Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận


Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận

Hướng dẫn

Bài thơ gồm bảy khổ miêu tả nhiều cảnh của một chuyến ra khơi đánh cá của một đoàn thuyền từ lúc “mặt trời xuống biển” chiều hôm trước, đến tận lúc “mặt trời đội biển nhô màu mới” trở về. Trong đó bốn khổ thơ miêu tả cảnh đánh cá trên biển của đoàn thuyền là hay và đặc sắc hơn cả.

Mở đầu đoạn thơ, ta thấy hình ảnh một đoàn thuyền đánh cá bề thế, hùng dũng đang băng băng lướt sóng:

Thuyền ta lái giỏ với buồm trăng Lướt giữa mây cao với biển bằng

Đoàn thuyền ấy có gió làm lái, có trăng làm buồn. Dường như thiên nhiên cũng hoà vào không khí lao động khẩn trương của đoàn thuyền. Đoàn thuyền ấy “lướt” mây cao với “biển bằng”, lướt một không gian bao la khoáng đạt. Thiên nhiên như mở ra, bát ngát, mênh mông, trên là trơi cao có trăng sáng tỏ, dưới là biển rộng bao la và ở giữa là đoàn thuyền đang lướt nhanh giữa khoảng không cao rộng ấy. Con thuyền như hoà nhập vào thiên nhiên, như không mất hút trong thiên nhiên. Giữa thiên nhiên bao la, con thuyền không hề bị lấn át, không hề trở nên nhỏ bé, trái lại trở thành một hình ảnh trung tâm vừa đẹp vừa khoẻ khoắn, vừa thơ. Đoàn thuyền càng đẹp, càng thơ khi gió biển thổi làm lái dẫn thuyền và trăng đậu trên cánh buồm khiến tác giả tưởng nhưtrăng làm buồm đựng gió kéo thuyền lướt sóng. Con thuyền không phải chỉ của “ta”, của con ngươi, thay thế con người chỉ huy điều khiển con thuyền. Nếu như ở đoạn đầu, thiên nhiên đã chìm vào trạng thái nghỉ ngơi “mặt trơi xuống biển”, “sóng đã cài then, đêm sập cửa”, thì ở đây con người đã đánh thức thiên nhiên, làm sống động vũ trụ, để thiên nhiên, vũ trụ cùng lao động với con người. Lòng tin yêu con người, trí tưởng tượng bay bổng đã giúp nhà thơ xây dựng được một hình ảnh thơ đẹp và nhiều ý nghĩa.

Xem thêm:  Dàn ý thuyết minh về ngày Tết nguyên đán

Hai câu thơ tiếp đã miêu tả cụ thể những công việc của đoàn thuyền đánh cá:

Ra đậu dặm xa dò bụng biển Dàn đan thế trận lưới vây giăng

Cồng việc đầu tiên của những người đánh cá là đi tìm luồng cá trong lòng biển. Và giữa biển khơi mênh mông, khi đã tìm được luồng cá, những chiếc thuyền tỏa ra, thả lưới bủa vây. Đó là những công việc, những hoạt động bình thường của người dân chài. Nhưng qua cách miêu tả của tác giả, ta thấy những hoạt động đó giông như những hoạt động chuẩn bị cho một trận đánh. Người dân chài bước vào lao động bình thường như bước vào một trận chiến đấu với vũ khí là những tấm lưới, với sức khoẻ của cơ bắp, với trí thông minh và với tâm thế của người đã nắm chắc phần thắng.

Lưới đã thả và đàn cá hiện ra. Những con cá được nhà thơ miêu tả thật đẹp: “Cá nhụ, cá chim cùng cá đé”. Cá có rất nhiều loại và ta có thể nhận thấy, đó là những loại cá rất quý. Trong tầm nhìn, từng đàn cá chen nhau đông đúc. Dưới ánh trăng, thân hình cá lấp lánh lung linh, và giữa các đàn cá đó, nổi bật lên hình ảnh:

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng Cúi đuôi em quẫy trăng vàng choé Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long

Huy Cận đã từng viết: “Cá song đuốc dẫn thơ vào”, và bây giờ ông lại viết: “Cá song lấp lánh đuốc đen hồng”. Câu thơ đã cho ta thấy đầy đủ sắc màu rực rỡ của cá song. Đặc biệt hình ảnh đuôi cá được miêu tả thật độc đáo:

Cúi đuôi em quẫy trăng vàng choé

Giữa muôn ngàn cá, con nào cũng đẹp, nhưng cá song nổi bật lên không chỉ ở màu sắc rực rỡ như ngọn đuốc lung linh mà còn ở cử động mềm mại, uyển chuyển như múa. Cử động của cá làm cho trăng đẹp hơn, sáng hơn. Chính cử động ấy đã tạo nên nét thơ mộng làm tâm hồn nhà thơ rung động và bật lên tiếng “em” trìu mến.

