Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng.
Bài làm
Thơ ca chống Pháp, chống Mỹ nói nhiều về hình ảnh người lính. Có người lính lam lũ, trấn giữ đất trời, núi sông trong thơ Chính Hữu, có người lính phục kích, bất thần, dũng mãnh truy diệt quân thù trong thơ Khương Hữu Dụng, có người lính tếu táo, lạc quan trong thơ Phạm Tiến Duật, có người lính thắm tình quân dân trong thơ Hoàng Trung Thông… Nhưng chưa ở đâu tôi bắt gặp hình ảnh người lính vừa hào hùng vừa hào hoa trong thơ Quang Dũng. Bài thơ “Tây Tiến” như khúc quân hành ca mà thế hệ hôm nay vẫn xướng lên như lời tri ân về những vị anh hùng áo vải hi sinh cho Tổ quốc Việt Nam.
Quang Dũng (1921-1988) vừa là nhà thơ, nhạc sĩ và họa sĩ. Ở cương vị một nhà thơ, Quang Dũng là cây bút vô cùng tài hoa. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên hùng vĩ song hành với hình ảnh những người lính vô danh nhưng hào hoa, bi tráng.
Năm 1948, ngồi ở làng Phù Lưu Chanh, nhà thơ nhớ lại đơn vị cũ Tây Tiến phiêu bồng, tráng liệt nên viết những câu thơ đầy âm hưởng vang vọng:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”
Gọi tên sông Mã hùng vĩ là gọi mảng kí ức sâu thẳm về binh đoàn Tây Tiến. Tây Tiến là tên một đơn vị bộ đội thời chống Pháp thành lập năm 1947, hoạt động chủ yếu ở vùng biên giới Việt – Lào có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào làm tiêu hao sinh lực địch. Ta gặp được gì nơi Tấy Tiến ấy. Đó là nỗi “nhớ chơi vơi” – thứ nỗi nhớ hiện lên trùng trùng điệp điệp, mơ hồ như sương núi, phảng phất như mưa rừng Tây Bắc.
Con người bắt đầu xuất hiện huyền ảo, thơ mộng mà tráng kiệt nơi Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông:
"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi."
Những ngọn núi, con sông, bản làng… mà họ đã đi qua được tác giả ghi lại bằng kí ức xa xăm nên càng ảo diệu. Người đọc như hình dung ra những mảnh đất bản làng xa xôi, hẻo lánh, chưa có dấu chân người. Nơi ấy như hiểm độc lắm, mà cũng khó nắm bắt lắm. Một loạt các từ ngữ gợi hình như: sương lấp, khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút, ngàn thước, mưa xa khơi đã làm nên bức tranh tuyệt mỹ không lẫn của Tây Tiến.
Trái lại, đoàn quân trong kí ức tác giả lại đang “mỏi”. Làm sao mà không mỏi mệt, cho được khi tứ phía là sương lạnh, gió rít, sườn dốc, vực sâu, mưa mù đây? Chi tiết thứ hai miêu tả người lính là “súng ngửi trời”. Một chi tiết khá thú vị. Người lính đang đứng ở đỉnh cao của thiên nhiên và mũi súng chĩa lên làm chủ bầu trời.
Thế rồi, giọng thơ bỗng nhiên trùng xuống:
"Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi."
Người lính hiện lên trong những dòng thơ rất thật. Người lính đang đuối sức bởi nắng cháy, mưa dầm, rừng thiêng nước độc. Họ hi sinh bình lặng, nhẹ nhàng như đi vào giấc ngủ bình yên. Trong giấc mơ đó, có hình ảnh khói cơm chiều, mùi xôi nếp thơm và người “em” gái miền Tây khéo léo, tần tảo, son sắt. Con người bình yên đến lạ, nhưng thiên nhiên lại gào thét vô cùng. Thác cũng phải giận dữ, cọp cũng phải quần điên trước bao nhiêu sự hi sinh, mất mát.
Tâm trạng thay đổi đột ngột khi nhà thơ nhớ về đêm hội đuốc hoa:
"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.”
Đêm hội đuốc hoa rực rỡ ánh sáng và đậm tình quân – dân được thể hiện qua các từ: bừng, đuốc hoa, xiêm áo, khèn lên, man điệu, e ấp, nhạc, hồn thơ. Ở đó hình ảnh em gái rất đáng chú ý. Người em gái đó có thể là các cô thiếu nữ xúng xính váy hoa múa hát hoặc có thể chỉ là do các anh bộ đội vui tính đóng giả các cô gái để chọc vui mọi người. Người đọc không rõ nữa. Chỉ có tác giả biết rõ và cách thể hiện nó vô cùng trong sáng, tinh khôi. Bức tranh đêm đuốc đầy đủ thi ca nhạc họa, nhưng bức tranh chiều sương lại thiên về u tịch, trầm hùng:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có nhớ hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa."
Những bông lau trắng như đang đung đưa hai bên bờ tiền sử, soi bóng xuống mặt hồ. Ta bỗng nhớ tới hai câu thơ trong Truyện Kiều:
“Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.”
Còn con người cũng đẹp tương xứng, hài hòa với bức tranh thiên nhiên đó. Hoa soi bóng hay con người đang ngắm mình dưới mặt nước trong? Là thiên nhiên hoa hòa quyện với nước hồ hay con người thắm thiết với thiên nhiên?
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,
Áo bào thay chiếu anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”
Sau những nỗi nhớ thân thương, đượm tình người, nhà thơ lại trở về với hiện thực khó khăn. Bệnh dịch, thời tiết khắc nghiệt, đời sống thiếu thốn khiến đoàn binh rụng hết tóc, gầy guộc xanh xao, rất dữ tợn. Thế mà, tâm hồn hào hoa của họ vẫn hướng về những “dáng kiều thơm”, là những người con gái thảo thơm của đất Hà Thành, nơi họ sinh ra. Nhưng biết làm sao khi tiếng gọi Tổ quốc thúc giục họ lên cầm súng lên đường? Cái chết không đáng sợ. Dù có “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” thì họ cũng không “tiếc đời xanh”.
“Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.
Những câu thơ kết như lời nhắc nhở phải biết ơn những con người đã thầm lặng hi sinh vì đất nước.
Đến nay, có lẽ khúc độc hành “Tây Tiến” vẫn ngân vang trong lòng người đọc bao thế hệ như tiếng cồng thiêng của núi rừng Tây Bắc.
Hoài Lê