Phân tích bài thơ Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ
Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ.
Bài làm
“Làm trai đứng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.”
Đó là cái triết lí của đời nam nhi mà Nguyễn Công Trứ đã phát biểu. Cuộc đời Nguyễn Công Trứ đã sống và hành động đúng như khí thế của câu nói. Nguyễn Công Trứ đã tổng kết cuộc đời mình trong bài thơ “Bài ca ngất ngưởng”.
Nguyễn Công Trứ, tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hi Văn, là một nhà chính trị, nhà quân sự và một nhà thơ nổi tiếng thời Nguyễn. Cả cuộc đời ông là những giai thoại, giai thoại nào cũng cho thấy bản lĩnh sống, bản lĩnh trí tuệ ngời sáng. Thơ nguyễn Công Trứ sinh động, giàu triết lý nhân văn lại pha chút hóm hỉnh.
Bài thơ “Bài ca ngất ngưởng” được Nguyễn Công Trứ sáng tác sau 1848, khi ông cáo quan về ở ẩn. Bài thơ đã thể hiện cả trí tuệ, tài năng, cả cốt cách, cá tính và triết lí sống của chính mình.
Bài thơ viết bằng thể Hát nói như một khúc ca trác tuyệt về tài hoa và khí phách của “Ông Hi Văn”.
Nguyễn Công Trứ không mở đầu bằng hai câu chữ Hán mà bằng một câu Hán:
“Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng”
Hi Văn là biệt hiệu của Nguyên Công Trứ. Câu thơ có thể dịch là: trong vũ trụ này không có việc gì là không phải phận sự của ta. Đây là quan niệm mà Nguyễn Công Trứ suốt đời làm theo. Vì ý thức cái “phận sự” – nghĩa vụ của mình mà Nguyễn Công Trứ đã dấn thân vào chốn quan trường. Nhưng chốn quan trường lại như một cái “lồng” nhốt. Có cảm giác như Nguyễn Công Chứ đang cười một “ông Hi Văn” nào đó! Cái ông Hi Văn kia lại tự mình chui vào cái vòng bó buộc mang tên công danh.
Nguyễn Công Trứ kể lại cái thời oanh liệt:
“Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng
Lúc bình Tây, cờ đại tướng,
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên”.
Các chức danh Thủ khoa, Tham tán, Tổng đốc là tài văn, còn tài thao lược khi làm Đại tướng bình Tây hay làm Phủ doãn là tài võ. Con người văn võ song toàn ấy đã thành một “tay ngất ngưởng”. Từ “ngất ngưởng” thể hiện cái khí tiết cao ngạo, tự tin, thách thức với tất cả. Phải, với những công trạng ấy cao ngạo là lẽ thường tình. Song từ “tay” đứng phía trước lại mang ý tứ mỉa mai, châm trọc, ngông nghênh. Với ông công trạng thì dữ dội, nhưng là công trạng cho một triều đình mục ruỗng, thối nát, suy đồi thì đáng cười hơn đáng vui.
Khi làm quan “ngất ngưởng”, còn khi về quê vẫn cứ “ngất ngưởng”:
“Đô môn giải tổ chi niên,
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng
Kìa núi nọ phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi.
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng…”
Trong thực tế, khi cáo quan về hưu, Nguyễn Công Trứ không thèm cưỡi ngựa mà cưỡi bò vàng có đeo lục lạc.
Rồi bỗng xuất hiện dãy núi quen thuộc “phau phau mây trắng” của quê nhà – núi Đại Nại đẹp hư ảo, đẹp như cõi tiên phật. Rồi cái ngông lại bắt đầu có dịp thể hiện. Tay cầm kiếm, cầm cung – vũ khí vấy máu tanh mà lại thành “dạng từ bi” được. Rồi vào chùa mà lại “đủng đỉnh” dắt theo cô ả đào. Đúng là chỉ có Nguyễn Công Trứ mới làm được. Cái “ngất ngưởng” vô tư ấy khiến Bụt cũng phải bật cười.
Đáng ra khi “vinh quy” là phải ngồi kiệu, cưỡi ngựa hiên ngang, đến chùa phải thành kính, khép nép. Nhưng Nguyễn Công Trứ đi ngược lại hoàn toàn. Trong xã hội đầy phép tắc ấy cái cá nhân, cá tính vẫn được duy trì.
“Được mất dương dương người tái thượng,
Khen chê phơi phới ngọn đông phong
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng.
Không Phật, không tiên, không vướng tục”
Tác giả sử dụng điển tích “Tái ông thất mã” để khẳng định: Được chưa chắc là may, mất chưa hẳn là rủi, tiền tài chỉ là vật ngoài thân. Nguyễn Công Trứ sẽ luôn giữ thái độ bất biến trước thời cuộc. Ngay cả sự “khen chê” đều là cái sự vui thú như ngọn gió xuân. Vì quan niệm đó, nên có lúc ông là đại tướng oai phong, khi thì bị cách chức xuống làm lính thú. Nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn không nề hà mà vẫn cứ giữ phong thái tự do thưởng thức cái đẹp, hưởng lạc thú: thơ, rượu, cầm, ca…
Tự đánh giá về mình, ông viết:
“Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú.
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!”
Nguyễn Công Trứ làm quan qua nhiều đời vua như Gia Long Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Mỗi thời, ông lại có biệt danh oanh liệt giống như Trái (Trái Tuân), Nhạc (Nhạc Phi), Hàn (Hàn Kì), Phú (Phú Bật) của Trung Quốc. Thế nên, trong triều đình ít ai “ngất ngưởng” bằng ông. Tác giả đã chọn giai điệu “ngất ngưởng” để kết thúc bài ca. Cái “ngất ngưởng” của tác giả không phải tiêu cực mà là sự khẳng định bản thân, là bản lĩnh dám sống ở đời và là một phong cách sống tài hoa tài tử.
Như vậy, bài thơ “Bài ca ngất ngưởng” đã thể hiện bức tranh chân dung tự họa của một nhà thơ thích chơi “ngông”. Qua đó, ngươi đọc cảm nhận được phong cách sống, phong cách nghệ thuật của con người và của thơ Nguyễn Công Trứ.
Hoài Lê