Trăng đã lên cao, cá đang vào lưới. Người đánh cá cất cao tiếng hát để gọi cá:

Ta hát bài ca gọi cá vào Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao

Cùng với tiếng hát, ánh trăng cũng “gõ” vào mạn thuyền làm nhịp cho lời hát. Trăng trên cao rất sáng in hình xuống nước. Nước biển đẫm ánh trăng vỗ sóng như gõ nhịp vào mạn thuyền xua cá. Hình ảnh vừa thực vừa hư ảo do trí tưởng tượng phong phú của nhà thơ sáng tạo nên làm cho cảnh lao động vừa đẹp, vừa nên thơ, vừa vui và mang nhiều ý nghĩa. Đắm mình trong cảnh lao động thơ mộng đó, nhà thơ nhận thây “biển như lòng mẹ”. Mẹ là người sinh ra, nuôi nâng, dạy bảo ta. Biển cũng vậy, biển cho ta cá như nguồn sữa mẹ nuôi lớn đời ta:

Biển cho ta cá như lòng mẹ Nuôi lớn đời ta tự thuở nào

Biển được so sánh như lòng mẹ, biển luôn luôn trư đãi con người. Ta thấy ở đây toát lên lòng yêu mến, biết ơn biển cả của những người đánh cá và của cả nhà thơ.

Cá đã vào lưới, trời đã chuyển dần về sáng. Mọi hoạt động càng trở nên khẩn trương gấp rút hơn:

Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng Vảy bạc đuôi vàng loé rụng đông Lưới xếp, buồm lên đán nắng hồng…

Xem thêm:  Từ một số bài ca dao than thân đã học hoặc đã đọc, hãy phát biểu cảm nghĩ của anh (chị) về số phận người phụ nữ trong xã hội cũ. (Yêu cầu viết bài văn)

Sao mờ đi, trời sắp sáng. Mẻ lưới cuối cùng được kéo lên. Công việc không nhẹ nhàng chút nào. Người dân chài phải “xoăn tay” kéo lưới vì mẻ lưới đầy cá. Hình ảnh đàn cá trong lưới rực rỡ sắc màu tươi rói lấp lánh bình minh vừa thể hiện sự giàu đẹp của biển quê hương, vừa thể hiện hiệu quả cao của buổi lao động. Và giờ đây công việc đã kết thúc, lưới xếp vào khoang thuyền, buồm lại căng lên rực rỡ đón ánh nắng mặt trời.

Thực ra bài thơ có thể kết thúc ở đây vì hình tượng thơ đã được phát triển, nâng cao trọn vẹn. Cả đoạn thơ là bức tranh sơn mài rực rỡ sắc màu, màu của trăng sao, sóng nước, màu của những con cá vảy bạc đuôi vàng, màu của những con người lao động xoăn tay kéo lưới… Đoạn thơ với bút pháp vừa tả thực vừa lãng mạn đã phối hợp hài hoà giữa cảnh thực với sức tưởng tượng bay bổng, giữa chất hiện thực và chất trữ tình, tạo nên những hình ảnh thơ lung linh kì vĩ vừa nhiều tầng bậc ý nghĩa, vừa thấm đậm tình người. Qua đó hình ảnh những người dân chài được nâng lên ngang tầm vũ trụ và công việc đánh cá trở thành công việc nên thơ.

Trước Cách mạng thơ Huy Cận thường mang một nỗi buồn u uất. Nhưng từ khi trở thành nhà thơ Cách mạng, Huy Cận say sưa ca ngợi con người mới, cuộc sống mới nên thơ ông trở nên ấm áp, đằm thắm và dào dạt niềm vui. Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá ra đời trong mạch cảm xúc ấy nên có thể xem đó là một “món quà đặc biệt của vùng mỏ Hồng Gai – cẩm Phả cho vào túi thơ Huy Cận” (Xuân Diệu).

Nguồn: Vietvanhoctro.com

Bài viết liên quan