Phân tích bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão
Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão.
Bài làm
Phạm Ngũ Lão (1255-1320) là một danh tướng đời Trần, văn võ toàn tài, là cánh tay đắc lực cho Hưng Đạo Đại vương. Tuy nhiên ông còn được biết đến như một nhà thơ tiêu biểu thời bấy giờ. Nhắc đến ông là ta nhớ ngay đến bài thơ “Tỏ lòng” (“Thuật hoài”). Bài thơ thể hiện rõ chủ nghĩa anh hùng yêu nước và hào khí Đông Á của quân dân nhà Trần.
“Hoành sóc giang san kháp kỉ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”
Dịch thơ:
“Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe thuyết vũ hầu”
Bài thơ “Tỏ lòng” được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, hình ảnh giàu tính biểu tượng, ngôn từ ngắn gọn, sắc sảo tựa như một bài Hịch. Thông qua bài thơ, tác giả thể hiện quan điểm về thế sự và lòng trung quân ái quốc tuyệt đối.
Hai câu thơ đầu tác giả tập trung thể hiện vẻ đẹp hiên ngang và tinh thần đoàn kết vượt mọi khó khăn gian khổ của những binh lính nhà Trần:
“Hoành sóc giang san kháp kỉ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”
(“Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”)
Hình ảnh con người nhà Trần hiện lên hiên ngang với ngọn giáo trong tay. Ngọn giáo với họ trở nên quá quen thuộc, do đó dùng giáo sắt mà như “múa” rất nhẹ nhàng, linh hoạt. Xét về vẻ đẹp hiên ngang ấy trong bản dịch chữ “ hoành sóc” thành “ múa giáo” không lột tả hết ý thơ. Múa giáo thiên về uyển chuyển, điêu luyện còn “hoành sóc” nói nhiều hơn về chất lẫm liệt, rắn giỏi, thuần thục. Với cây giáo trên tay, họ tung hoành khắp “giang san”. Giang san không chỉ là diện tích, chiều dài chiều rộng lãnh thổ mà nó chứa đựng cả cơ nghiệp quốc gia. Còn thời gian là “kháp kỉ thu” – gần cả thế kỉ nay. Quân dân nhà Trần hiện lên không tuổi tác, không cá thể mà như một khối vững mạnh.
Về số lượng, tác giả dùng từ “tam quân”, tượng trưng cho đại đạo đội quân thống lĩnh cả trên trời, mặt đất và dưới biển. Mặc dù tam quân có thể tạo ra cảm giác ít ỏi nhưng lại cho thấy chất lượng binh lính rất tốt. Những binh lính tuy có nhỏ bé về mặt thể chất hay không đông đảo như quân nhà Mông nhưng ý chí của họ thì vượt qua sự hữu hạn ấy. Đánh giá sai sức mạnh của chất lượng khiến quân Mông tự chuốc lấy thất bại.
Với ngọn giáo ngang trong tay binh lính bước ra chiến trường với khí thế “nuốt trôi trâu”. Vẻ đẹp của khí chất như lấn át hết cả sao Ngưu trên trời. Sức mạnh của đội quân đội Sát Thát giống như loài hổ – chúa tể muôn loài có thể nuốt trôi cả một con trâu lớn. Cái thế như “hổ vồ mồi” ấy quân giặc nào có thể chống đỡ?
Hai câu thơ cuối giọng thơ trầm xuống chiêm nghiệm:
“Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”
(Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe thuyết vũ hầu)
Câu thơ là triết lí làm trai của tác giả, nó gợi nhắc ta tới cái triết lí làm trai tương tự:
“Làm trai đứng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.”
(Nguyễn Công Trứ)
Đi theo triết lí Nho gia: Làm bậc quân tử phải biết giúp dân giúp nước, hai nhà thơ Nguyễn Công Trứ và Phạm Ngũ Lão cũng có chung nhận thức về nghĩa vụ của bậc nam nhi. Đó cũng là xu hướng chung, quan niệm chung của tất cả những bậc nam nhi có chí thời bấy giờ.
Tuy nhiên dù là một vị tướng tài giỏi, lập nên bao công trạng hiển hách nhưng đối với ông đó vẫn đủ để trở thành công danh của đất nước. Đối với Phạm Ngũ Lão, công danh vẫn là một thứ mà ông còn “vương nợ”. Và chính vì thế nên ông tự thấy hổ thẹn khi nghe chuyện về Vũ Hầu. Vũ Hầu thường gọi là Gia Cát Lượng, là một người tài năng mưu lược xuất chúng, một quân sư tài ba, một nhân cách thanh cao sáng ngời của Trung Quốc. Tác giả thẹn vì chưa có tài mưu lược như Gia Cát Lượng chăng? Thẹn vì chưa thực sự là cánh tay đắc lực của Hưng Đạo Vương chăng? Ta lại cảm phục Phạm Ngũ Lão với đức tính khiêm tốn, biết mình biết ta, tuy có công trạng to lớn nhưng không lấy đó làm ngạo mạn và nhất là nặng lòng trung quân ái quốc.
Phạm Ngũ Lão đã rất tài năng khi chỉ qua bốn câu thơ ngắn mà truyền đạt tới moi người những quan điểm tư tưởng của cả một đời người giữa trời đất của vũ trụ. Bài thơ là hình tượng đấng nam nhi “đầu đội trời chân đạp đất”, tung hoành giữa núi sông, chiến đấu vì Tổ quốc. Qua đó, cho thấy chủ nghĩa anh hùng yêu nước của tác giả và cái hào khí Đông Á của quân dân nhà Trần bấy giờ. Bài thơ cũng là nỗi lòng riêng của Phạm Ngũ Lão về khát vọng lí tưởng cao đẹp.
Cho tới nay, bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão đã hàng trăm tuổi nhưng vẫn giữ được âm vang hào hùng trong trái tim triệu triệu người đọc bao thế hệ.
Hoài Lê