Phân tích bài thơ Ngắm Trăng của Hồ Chí Minh
Đề bài: Phân tích bài thơ Ngắm Trăng của Hồ Chí Minh
Bài làm
Bác Hồ là một người yêu trăng và trong nhiều sáng tác của Người thì ánh trắng chính là nguồn cảm hứng chủ đạo để người bày tỏ tâm trạng, nỗi lòng của mình. Bài thơ Ngắm Trăng chính là một trong số đó.
Bài thơ được rút ra từ tập thơ Nhật Ký Trong Tù, một tập thơ được viết trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt đó chính là Người bị chính phủ Tưởng Giới Thạch bắt giam. Chính vì thế hoàn cảnh Ngắm Trăng ở đây cũng rất đặc biệt đó chính là ở trong tù. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt với ngôn từ hàm súc đã cho ta thấy được vẻ đẹp trong thơ ca và phong cách sống của chủ tịch Hồ Chính Minh. Bài thơ được viết bằng chữ Hán và bản dịch hay nhất đó chính là:
“Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”
Mở đầu bài thơ Bác đã giới thiệu về hoàn cảnh của mình lúc bấy giờ:
“Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ”
Nhà thơ đang sống trong cảnh tù đày nhưng vẫn không thể ngăn cản thi hứng của Người. Bác đã giới thiệu cho người đọc thấy đực hoàn cảnh đó là trong tù, là nơi chẳng có rượu cũng chẳng có hoa thơm. Ấy nhưng tất cả những điều đó không hề ảnh hưởng gì tới chủ thể thể trữ tình. Đứng trước cảnh đẹp thì Bác vẫn thấy lòng mình bồi hồi, xúc động. Đặc biệt đó là ánh trăng, một người bạn tri kỷ với Người từ bấy lâu nay. Đối với một người thi sĩ thì trăng, rượu, hoa là những tri kỷ gắn liền với cuộc sống hằng ngày. Đó là ngắm trăng, là thưởng hoa, uống rượu là những thú vui tao nhã của những vị ẩn sĩ nơi thôn dã. Với Bác Hồ thì ngay cả đang ở trong hoàn cảnh cơ cực, mất tự do nhưng Người vẫn có cảm hứng làm thơ.
ở trong không gian chật hẹp cái mà nhà thơ thấy được đó chính là cảnh đẹp ban đêm ở ngoài khung cửa sổ. Trước cảnh đẹp ấy nhà thơ như tâm sự, giãi bày với thiên nhiên về hoàn cảnh trớ trêu của mình đó là “không rượu, không hoa”. Và trước cảnh đẹp ấy thì nhân vật trữ tình không khỏi “khó hững hờ” nên phải thốt lên lời khen ngợi đối với thiên nhiên. Chính nhờ cảnh đẹp ấy khiến cho nhà thơ vượt lên trên hiện thực khốc liệt, tăm tối để thưởng thức cái đẹp. Vốn chỉ có “ta với ta” nhưng là giữa Người với ánh trăng, điều này đã được thể hiện ở ngay trong hai câu thơ cuối:
“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”
Từ phòng giam tăm tối, Bác hướng ra bên ngoài để ngắm vầng trăng đang tỏa sáng trên cao. Dù chỉ ngắm trăng qua ô cửa sổ nhỏ xíu nhưng cũng không ngăn được thi hứng và không làm giảm bớt được vẻ đẹp của vầng trăng. Dù cho nhà giam lạnh lẽo với những bức tường ngăn cách nhưng cùng không thể ngăn cách hai người bạn tri kỷ. Qua song cửa sắt nhà thơ ngắm vầng trăng đồng thời vầng trăng cũng đang nhòm qua khe cửa để nhìn ngắm nhà thơ. Phòng giam chật hẹp dường như được bừng sáng bởi ánh trăng và không gian lạnh lẽo như được sưởi ấm. Nỗi lòng của người xa quê hương, của một người đang chịu cảnh tù đày nhưng tâm hồn vẫn lo lắng chuyện quốc gia, đại sự. Có lẽ do chính nỗi lòng chứa đầy tâm sự nên trong đêm khuya Người mới thao thức không ngủ được. Cũng qua đó ta thấy được tấm chân tình của Người với ánh trăng, thấy được niềm lạc quan, yêu cuộc sống, yêu tự do của Bác Hồ.
Bài thơ Ngắm Trăng chính là một bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ phóng khoáng, tự do của Bác Hồ. Qua bài thơ ta thấy được một tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống mãnh liệt. Chính nhờ tình yêu ấy khiến Người có động lực vượt qua mọi hoàn cảnh tăm tối để thực hiện ước mơ, khát vọng của mình.
Loan Trương