Phân tích bài thơ Con Cò của nhà thơ Chế Lan Viên
Đề bài: Phân tích bài thơ Con Cò của nhà thơ Chế Lan Viên
Bài làm
Con cò là một hình ảnh quen thuộc trong thơ ca dân gian của dân tộc. Mỗi khi nhắc đến hình ảnh con cò người ta lại gợi nhớ về quê hương và con người Việt Nam. Bài thơ Con Cò của Chế Lan Viên cũng đem lại cho người đọc những cảm nhận quen thuộc về tuổi thơ và cánh cò như trong thơ ca dân gian mà chúng ta đã quen thuộc.
Khổ thơ đầu của bài thơ giống như một lời ca nhẹ nhàng, êm ái:
“Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ ru
Có cánh cò đang bay”
Hình ảnh ta bắt gặp ở khổ thơ đầu này chính là hình ảnh đứa con nhỏ được mẹ ru bằng lời ru về con cò. Chắc hẳn trong số chúng ta đều từng nghe những câu hát ru có cánh cò:
“Con cò bay lả bay la
Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng”
Hay:
“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”
Lời ru của mẹ đã mang đến cho con giấc ngủ yên bình, ấm áp. Trong những lời ru ấy khiến cho con có ấn tượng sâu sắc về cánh cò, cánh cò từ lời ru vào trong giấc mộng của con rồi lại từ giấc ngủ ấy khiến con nhận biết được hiện thực khi con thức. Lời ru cho ta cảm nhận được tình thương, cảm xúc dạt dào yêu thương của mẹ. Lời mẹ ru con gắn với những lời mẹ mong muốn truyền đạt, thấm nhuần vào tâm tưởng của con. Hình ảnh con cò là hình ảnh biểu tượng cho người nông dân cần cù, lam lũ, vất vả kiếm ăn mỗi ngày. Người mẹ mong muốn con được tiếp cận với những gì thân thuộc, thân thương của quê hương trước những tri thức bao la của nhân loại mà sau này con sẽ học ở trường lớp.
“Ngủ yên! Ngủ yên! Ngủ yên!
Cánh cò mềm mẹ sẵn tay nâng!
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân!
Con chưa biết con cò, con vạc
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát
Sữa mẹ nhiều con ngủ chẳng phân vân”
Điệp ngữ “ngủ yên” kết hợp với hình ảnh con cò được nhắc đi nhắc lại trong lời ru của mẹ. Qua đó ta thấy được tình cảm thiết tha mẹ dành cho con. Người mẹ hết lòng vì con, sẵn sàng hi sinh, trở che để con có giấc ngủ yên, để con chẳng phải phân vân bất cứ một điều gì. Câu thơ khiến cho người đọc nhớ về tuổi thơ, nhớ về những tháng ngày còn vô lo, vô nghĩ, những giây phút được nằm trong vòng tay dịu êm của mẹ. Điệp khúc “ngủ yên” ấy lại tiếp tục được cất lên từ lời ru của mẹ:
“Ngủ yên, ngủ yên, ngủ yên
Cho cò trắng đến làm quen
Cò đứng ở quanh nôi
Rồi cò vào trong tổ
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi
Mai khôn lớn theo cò đi học
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân”
Mặc dù mẹ biết con còn bé bỏng, còn chưa biết con cò, con vạc nhưng mẹ vẫn muốn gửi gắm đến con những hình ảnh thân thuộc của quê hương, để cánh cò trắng đồng hành với con không chỉ trong lời ru của tuổi thơ mà cả khi con đã lớn khôn, khi con tới trường, tới lớp. Cánh cò đi từ lời ru đến hiện thực, cho con cảm nhận được cánh cò đang ở gần bên con, đang cùng con đi vào giấc ngủ. Và việc con ngủ yên có mối quan hệ mật thiết đến giấc ngủ của con cò, cò trở thành người bạn tri kỷ của con. Rồi khi con lớn lên những cánh cò vẫn tiếp tục theo gót chân con tới trường:
“Lớn lên, lớn lên, lớn lên…
Con làm gì?
Con làm thi sĩ?
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn”
Dù sau này có trưởng thành, dù con có làm bất cứ công việc gì thì mẹ vẫn mãi luôn là nguồn động lực cho con vững bước và thành công trên đường đời. Cánh cò trắng ở đây ta có thể hiểu đó chình là hình ảnh tượng trưng cho người mẹ. Khi con còn nhỏ, con nằm trong vòng tay mẹ, ngoài giấc ngủ của con là hình ảnh người mẹ vất vả kiếm sống để nuôi nấng con. Rồi sau này khi con lớn lên, khi con đã có nghề nghiệp cho riêng mình thì cánh cò trắng vẫn “bay hoài không nghỉ” bởi vì vẫn tiếp tục phải lo cho con, lo cho cuộc sống gia đình. Cánh cò ấy có thể không theo sát, hiện diện trước mắt con nhưng vẫn luôn dõi theo con. Cho đến khổ thơ thứ ba khiến cho ta thấy một thứ tình cảm giản dị mà xúc động:
“Dù được gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn, vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn yêu con”
Đây chính là những tâm tình của một người mẹ đối với người con. Dù con đã trưởng thành, lớn khôn, dù vòng tay của em bây giờ không thể ôm trọn con vào lòng, dù bất cứ hoàn cảnh nào thì mẹ vẫn yêu con. Bài thơ Con Cò được mở đầu bằng lời ru và cũng được kết lại với lời ru à ơi của mẹ. Một lời ru cho ta cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng.
Loan Trương