Phân tích bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt
Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt.
Bài làm
Bằng Việt thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Bằng Việt mang một hồn thơ rất thân thương, trong đó nổi bật là hình ảnh quê hương có người bà và chiếc bếp lửa. Bài thơ “Bếp lửa” đã ghi lại hồn thơ đó.
Bài thơ “Bếp lửa” được ông sáng tác năm 1963 khi đang đi du học ở Liên Xô. Bài thơ thể hiện tình cảm gắn bó, sáng ngời của hai bà cháu trong những năm tháng gian nan. Tác giả đã thể hiện nỗi lòng tha thiết nhớ của mình trong từng câu thơ.
Mở đầu bài thơ là hoàn cảnh sống thiếu thốn, nhưng ấm áp tình yêu thương của hai bà cháu:
“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!”
Hình ảnh bếp lửa đã trở nên quá quen thuộc với người dân Việt Nam. Trong thực tại, chiếc bếp đang “chờn vờn” lửa vào buổi sáng sớm đậm sương. Từ “chờn vờn” và “sương sớm” gợi lên cái mịt mù, giá rét của những sáng sớm rét mướt khắc nghiệt của mùa đông Bắc Bộ. Nhưng trong tâm tưởng tác giả chiếc bếp lửa ấm áp vô cùng nhờ sức gợi cảm của từ “ấp iu”, “nồng đượm”. Nhớ về bếp lửa là nhớ về người bà. Tác giả không cần giấu cảm xúc mà trực tiếp bộc lộ “thương bà biết mấy”. Những sáng sớm giá lạnh bà thức dậy khi mặt trời con chưa ló dạng để châm bếp lửa. Nó đã trở thành kí ức vô cùng quen thuộc.
“Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy,
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!”
Hình ảnh bếp lửa và người bà đã gắn liền với tác giả từ khi lên 4 tuổi. Biết bao kí ức tuổi thơ dữ dội ùa về trong tác giả. Cái mùi khói mà đến khi trưởng thành tác giả vẫn thấy cay sống mũi khi nghĩ tới. Cảnh bố phải đánh xe ngựa, cả người cả ngựa “khô rạc” đi. Rồi nhớ về những ngày đói kém, cái đói lê thê, mòn mỏi. Một giai đoạn khó khăn, vất vả như thế mà bà, cháu và chiếc bếp lửa cùng sưởi ấm cho nhau, sát cánh bên nhau cùng vượt qua tất cả. Cái cay nơi sống mũi không chỉ là sự ám ảnh của khói bếp nữa mà là sự cảm động về nghĩa tình một thời.
“Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.”
Nhớ về bếp lửa, về người bà là nhớ về cả những câu chuyện bà hay kể. Chuyện về những ngày ở Huế có lẽ là chuyện chiến tranh, gian lao, khắc nhiệt. Nhưng cách viết dung dị của tác giả khiến câu chuyện ấy lại như những lời kể cổ tích, thần tiên.
“Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế,
Mẹ cùng cha công tác bận không về,
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học”
Rồi lần lượt là những âm thanh quen thuộc hiền về. Tiếng tu hú, tiếng kể thủ thỉ, tiếng học bài… Khi cả mẹ và cha đều đi công tác, cũng chỉ còn cháu với bà bên nhau. Thế là bà lại làm cha, làm mẹ luôn! Bà dạy bảo cái đúng bà hướng dẫn công việc, bà chăm sóc tận tình…. Người cháu trong câu chuyện thương bà biết mấy:
“Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,
Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà,
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?”
Kí ức về những ngày giặc đến cũng không kém phần thương cảm:
“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:
“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”
Hình ảnh người bà đến đây càng thể hiện đức hi sinh cao cả. Những năm giặc đến đốt làng, toàn bộ mọi thứ đều bị thiêu trụi nhưng bà vẫn “đinh ninh”, vững tin. Đã vậy, bà còn sợ con trai đi lính lo lắng nên dặn dò đứa cháu phải nói dối rằng: “nhà vẫn được bình yên”.
Bà kiên trì như ngọn lửa bếp, dù có bị gió lớn dập tắt nhưng luôn âm ỉ hơi nóng bên trong:
“Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen,
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn,
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…”
Hình ảnh bếp lửa và bà cứ tiếp tục lại được lặp lại:
“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,
Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ…
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”
Cái bếp lửa không chỉ là nỗi ám ảnh trong tác giả mà còn là nỗi ám ảnh trong bà. Mấy chục năm qua đi, thói quen dậy sớm nhen bếp lửa bà không bỏ được. Bếp lửa dưới tay bà luôn nồng đượm hơi ấm, thế nên nó không bao giờ tắt. Cũng như niềm tin trong bà vậy, bà chưa bao giờ thôi hi vọng về ngày mai.
Một miền kí ức dài từ những ngày người cháu bắt đầu hiểu chuyện (4 tuổi) tới tận khi trưởng thành, và thực tại cũng được tác giả khắc họa:
“Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?”
Tuy đặt chân đến những miền đất mới có nhà cao tầng, có xe lửa chạy nhanh nhưng người cháu vẫn mong ngóng được trở về bên bà, bên bếp lửa. Câu thơ cuối như lời nhắc nhở chính mình và nhắc nhở mọi người: hãy yêu thương, trân trọng và biết ơn tình cảm, công lao của người bà cũng như không được quên gốc gác, nguồn cội, quê hương của mình.
Đọc bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt, chúng ta như muốn trở về bên gia đình, bên những người thân yêu.
Hoài Lê