Phân tích bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký của Nguyễn Du hay nhất
Đề bài: Phân tích bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký của Nguyễn Du
Bài làm
Nguyễn Du là một Đại thi hào của dân tộc. Ông không chỉ được biết đến với tác phẩm nổi tiếng là Truyện Kiều mà còn nhiều bài thơ khác. Một trong số đó phải kể đến bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký. Bài thơ giống như một câu chuyện đời được kể bằng thơ rất cô đọng, hàm súc.
Bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký được lấy cảm hứng từ câu chuyện của một cô gái sống ở thời nhà Minh. Vì hoàn cảnh nghèo khó mà nàng tiểu Thanh gả vào gia đình giàu có làm vợ lẽ. Chính bởi kiếp vợ lẽ và bị vợ cả ghen tuông nên nàng phải ở một mình, tách biệt. Trong những tháng ngày chịu đựng sự cô đơn, hiu quạnh đó thì bà đã viết rất nhiều bài thơ để bày tỏ nỗi niềm của mình. Tuy nhiên vốn xưa này “Hồng nhan thì bạc mệnh” và khi bà mất đi thì những sáng tác của bà bị vợ cả đem đi đốt và may mắn còn sót lại một phần được người xưa đặt tên là “phần dư”. Khi Nguyễn Du bắt gặp được những bài thơ ấy đã nảy sinh sự xót thương, thương cảm cho tài hoa bạc mệnh ấy và viết nên bài thơ này:
"Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn”
Hai câu thơ đầu gợi lên địa điểm, không gian nàng Tiểu Thanh đã từng sống. Đó là nơi Tây Hồ, từng là một nơi có cảnh đẹp non nước hữu tình nhưng nay lại hoang vắng, heo hút. Có lẽ trong con mắt của người con gái bị chôn vùi tuổi thanh xuân nơi đây, sống trong thời gian dài giữa sự cô đơn, trống vắng nên chẳng còn thấy cảnh đẹp này đẹp đẽ nữa mà lại hóa gò hoang. Nguyễn Dũ là một người có tài tả cảnh ngụ tình đặc sắc, tiểu biểu là trong tuyệt tác Truyện Kiều của ông. Tại đây, có lẽ thấu hiểu được tâm trạng của nàng Tiểu Thanh nên ông đã có sự nhìn nhận thấu đảo để qua việc tả khung cảnh mà nói lên tâm trạng của nang. Bởi lẽ xưa nay người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Trong khung cảnh ấy nhân vật trữ tình nổi lên từ hành động “thổn thức” ở bên song cửa, với những mảnh giấy tàn viết nên tâm trạng của chính mình. Trước nỗi sầu của bản thân mình, người con gái đó không biết giãi bày cùng ai và cũng chẳng có ai ở bên, có ai thấu hiểu được nên nàng đành gửi gắm bằng những dòng chữ viết vào những mảnh giấy tàn, chỉ biết một mình thổn thức. Từng nghe câu “Có chồng hờ hững cũng như không” của Trần Tế Xương nhưng giờ ta mới càng thêm thấm thía hình ảnh người con gái có chồng nhưng vẫn một mình lẻ loi.
Phân tích bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký
Nhà thơ Nguyễn Du có cảm giác rằng mảnh giấy tàn dường như vẫn còn cảm thấy phảng phất đâu đây những dư âm về cảm xúc của người đã viết ra nó, dường như linh hồn của nàng:
“Son phấn có hồn chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương”
Dù là phấn son hay văn chương thì đều là những vật vô chi vô giác. Ấy nhưng dưới con mắt của nhà thơ thì nó giống như có “hồn”, có “mệnh”. Mệnh của văn chương dường như được đặt trong mối mối tương quan với người nghệ sĩ, nó mang linh hồn của người nghệ sĩ. Có thể người sáng tạo ra nó đã mất đi nhưng phần hồn thì vẫn còn vương vấn nơi đây, chưa thể giải thoát. Nó giống như phản ánh một cuộc đời đầy oan khuất và bị vùi dập. Hai câu thơ đã thể hiện nỗi đồng cảm sâu sắc và sự thương xót của nhà thơ Nguyễn Du. Từ nỗi niềm thương xót ấy, ông đã thốt lên câu hỏi luôn khắc khoải:
“Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang”
Một câu hỏi nhưng chưa thể tìm được câu trả lời. Ông tự cảm thấy cuộc đời của mình với nàng Tiểu Thanh mang nhiều nét tương đồng đó là chịu nhiều nỗi bất công. Trong Truyện Kiều ông cũng đã từng bày tỏ tư tưởng thương xót đối với thân phận những người phụ nữ trong xã hội cũ:
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Đến hai câu thơ kết, nhà thơ từ nỗi thương người nay hướng về mình cảm than:
“Chẳng biết ba trăm năm lẽ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng”
Nguyễn Du đã đồng cảm, xót thương cho thân phận nàng Tiểu Thanh dù cho nàng đã sống cách đây ba trăm năm. Cũng mang cuộc đời nghệ sĩ, không biết rằng bản thân mình khi đó có còn ai nhớ tới, ai đồng cảm, xót thương cho số phận của mình không? Lời bộc bạch chân thành khiến cho người đọc không khỏi cảm thấy xót xa, thương cảm.
Bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký của Nguyễn Du là mọt bài thơ hay để lại nhiều suy nghĩ trong lòng người đọc. Tác giả đã gợi nhớ về cuộc đời bất hạnh, cô đơn của người phụ nữ trong xã hội cũ và những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời những người nghệ sĩ.
Loan Trương