Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ “Chạy giặc” của Nguyễn Đình Chiểu.
Bài làm
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”
Những câu thơ ấy gợi nhắc ngay bạn về tác giả Nguyễn Đình Chiểu tuy cuộc đời đau thương, trăn trở nhưng dạt dào tình thương con người. Bài thơ “Chạy giặc” thể hiện rất rõ những điều đó.
Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), tục gọi là Đồ Chiểu, tự Mạch Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai. Ông xuất thân trong gia đình nhà nho. Cha ông là Nguyễn Đình Huy, người làng Bồ Điền, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thuở nhỏ, Nguyễn Đình Chiểu được mẹ nuôi dạy. Sau đó, mẹ ông mất vào đúng ngày đi thi nên Nguyễn Đình Chiểu đã bỏ thi về làm tang cho mẹ. Trên đường trở về, vì quá thương khóc mẹ, vì vất vả và thời tiết thất thường nên Nguyễn Đình Chiểu bị ốm nặng, cuối cùng bị mù cả hai mắt. Tuy mắt mù nhưng tâm không mù, Nguyễn Đình Chiểu dạy học và làm nghề bốc thuốc. Các sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu đậm ý chí anh hào và nặng lòng yêu nước.
Bài thơ “Chạy giặc” là một tác phẩm tiêu biểu của phong cách nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu. Bài thơ được tác giả viết sau khi thành Gia Định bị thực dân Pháp bắt đầu tấn công (ngày 17-2-1859). Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên mở đầu thời kì văn học yêu nước chống Pháp nửa cuối thế kỉ XIX. Bài thơ “Chạy giặc” thể hiện nỗi thống khổ của những người dân bần hàn, cùng cực, nỗi khổ của những con người trong cảnh chiến tranh loạn lạc.
Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật gồm 4 phần Đề, Thực, Luận, Kết.
Trước hết, ở hai câu đề miêu tả lại cục diện bi thảm của đất nước ta bấy giờ:
“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây
Một bàn cờ thế phút sa tay”
Cục diện được ví như “một bàn cờ” đang rơi vào thế bí. Chỉ cần một “phút sa tay” thôi là Thành Gia Định thất thủ, Đồng Nai, Bến Nghé sẽ rơi vào tay giặc. Một trang sử hiện ra với tình thế vô cùng nguy nan. Và điều gì đến cũng sẽ đến. Thành Gia Định thực sự thất thủ. Âm thanh súng Tây nổ nhói tai khẳng định nước đã rơi vào tay giặc.
Từ đây, cảnh lầm than, tang tóc được vẽ ra trước mắt người đọc vô cùng xót xa, bi phẫn:
“Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,
Mất ổ bầy chim dáo dác bay”
Hai câu thơ sử dụng biện pháp đảo trật tự vai vế trong câu. Không phải là lũ trẻ phải bỏ nhà, chạy lơ xơ còn bầy chim bị mất ổ nên bay dáo dác. Đảo trật tự như vậy khiến thế bị động được đẩy lên. Chính sự khốc liệt của chiến tranh khiến lũ trẻ phải mất nhà cửa còn chim chóc cũng bị mất đi chiếc tổ ấm. Những từ láy như “lơ xơ”, “dáo dác” đặc tả sự tan nát, hoảng sợ, hãi hùng. Nỗi đau như ập đến quá bất ngờ.
“Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.”
Hai câu luận là cảnh tang thương, đau xót của địa điểm Bến Nghé và Đồng Nai. Đây là hai địa danh rất sầm uất, buôn bán tàu thuyền tấp nập nhưng nay thì tiền bạc của cải “tan bọt nước”, còn những mái nhà bị hủy hoại, đốt cháy tạo thành màn khói bụi tựa như mây bay. Pháp kéo vào xâm lược, chúng không chỉ đàn áp dã man những người chống lại chúng mà còn cướp phá của cải, phá vườn tược, đốt nhà, hãm hiếp phụ nữ, giết tất cả trai tráng, thanh niên…. Tiếng khóc của bọn trẻ, giọt nước mắt của người phụ nữ, máu chảy thành sông… lại là niềm vui thú bệnh hoạn của bọn xâm lăng phi nghĩa.
Tôi bỗng nhớ về mấy câu thơ trong bài “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm:
“Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
…
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu…”
Những lúc như thế này, người dân chỉ còn biết kêu, biết than rằng:
“Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,
Nỡ để dân đen mắc nạn này?”
Tiếng kêu như thấu trời xanh: Trang hào kiệt, anh tài bảo vệ Tổ quốc đâu cả rồi mà để cho dân đen phải chịu tai họa tang tóc như thế này? Một câu hỏi không có câu trả lời nhưng trong lòng mỗi người lại tự hiểu được? Làm sao có hào kiệt nào khi mà chính quân triều đình còn hèn yếu, bán nước? Lời than cũng như lời tự trách của nhà thơ. Nhà thơ cũng là một kẻ đọc sách thánh hiền, nặng lòng với nước nhưng “lực bất tòng tâm”.
Qua bài thơ “Chạy giặc”, tác giả gieo vào lòng người suy ngẫm về cả một thời kỳ lịch sử đất nước đau thương. Với hình ảnh thơ bình dị, dân dã đậm đặc màu sắc Nam Bộ kết hợp các biện pháp đảo ngữ, ẩn dụ, so sánh đã tạo nên những vần thơ rất hàm súc.
Qua bài thơ “Chạy giặc”, tác giả gieo vào lòng người suy ngẫm về cả một thời kỳ lịch sử đất nước đau thương. Từ đó cho thấy một tâm hồn giàu tình thương con người, yêu quê hương, đất nước cũng là lời phê phán đanh thép về những kẻ đã lấy đi cuộc sống bình yên của biết bao con người Việt Nam. Đó cũng là tinh thần nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Đình Chiểu.
Cụ Đồ Chiểu xưa rơi nước mắt vì mẹ mất và rỉ máu trong tim vì nước mất, nhà tan. Sau hàng trăm năm, đến nay độc giả vẫn không ngừng rơi lệ vì một cuộc đời đau thương của người chí sĩ yêu nước xưa.
Hoài Lê