Đề bài: Cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng Lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long
Bài làm
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng
Gian khổ sẽ dành phần ai?”
Câu thơ trong bài “Một đời người, một rừng cây” của Trần Long Ân khiến ta nhớ tới nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng Lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long. Tự nguyện về làm nhiệm vụ một mình trên đỉnh núi cao, anh thanh niên đã trở thành nhân vật điển hình trong công cuộc lao động và xây dựng đất nước ở miền núi phía Bắc.
Nhà văn Nguyễn Thành Long (1925-1991) sinh ra và lơn lên ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Nhà văn được biết đến với các bút danh như Nguyễn Thành Long, Phan Minh Thảo, Lưu Quỳnh, là cây bút chuyên viết về truyện ngắn, ký. Nguyễn Thành Long từng nhận giải thưởng Phạm Văn Đồng do Chi hội văn nghệ liên khu V trao tặng năm 1953 cho tập bút ký “Bát cơm cụ Hồ”.
Truyện ngắn “Lặng Lẽ Sa Pa” nằm trong tập “Giữa trong xanh”, được viết năm 1970, sau chuyến đi thực tế ở Lào Cai của nhà văn Nguyễn Thành Long. Truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách văn chương nhẹ nhàng, trong trẻo, giàu chất thơ của nhà văn. Truyện xây dựng nên hình tượng nhân vật anh cán bộ khí tượng trên đỉnh Yên Sơn đẹp trong nếp sống, nếp nghĩ và cung cách ứng xử.
Trước khi nhân vật xuất hiện, tác giả dành một vài dòng đặc tả thiên nhiên Sa Pa hùng vĩ, thơ mộng. Sa Pa xuất hiện đầy ấn tượng với núi cao, thác đổ, bọt trắng, đường núi quanh co, cây cối chen nhau. Suốt chặng đường dài, từ bác lái xe đến ông họa sĩ, cô kĩ sư trẻ… dường như đắm mình vào một Sa Pa tinh khiết, kì ảo. Thời gian, không gian như dừng tại nơi này để những điều giản dị nhưng quý giá và thiêng liêng lên ngôi. Trong đó, anh thanh niên là một trong số điều giản dị nhưng quý giá và thiêng liêng đó.
Vẻ đẹp của thiên nhiên Sa Pa đã làm nền cho vẻ đẹp của con người Sa Pa xuất hiện. Trước hết, người đọc có thể nhận thấy anh thanh niên làm một nghề rất đặc biệt mà cũng rất cao quý – “làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu”, nói nôm na là dự báo thời tiết và thiên tai. Một mình làm việc trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m, quanh năm suốt tháng bốn bề mây phủ cây phong, lạnh rét, anh dường như là “người cô độc nhất thế gian”? Những nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ cuộc sống nhộn nhịp chưa bao giờ nguôi trong lòng chàng trai trẻ. Đời sống vật chất cũng vô cùng thiếu thốn. Nhưng anh không cố độc! Anh tin rằng “Khi làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được.”
Không những thế, anh thanh niên còn là một người yêu khoa học. Công việc mỗi ngày của anh là: “Đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất” nhằm dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày phục vụ sản xuất và chiến đấu. Công việc đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao. Đôi lúc, công việc gian khổ mà ít ai có thể hình dung hết. Nhiều khi, lúc 1 giờ sáng rét, mưa, tuyết rơi mà nghe tiếng chuông đồng hồ báo cũng phải ra khỏi chăn ấm. Anh xách đèn đi trong gió, bão tuyết đang ào ào xô tới tấn công như chặt từng khúc, như muốn quét đi, bứt phá lung tung tất cả… Để làm được điều ấy phải có ý chí, tinh thẩn, quyết tâm cao lắm! Gian khổ thế, anh vẫn thực hiện nó một cách đều đặn, tỉ mỉ và nghiêm túc.
Bỏ lại những khó khăn, Nguyễn Thành Long còn khắc họa nhân vật anh thanh niên đẹp trong nếp sống thường nhật. Anh cũng trồng hoa, có “Hoa dơn, hoa thược dược vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong…”. Anh đọc sách, trò chuyện, giao tiếp với sách, lấy sách làm bạn tri âm tri kỉ. Anh còn nuôi vài con gà để có thêm thực phẩm hàng ngày. Những thứ nhỏ nhặt đó lại là niềm vui, sự an ủi của anh trước hoàn cảnh khắc nghiệt.
Chi tiết anh từ chối khi ông họa sĩ ngỏ lời muốn vẽ chân dung của anh chứng tỏ anh còn là một người khiêm tốn, chân thật. Trong suy nghĩ của mình, công việc và những đóng góp của mình còn nhỏ bé, chưa thấm vào đâu so với “ông kĩ sư ở vườn rau dưới Sa Pa” hay “người đồng chí nghiên cứu khoa học” cùng cơ quan đang nghiên cứu lập bản đồ sét.
Anh đối xử với mọi người rất niềm nở, chu đáo. Anh biếu quà cho người vợ đang ốm của bác lái xe, tặng bó hoa tươi cho cô gái trẻ, tặng làn trứng gà cho ông họa sĩ.
Tóm lại, với lối văn bay bổng, hồn hậu, Nguyễn Thành Long đã xây dựng lên hình tượng nhân vật anh thanh niên có khát vọng sống, khát vọng cống hiến bất diệt. Qua đó vẽ lại bức tranh con người Việt Nam hăng say trong công cuộc xây dựng đất nước đi lên xã hội chủ nghĩa.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng công cuộc xây dựng, phát triển, đổi mới đất nước mới bắt đầu. Hình tượng anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long đã trở thành hình mẫu lí tưởng và nguồn cảm hứng lao động cho biết bao thế hệ trẻ hôm nay và mai sau để kiến thiết Việt Nam trở thành đất nước giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Hoài Lê