Cảm nhận của anh (chị) về bài ca dao: Khăn thương nhớ ai


Cảm nhận của anh (chị) về bài ca dao: Khăn thương nhớ ai

Gợi ý

Nỗi mong nhớ khao khát gần kề, ước vọng về tương lai hạnh phúc dường như luôn sánh đôi với nhau trong tâm trạng mỗi con người khi đến với tình yêu, đặc biệt là người phụ nữ. Ca dao yêu thương, tình nghĩa Việt Nam có những bài thật sâu sắc da diết về nỗi nhớ yêu đương: “Đêm qua ra đứng bờ ao/ Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ”, “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ Như đứng đông lửa, như ngồi đống than”… Mênh mông là biển thương trời nhớ hiển hiện trong thế giới ngôn từ mộc mạc bình dị. Không thể không nhắc tới một bài ca dao như vậy – Khăn thương nhớ ai.

Nhớ thương trong bài thơ trở nên có cung bậc, sắc điệu qua những biểu tượng nghệ thuật quen thuộc mà gợi cảm. Người con gái mượn chiếc khăn, nhờ ngọn đèn nói hộ tâm trạng mình. Cô cũng gửi vào ánh mắt da diết không lời, để rồi khép lại bài ca dao là những khắc khoải ầu lo về tương lai hạnh phúc. Trong hệ thống biểu tượng ấy, chiếc khăn được nhắc đến đầu tiên. Một chiếc khăn kỉ vật của gặp gỡ đôi lứa chăng? Một chiếc khăn từ đó phải chăng đã là hình bóng người thương gần gũi quấn quýt bên người con gái? Chẳng thế mà đôi lứa xưa khi trao lời gửi ý thường mượn đến hình ảnh chiếc khăn “Gửi khăn, gửi túi, gửi lời / Gửi đôi chàng mạng cho người đàng xa”. Động thái trữ tình của chiếc khăn trong bài ca dao này thật đặc biệt. Nó “thương nhớ ai” mà “rơi xuống đất”, mà “vắt lên vai”? Những vận động trái chiều của khăn trong nghệ thuật phối hợp, hai thanh bằng trắc mở ra một không gian ngập tràn nhung nhớ. Một tâm trạng bôì rốỉ, bồi hồi khiến con người “ra ngẩn vào ngơ” tưởng không còn chủ động trong bước đi, dáng đứng (Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ Như đứng đống lửa, như ngồi đống than). Đặc biệt là hình ảnh “Khăn thương nhớ ai/ Khăn chùi nước mắt”, nỗi nhớ sao mà âm thầm, chỉ có khăn chia sẻ bên cạnh. Những giọt nước mắt lặng lẽ, không “đầm đầm như mưa” mà lắng đọng, chất chứa suy tư. “Khăn thương nhớ ai?” đã trở thành điệp khúc da diết của tiếng gọi thương nhớ trong suốt phần đầu của bài ca dao. Theo thể cách vắt dòng, nỗi thương nhớ ở điệp khúc này đã gọi ra, hay là biểu hiện ở mọi động thái phía sau. Chiếc khăn trong nghệ thuật nhân hóa đã thay lời người mang khăn, nâng niu gìn giữ khăn mà thổ lộ nỗi niềm. Kín đáo mà vẫn rất mãnh liệt.

