Giải thích ngắn gọn một sô câu tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất


Giải thích ngắn gọn một sô câu tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất

Hướng dẫn

1. Nước ta là một nước nông nghiệp. Dân ta có nghề trồng lúa nước lâu đời. Nền văn minh sông Hồng toả sáng trên bốn nghìn năm lịch sử chính là nền văn minh trồng lúa nước, trồng ngũ cốc. Màu xanh và hương thơm ngọt ngào của lúa, ngô, khoai… của hoa trái bốn mùa đã làm đẹp tâm hồn Việt Nam, trí tuệ Việt Nam.

Nghề nông ở nước ta trải qua nắng lắm mưa nhiều, hạn hán lũ lụt. Nhân dân ta có nhiều câu tục ngữ nói về nông lịch, về kinh nghiệm thời tiết. Mùa đông, ngày ngắn đêm dài; mùa hè ngày lại dài đêm ngắn. Nhân dân đã đúc kết qua một so sánh hóm hình:

‘Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng,

Ngày tháng mười chưa cười đã tối’

Lấy giấc ngủ để đo cái ngắn đêm mùa hè, lấy cái cười để chỉ ra cái ngắn của ngày mùa đông, đó là cách nói cụ thể nêu lên một kinh nghiệm cụ thể để biết sử dụng thời gian, lo ăn, lo làm, lo nghỉ ngơi hợp lí.

Chưa có máy móc khoa học để tính gió, đo mây,… nhân dân ta, bằng trực giác và kinh nghiệm để dự báo thời tiết, chủ động trong cày cấy gieo trồng, lên rừng hoặc ra sông, ra biển. Dự báo thời tiết để phòng chống thiên tai, để hạn chế thiệt hại cho mùa màng cây trồng, cho vật nuôi và cho con người. Có bao câu tục ngữ nói về thời tiết; kinh nghiệm quý báu ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị:

Xem thêm:  Nhà hoạt động chính trị Vũ Khoan nhắc nhở thế hệ trẻ: "chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới" (Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới - Vũ Khoan, SGK Ngữ văn 9, tập 1). Hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ về việc "chuẩn bị hành trang" của em

– ‘Cơn đằng đông vừa trông vừa chạy,

Cơn đằng tây vừa cày vừa ăn’

– ‘Ráng mỡ gà có nhà thì giữ’

– ‘Trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa’

Nhìn mây, nhìn ráng, nhìn trăng… mà dự báo thời tiết về mưa, bão, hạn hán. Kinh nghiệm ấy rất quý vì có cơ sở khoa học đã được chứng minh qua hàng nghìn” năm trong lao động sản xuất, trong cuộc sống.

Ngày xưa, một năm nhân dân ta chỉ làm hai vụ lúa: vụ chiêm và vụ mùa (vụ mười). Tháng ba nắng hạn, ruộng đồng khô cạn, khi lúa đang trổ đòng đòng. Mưa tháng ba đối với nhà nông là ‘cơn mưa vàng’ làm cho lúa tốt bời bời, bội thu. Trái lại, trong tháng tư, lúa sắp chín, khoai đỗ sắp thu hoạch, nếu mưa nhiều sẽ gây nhiều thiệt hại lớn cho nhà nông:

‘Mưa tháng ba, hoa đất,

Mưa tháng tư, hư đất’

Cuối tháng hai, những cơn mưa rào đầu hè sắp đến. Mưa tăng nguồn nước cho ruộng đồng, đem chất đạm tự nhiên cho lúa. Những tiếng sấm báo cơn mưa cuối xuân đầu hè làm cho nhà nông sung sướng, cây lúa phấn khởi ‘phất cờ’ vươn lên tươi tốt:

‘Lúa chiêm lấp ló đầu bờ,

Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên!’

Mưa thuận gió hòa, chân cứng đá mềm là mong ước của người dân cày Việt Nam từ bao đời nay.

2. Lại có những câu tục ngữ nói về trồng trọt và chăn nuôi. Muốn khoai nhiều củ, tăng năng suất thì phải luân canh, trồng trên ‘đất lạ’. Mạ có tốt thì lúa mới nhiều bông chắc hạt, do đó phải chuyên canh, mà phải gieo trên ‘đất quen’:

‘Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen’

Lúa có được chăm bón mới tươi tốt. Áo quần bằng lụa làm cho người ta thêm sang, thêm đẹp. Cách so sánh của ông bà nông dân có vẻ ‘thô’ mà cụ thể, hóm hỉnh khi nói về kinh nghiêm canh tác:

‘Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân’.

Dân gian có thành ngữ: ‘Cuốc bẫm, cày sâu’. Có cày sâu mới có lúa tốt. Lấy chuyện ‘ăn’ để nói về chuyện ‘cày’ cũng là cách khẳng định một kinh nghiệm, một bài học về sản xuất:

‘Ăn kĩ no lâu, cày sâu tốt lúa’.

Nông lịch dân gian là sự đúc kết qua thời tiết và khí hậu. Nước ta ở vùng nhiệt đới nên ai ai cũng phải nhớ: ‘Tháng hai trồng cà, tháng ba trồng đổ’. Gieo trồng trái vụ thì sẽ hỏng ăn. Cũng là chăn nuôi, nhưng nuôi lợn thì nhàn, tựa như ‘ăn cơm nằm’. Còn nuôi tằm, nhất là lúc tằm ăn rỗi, phải chầu chực suốt đêm ngày, đúng là ‘ăn cơm đứng’. Có trồng dâu nuôi tằm dệt tơ lụa mới thấm thía kinh " nghiệm:

‘Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng’

3. Ngoài ra dân gian còn có nhiều câu tục ngữ nói về tư liệu sản xuất của nhà nông. Muốn phát triển nông nghiệp phải coi trọng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Phải nuôi trâu bò để làm sức kéo. Con trâu là cánh tay phải, là người bạn chí thiết của nhà nông, là tài sản vô giá. Nhân dân chỉ rõ: ‘Con trâu là đầu cơ nghiệp’. Muốn làm giàu phải có ‘Ruộng sâu, trâu nái’. Ruộng sâu là ruộng màu mỡ, thuận nguồn

Xem thêm:  Nhận xét về âm hưởng, giọng điệu bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

nước. Trâu nái là trâu cái, béo tốt, đẻ mắn con. Cùng với con trâu, nhà nông gắn cả cuộc đời mình vào ruộng đất. Ruộng đất thấm bao mồ hôi công sức. Đất để trồng trọt đem lại hoa lợi và sự no ấm. Đất quý như vàng:

‘Tâ'c đất, tấc vàng’

Chỉ có bốn chữ mà nêu lên một bài học vô giá muôn đời. Kẻ nào phí phạm, phá hoại, lạm dụng, lãng phí ruộng đất là một tội ác lớn. Nước ta mỗi năm xuất khẩu gạo đứng thứ nhì trên thế giới. Qua đó, ta mới thấy ý nghĩa to lớn câu tục ngữ ‘tấc đất, tấc vàng’.

Ngày nay, khoa học kĩ thuật có nhiều thành tựu vĩ đại. Nền nông nghiệp nước ta phát triển theo đà công nghiệp hóa, hiện đại hoà. Tuỳ vậy, đọc lại một số câu tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất, ta học tập được bao kinh nghiệm quý báu, bao bài học bổ ích. Trí tuệ nhân dân được đúc kết bằng máu, mồ hôi, bằng tâm hồn thanh lọc qua hàng ngàn năm, đến ngày nay vẫn tỏa sáng.

Nguồn: Vietvanhoctro.com

Bài viết liên quan