Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ “Đi Đường” (“Tẩu Lộ”) của Hồ Chí Minh.
Bài làm
Hồ Chí Minh không chỉ được biết đến là nhà lãnh đạo kiệt xuất của dân tộc mà còn là nhà thơ, nhà văn đa phong cách. Bài “Đi Đường” (“Tẩu Lộ”) là một trong những bài thơ tiêu biểu của Hồ Chí Minh. Tác giả đã thể hiện kết hợp bức tranh thiên nhiên hùng vĩ tâm thế lạc quan, vượt khó của người chiến sĩ yêu nước, thương dân.
“Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan
Trùng san chi ngoại hựu trùng san
Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Vạn lý dư đồ cố miện gian.”
Dịch thơ
“Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng.
Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”
Bài thơ “Đi Đường” trích từ tập thơ “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh. Giống như một số bài có cùng chủ đề như “Giải đi sớm”, “Trên đường đi”, “Chiều tối”, bài thơ này đã ghi lại những cảm nhận trên đường đi. Bài thơ sáng tác trong hoàn cảnh Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạc giải qua nhiều nhà tù trên tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Tuy là chuyện đi đường nhưng những cảm nhận dọc đường đi được khái quát và nâng cao lên thành triết lí.
Câu thứ nhất như một lời tự chiêm nghiệm. Là chuyện đi đường thôi nhưng tác giả cũng nhìn ra quy luật cuộc đời:
“Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan
Trùng san chi ngoại hựu trùng san”
Với nhà thơ, con đường được nói tới không chỉ là con đường đi trong thực tại mà còn là con đường cách mạng vô cùng nguy hiểm. Hình ảnh con đường được miêu tả bằng điệp ngữ “trùng san” gợi ra cảnh tượng những ngọn núi tựa như những thử thách, khó khăn cứ tầng tầng lớp lớp, trùng trùng điệp điệp. Cái tầng lớp, trùng điệp ấy nó càng nhân lên gấp bội với hình ảnh “hựu trùng san”. Ngoài ra từ “tẩu lộ” lặp lại hai lần cũng có tác dụng gợi hình ảnh con đường đi dài vô cùng tận.
Hai câu sau được cấu trúc bởi mối quan hệ điều kiện – hệ quả:
“Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Vạn lý dư đồ cố miện gian.”
Với người leo núi, muốn lên đến đỉnh núi cao chót vót thì phải có quyết tâm và nghị lực lớn. Với tác giả, cơ thể đang trên con đường dẫn tới đỉnh núi và đồng hành với mỗi bước chân là trái tim và lý trí cũng đang từng bước một. Lý trí đang trên con đường cách mạng, con đường giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ.
Và khi lên tới đỉnh điểm, cái “vạn lý dư đồ” – “muôn trùng nước non” sẽ xuất hiện. Người chiến sĩ cứ cố gắng từng ngày, từng ngày với niềm tin bất diệt rằng: Một lúc nào đó, mọi thứ sẽ sáng tỏ, con người sẽ làm chủ được thiên nhiên, cũng là làm chủ được thế cuộc. Có lẽ, cách dịch nghĩa chưa thể hiệ được hết cái ý vị của cụm từ “vạn lí dư đồ”. Nó không chỉ là thiên nhiên non nước, mà nó còn là nghiệp lớn.
Vậy là cái điều kiện ở đây là sự nỗ lực và kết quả là sự thành công. Nhờ có nỗ lực mà sẽ thành công và muốn thành công thì phải tiếp tục nỗ lực. Đó là ý tứ sâu xa mà tác giả muốn biểu đạt. Mặt khác, trong cái gian lao trùng điệp ấy, ta vẫn thấy được cái lạc quan lấp lánh trong tác giả.
Tóm lại, bài thơ “Đi Đường” với thể thất ngôn tứ tuyệt, hình ảnh giàu sức gợi, chuẩn xác thể hiện sự tài hoa của Hồ Chí Minh. Hơn hết, bài thơ tuy rất đơn giản, dung dị nhưng lại bàn về chuyện lớn lao của dân tộc. Do đó, bài thơ rất có sức chiến đấu, có khả năng cổ vũ cách mạng, cổ vũ tinh thần nhân dân. Cái triết lí sâu xa mà tác giả gửi gắm được người đọc tiếp nhận rất dễ dàng. Đó cũng là nét phong cách thơ nổi bật của Hồ Chí Minh.
Bài thơ mang nhiều hàm nghĩa. Hồ chí Minh đã mượn chuyện đi đường để nêu lên cảm nghĩ về con đường cách mạng. Trong thời đại ngày nay, bài thơ cũng vẫn có giá trị răn dạy: cuộc sống có những lúc khó khăn, đôi khi là nguy hiểm nhưng chỉ cần có quyết tâm cao, nghị lực lớn mới chiến thắng mọi thử thách, mới giành được thắng lợi vẻ vang.
Hoài Lê