Nếu như nửa đầu bài ca là nỗi nhớ dâng đầy trong không gian thì hình ảnh ngọn đèn trong đêm không tắt lại khắc họa thêm một chiều thời gian nữa để nỗi nhớ hiển hiện đằng đẵng: “Đèn thương nhớ ai/ Mà đèn không tắt”. Hình ảnh ấy vẽ ra bóng tối canh chày. Hình ảnh ấy đậm khắc bóng hình một người con gái lặng lẽ thao thức với nỗi nhớ trong đêm. Ánh đèn không tắt là ngọn lửa tình yêu ủ mãi trong tim. Ánh đèn không tắt là dằng dặc chờ đợi tưởng đến độ mỏi mòn đi vì nhung nhớ. “Khăn chùi nước mắt”, “Mà đèn không tắt”, cách bắt vần và việc sử dụng thanh trắc kết nối hai biểu tượng khăn, đèn trong một trạng huống thống nhất. Đôi mắt người nhớ nhung đã thấp thoáng hiện ra từ giọt nước mắt ở những câu thơ trước, đến đây trực tiếp hiện hữu: “Mắt thương nhớ ai/ Mắt ngủ không yên”. Cái nét bút “điểm nhãn” của dân gian gói ghém được thật nhiều tâm trạng. Nỗi ưu tư trở nên nặng trĩu. Hiện ra trong cảm nhận của người đọc là ánh mắt nhớ thương trằn trọc trong đêm vắng, một mình một bóng với ngọn đèn khuya. Nỗi nhớ trong tình yêu có sức mạnh chi phối thật lớn. Nỗi nhớ biểu hiện ra bên ngoài nhờ khăn, đèn, rồi lặn vào bên trong qua ánh mắt người nhung nhớ. Nhưng trong cách nói “Mắt ngủ không yên” dường như đã thấp thoáng những da diết khắc khoải đan xen của một sắc diện tâm trạng khác không chỉ còn là nỗi nhớ. Thì đây, những câu kết đã hé mở điều đó với người đọc: “Đêm qua em những lo phiền – lo vì một nỗi không yên một bề”.

Hóa ra không chỉ có nhớ. Còn là phấp phỏng lo phiền “không yên một bề” nữa. Bài ca dao đang từ thể bốn chữ có mạch liên kết “thương nhớ ai” kết nối tất cả các biểu tượng đến đây trải ra mênh mông nhiều chiều và ngổn ngang những nỗi niềm tâm trạng khác nhau. Em – nhân vật trữ tình – cô gái trong bài thơ còn lo phiền, “không yên một bề”. Tâm trạng thì đã rõ qua cách gọi tên. Nhưng “không yên một bề” – “một bề” lo lắng dằng dặc ấy là gì đằng sau sự nhớ thương mãnh liệt kia? Có lẽ đó là cái “một bề” của những phấp phỏng về tương lai hạnh phúc lứa đôi. “Khăn thương nhớ ai?”/ “Đèn thương nhớ ai?”, “Mắt thương nhớ ai?” – nhưng liệu có ai đang thương nhớ đến mất ăn mất ngủ, đêh ngẩn ngơ ngơ ngẩn như mình không? Và từ yêu đương, gửi trao, thương nhớ, đến “Ước gì ta ở một nhà” là cả một khoảng cách vô cùng nằm ở giữa. Thân phận phụ thuộc, khó có thể tự quyết định cuộc đời mình trong xã hội xưa, những ràng buộc khắt khe tỏa chiết tình yêu hạnh phúc tự do, những nỗi lo lắng thể hiện “Thương anh chẳng dám nói ra/ Sợ mẹ bằng đất sợ cha bằng trời”… tất cả đó phải chăng là “một bề” lo lắng trong tâm hồn người con gái?

Xem thêm:  Bi ve tình yêu

Tiếng tơ lòng của người dân lao động về yêu thương tình nghĩa đã cất lên như vậy đó. Thương nhớ không lửng lơ. Thương nhớ cứ muốn neo đậu vào khát vọng về một mái ấm sum họp và tình nghĩa muối mặn, gừng cay. Đó là điều làm nên cảm nhận sâu sắc của người đọc về tiếng nói trữ tình trong bài ca. Chiếc khăn, ngọn đèn và đôi mắt thương nhớ, những biểu tượng truyền thông ây cứ thế mà thấm vào tâm hồn Việt Nam, chúng ta còn thấp thoáng nhận ra điều đó trong những tiếng thơ hiện đại: “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh / Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây / Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh / Sưởi ấm lòng chiến sĩ giữa ngàn cây” (Nguyễn Đình Thi)

Vanmau.edu.vn

Bài viết liên quan