Phân tích bài thơ Ánh Trăng của Nguyễn Duy hay nhất
Đề bài: Phân tích bài thơ Ánh Trăng của Nguyễn Duy
Bài làm
Trăng – là nguồn cảm hứng vô tận trong thi ca từ xưa đến nay. Ta từng bắt gặp ánh trăng trong Tĩnh Dạ tứ của Lý Bạch, trong Vọng Nguyệt của Hồ Chí Minh… Mỗi bài thơ đều đem đến những vẻ đẹp khác nhau của ánh trăng và gợi lên những tâm hồn chứa đựng những nỗi niềm khác nhau về nỗi nhớ quê hương, về phong thái ung dung yêu thiên nhiên tha thiết. Nhưng đến với bài thơ Ánh Trăng của Nguyễn Duy thì ta bắt gặp hình ảnh vầng trăng mang ý nghĩa triết lý sâu sắc và đem đến cho chúng ta một bài học đó chính là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Nguyễn Duy từng tham gia kháng chiến, từng cầm súng để đấu tranh vì hòa bình của dân tộc. Chính vì thế nhà thơ đã có khoảng thời gian gắn bó với cuộc chiến tranh, có những kỷ niệm về quãng thời gian chiến đấu gian khổ nhưng hào hùng ấy. Sau ngày đại thắng, thống nhất đất nước, nhà thơ trở lại sống ở một môi trường mới và vô tình bị cuốn theo nhịp sống tại đó mà quên lãng đi những kỷ niệm trước kia. Khi bất chợt nhận ra được nhà thơ không khỏi bàng hoàng, day dứt và ông đã viết nên bài thơ Ánh Trăng. Trong nỗi nhớ ấy nhà thơ ngược lại dòng ký ức khi còn nhỏ với biết bao kỷ niệm:
“Hồi nhỏ sống với đồng
Với sông rồi với biển
Hồi chiến tranh ở rừng
Vầng trăng thành tri kỷ”
Cuộc sống khi còn thơ bé của nhà thơ rất gần gũi, chan hòa với thiên nhiên. Ngay cả khi trở thành người lính sống trong bom đạn thì với nhà thơ thì thiên nhiên vẫn giống như người bạn mà đặc biệt đó chính là ánh trăng. Trong hoàn cảnh chiến đấu thiếu thốn, khắc nghiệt ấy thì vầng trăng giống như trở thành người tri kỷ để họ có thể giãi bày tâm sự, để chia sẻ những buồn vui. Đến với những dòng thơ tiếp theo, nhà thơ tiếp tục thể hiện sự khăng khít, gắn bó của mình với thiên nhiên:
“Trần trụi với thiên nhiên
Hồn nhiên như cây cỏ
Ngỡ không bao giờ quên
Cái vầng trăng tình nghĩa”
Có thể nói, thời gian nhà thơ tham gia cách mạng là lúc mà ông gắn bó nhất với thiên nhiên. Sự gần gũi ấy được tả giả miêu tả rất chân thật “trần trụi”, một cám giác về sự tiếp xúc thân mật, sự đồng cảm, giao hòa với thiên nhiên. Những kỷ niệm với thiên nhiên mà đặc biệt là vầng trăng những tưởng đã thấm vào da thịt, không thể nào quên được nhưng không phải vậy. Khi nhà thơ chuyển về thành phố, khi sống một cuộc sống mới thì sự tin tưởng về ký ức vẹn nguyên ấy không còn như xưa:
“Từ ngày về thành phố
Quen ánh điện cửa gương
Vầng trăng đi qua ngõ
Ngỡ người dưng qua đường”
Thời gian giống như một cơn lốc vô tình cuốn bay đi rất nhiều thứ. Thành phố với đèn điện, cửa gương với những xa hoa, phù phiếm khiến con người ta như bị cuốn theo. Trong không gian sống mới ấy, nhà thơ đã vô tình lãng quên đi người bạn tri kỷ năm xưa. Thậm chí người bạn ấy vẫn hằng ngày hiện hữu, dõi theo nhưng lại như không quen biết. Nguyễn Duy đã sử dụng lối nói ví von rất ấn tượng khi nói về sự lãng quên của mình. Người bạn tri âm tri kỷ nay đã bị những phù phiếm, những ánh đèn chói lóa, những ồn ã của phố phường và nỗi lo lắng mưu sinh khiến con người ta lãng quên đi. Đó phải chăng là quy luật tất yếu của cuộc đời khi con người ta được sống đầy đủ về vật chất thì khiến họ quên đi những giá trị tinh thần từng gắn bó trải qua gian khổ, quên đi cái gọi là tình cảm của con người. Giữa thực tại đó thì nhà thơ đã để cho nhân vật trữ tình bất ngờ đối mặt với người bạn cũ:
“Thình lình đèn điện tắt
Phòng buyn-đinh tối om
Vội bật tung cửa sổ
Đột ngột vầng trăng tròn”
Đèn điện tắt, cái xa hoa, lộng lẫy như biến mất trong chốc lát đưa con người ta trở về với cái thực tại tối tăm. Cũng lúc đó giữa cái “thình lình”, “đột ngột” đó thì người chiến sĩ năm xưa đã nhận ra người bạn tri âm, tri kỷ ngày nào. Hóa ra bấy lâu nay mình đã quên đi người bạn ấy, nhưng vầng trăng ấy vẫn mang dáng vẻ khi xưa, vẫn âm thầm chờ đợi ta và sẵn sàng đón nhận mình khi mình biết lỗi. Và người lính trong bài thơ cũng đã cảm nhận sâu sắc được điều ấy:
“Ngửa mặt lên nhìn mặt
Có cái gì dưng dưng
Như là đồng là bể
Như là sông là rừng”
Nỗi niềm xúc động khi nhận ra người bạn tri kỷ, rồi những kỷ niệm ngày xưa ấy như lũ lượt ùa về trong tâm trí. Khiến cho người lính ấy như được trở về tuổi thơ, trở về những ngày tháng gian khổ. Chính khổ thơ cuối đã chứng minh sự thức tỉnh của nhà thơ khi đối diện với thực tại:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình”
Bài thơ Ánh Trăng đã khiến cho người đọc dâng trào biết bao nhiêu nỗi niềm xúc động, bồi hồi. Đồng thời cũng là lời nhắc nhở đối với chúng ta đó là cần phải biết sống tình nghĩa, biết trân trọng và giữ gìn những ký ức, những giá trị tinh thần quý giá từng gắn bó với ta.
Loan Trương