan trong cháo, mùi hành ngò trong bát cháo nóng hổi. Sau này tôi không tìm được hương vị cháo gà năm xưa nữa, cũng bởi thứ tôi làm không giống, mua ngoài thì khác hẳn rồi. Nhưng tôi hiểu, ông không chỉ có công thức riêng mà còn nấu cả sự cưng chiều và lòng yêu thương tôi trong đó. Cũng bởi sau này cháo gà tôi ăn không có chứa nhiều tình cảm nên hương vị năm ấy mãi mãi không tìm lại được. Tôi vẫn giữ những dòng văn ông ghi trong quyển nhật ký, toàn là viết và vẽ về bà, tôi biết ông nhớ bà nhiều lắm nhưng vì con vì cháu ông phải cố sống thật khỏe mạnh. Sau này gia đình tôi ổn định, tôi lớn rồi, ông nhắm mắt xuôi tay. Ông bảo ông về với bà, bà cô đơn suốt bao nhiêu năm nay rồi. Tôi ngưỡng mộ tình yêu của ông, tình cảm mà giới trẻ ngày nay khó lòng có được. Lúc nằm trên giường bệnh, ông vẫn viết tặng tôi một chữ “Tâm”. Ông bảo “Sống trên đời này con người thứ gì cũng có chỉ thiếu tấm lòng, con hãy giữ cho mình một cái tâm tốt đối xử với mọi người, hãy yêu thương đừng tính toán.”
 

Xem thêm:  Bài văn tả con đường từ nhà tới trường vào lúc sáng sớm lớp 5

Ngày ông mất bầu trời buồn lắm, tôi đã phải rời xa người yêu thương tôi nhất trên đời. Nghe theo ông, nhớ lời ông dạy dỗ, chỉ bảo, tôi sẽ hoàn thiện mình, làm một con người có đạo đức, tử tế rồi mới nghĩ đến việc thành công. Học cách bao dung, yêu thương mọi người và sống thật với lòng mình. Tôi luôn nhớ và kính yêu ông, người đã dạy tôi thành người.

Ngọc Huyền

Bài viết liên quan