Phân tích bài thơ Nói Với Con của Y Phương hay nhất
Đề bài: Phân tích bài thơ Nói Với Con của Y Phương
Bài làm
Tình cảm gia đình là thứ tình cảm rất thiêng liêng và cao quý mà mỗi chúng ta cần phải biết trân trọng, giữ gìn. Nhiều nhà thơ đã mượn những tình cảm ấy để viết lên những vần thơ hay và cảm động để cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn. Chính vì có nhiều nhà thơ lấy tình cảm gia đình làm đề tài nên để có thể mang lại ấn tượng cho người đọc thì bài thơ phải mang những nét độc đáo, mới mẻ riêng. Bài thơ Nói Với Con của nhà thơ Y Phương chính là một trong những sáng tác tiêu biểu.
Nói Với Con là một bài thơ tha thiết, chan chứa nỗi niềm xúc động thông qua việc người cha dặn dò, khuyên nhủ đứa con trai của mình. Mở đầu bài thơ, người cha gợi về hình ảnh đứa con đương còn bé, đang chập chững bước đi những bước chân đầu tiên của cuộc đời:
“Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai tiếng chạm tiếng cười”
Những bước đi của đứa trẻ đang tập đi, hướng về phía cha, mẹ đó chính là hướng về người thân ruột thịt trong gia đình, là những người gần gũi, yêu thương. Ở khổ thơ đầu này ý của nhà thơ không chỉ dừng lại ở việc con chập chững biết đi mà còn là các giai đoạn phát triển, trưởng thành của con đều được người cha ghi nhớ, lưu giữ.
“Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài đan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng”
Người cha không chỉ gửi gắm tình cảm của những người thân trong gia đình mà nó còn được mở rộng ra đó là “người đồng mình”. Đó là những người sống cùng một không gian sinh sống thuộc quê hương, họ là những người cùng quê, có thể không cùng huyết thống hay dòng họ nhưng lại chất chứa tình cảm yêu thương gắn bó với nhau. Những tình cảm chân quê ấy còn được thể hiện qua cuộc sống lao đống sản xuất của họ. Đó là “đan lờ”, là vách nhà đơn sơ nhưng lại mang tiếng hát thể hiện sự yêu đời, lạc quan. Họ sống gần gũi với thiên nhiên, núi rừng.
Tiếp nối ý thơ trên, Y Phương đã gợi nhớ với con về kỷ niệm đẹp trong cuộc đời của mình:
“Cha mẹ nhớ mãi về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”
Con đường càng dài thì càng nhận ra được tấm lòng của nhau và đối với nhà thơ thì khi mà thấu hiểu được tấm lòng của nhau, khi hai trái tim cùng chung nhịp đập thì có nghĩa là ngày đẹp nhất trên đời, “ngày cưới”. Nhắc lại ký ức này, người cha mong muốn con có thể hiểu được sự hình thành của mái nhà hạnh phúc mà con đang sống, con là đứa trẻ được sinh ra trong tình yêu thương của cha mẹ, trong một mái ấm hạnh phúc. Ngay sau khi để người con cảm nhận được ngày hạnh phúc của chả mẹ thì Y Phương đã đưa vào bài thơ lời dạy dỗ đối với đứa con của mình:
“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói”
Lời dạy của cha rất chân thành và tha thiết. Nó đem lại cho ta cảm rất nhẹ nhàng, gần gũi nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc. Trong cuộc sống thì không chỉ có niềm vui mà cũng chan chứa những nỗi buồn. Nỗi buồn không chỉ của riêng con mà còn là cả của “người đồng mình”. Chính vì thế họ phải nuôi chí lớn để có thể làm biến mất đi nỗi buồn của quê hương, dân tộc. Người cha khuyên răn người con rằng dù cho quê hương có nghèo đói, khó khăn thì con cũng phải học cách thích nghi, cải tạo chứ không phải phủ nhận nguồn gốc, chê bai cội nguồn của chính mình. Con nên:
“Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”
Khuyên con mình nên sống một cuộc sống phóng khoáng, tự do, phải có sức sống mãnh liệt không bao giờ cạn. Là một người con trai thì phải biết “lên thác xuống ghềnh” để vượt qua những khó khăn, thử thách chứ không được lùi bước. Nhà thơ tiếp tục nhắc đến “người đồng mình” để làm bài học cho người con:
“Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Đừng bao giờ nhỏ bé
Nghe con”
Người cha nhắc về “người đồng mình” với niềm tự hào khôn xiết. Đó là nhắc về truyền thống kiến cường bất khuất, quyết tâm làm giàu đẹp cho quê hương, xứ sở. Người đồng mình “đục đá” để “kê cao quê hương” đây là một hành động có thể hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất đó chính là sức mạnh chế ngự thiên nhiên, họ xây dựng những ngôi nhà trên sườn đá, xây nên những bản làng, tạo dựng thành quê hương. Thứ hai cũng có thể hiểu là truyền thống đấu tranh của dân tộc, đục đá thể hiện sự kiên cường, quyết tâm. Dù cho “thô sơ da thịt” nhưng tầm vóc của họ lại vô cùng lớn lao mà con sau này có rời xa quê hương, hay lớn lên thì cũng phải tiếp nối truyền thống ấy.
Bài thơ Nói Với Con của Y Phương chính là những lời tâm tình đầy thiết tha và chân thành của người cha dành cho con mình. Người cha đem lại bài học cho con trai của mình rằng phải luôn biết yêu thương, kính trọng và đoàn kết, biết yêu và giữ gìn truyền thống tốt đẹp của quê hương. Đồng thời cũng phải sống mạnh mẽ, kiên cường và trở thành người có ích cho quê hương, cho dân tộc.
Loan Trương