Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ “Thương vợ” của Tú Xương.
Bài làm
Có lẽ chưa bao giờ thân phận người phụ nữ có chồng lại rẻ rúng, bèo bọt như thời phong kiến. Thế nên ít nhà văn nhà thơ nào thời bấy giờ viết về người vợ của mình. Họ bàn nhiều về chuyện đại sự quốc gia, chuyện nước mất nhà tan, chuyện hưng thịnh thành thị. Riêng nhà thơ Tú Xương lại đi theo một nhẽ khác. Viết về vợ, mấy ai viết hay được như Tú Xương. Qua bài thơ “Thương vợ”, Tú Xương không chỉ thể hiện tình thương với người phụ nữ tần tảo, chịu thương mà còn thể hiện cái tâm day dứt bởi sự bất lực của kẻ đáng ra là trụ cột trong gia đình.
Nhà thơ Tú Xương (1870-1907) tên thật là Trần Tế Xương, tự Mặc Trai, hiệu Mộng Tích, Tử Thịnh. Cuộc đời của Trần Tế Xương là cuộc đời của một nghệ sĩ, một trí thức phong kiến. Thơ Tú Xương nằm trong hai mảng lớn là trào phúng và trữ tình. Hai mảng ấy hòa quyện với nhau trong mỗi bài thơ, khiến thơ Tú Xương mang chất rất riêng, vùa thú vị vừa sâu sắc.
Tuy cuộc đời ông chỉ sống được có 37 năm, nhưng học hành thi cử đến 8 lần mới đỗ Tú Tài. Do đó, mọi việc ở nhà đều là một tay của bà Tú gánh vác. Chính vì vậy, Tú Xương luôn trân trọng công sức của vợ mình. Ông luôn viết về vợ như một sự tri ân tình nghĩa. Bài thơ “Thương vợ" là một trong những bài thơ trữ tình cảm động nhất của Tú xương, chứa chan tình thương yêu nồng hậu đối với người vợ hiền thảo của mình. Nó vừa là lời tâm sự, đồng thời cũng bàn về thế sự.
Bà Tú vốn là “con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ”, một người con dâu giỏi làm ăn buôn bán, hiền lành được bà con xa gần mến trọng. Tú trong gia đình và ngoài cuộc đời – hình ảnh chân thực về một người vợ tần tảo, một người mẹ đôn hậu, giàu đức hi sinh.
Trước hết, bà Tú là một người vợ rất đảm đang, chịu thương chịu khó:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng”
Cái cảnh “Quanh năm buôn bán” rất thường thấy ở các vùng quê. Nó gợi nên cái nghiệp làm ăn đầu tắt mặt tối, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác… xô bồ, ồn ã. Công việc của bà Tú là “buôn bán” ở không gian là “mom sông”. Mom sông chỉ là cái mảnh đất nhô ra, chòi ra được bao bọc ba bề là sông nước. Nó gợi cái chới với, chênh vênh. Ấy vậy mà phải “Nuôi đủ” những năm con với một ông chồng. Đứa con luôn là gánh nặng của cha mẹ. Nhưng bà Tú phải gánh cả 5 đứa. Hơn nữa, năm đứa con lại đặt trong mối quan hệ trang hàng với ông chồng qua từ “và” càng chứng tỏ người chồng không chỉ là gánh nặng mà còn nặng như cả 5 đứa con nữa. Người ta chỉ đếm mớ rau, con cá, tờ bạc chứ ai lại đi “đếm” con, “đếm” chồng. Đôi vai bà Tú trĩu nặng cơ man nào là việc.
Hai câu thực miêu tả chân dung bà Tú thông qua hành động:
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.
Bà Tú được ví như thân cò khó nhọc thường thấy trong ca dao xưa:
“Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”
“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”
Bà Tú không chỉ làm việc ở khu chợ ồn ào, náo nhiệt ban ngày mà còn phải “lặn lội” kiếm miếng cơm manh áo cả ban đêm, khi “quãng vắng”. Từ “lặn lội” đảo lên đầu câu thơ càng khiến cái vất vả của bà Tú tăng lên gấp bội.
Từ láy tượng thanh “Eo sèo” gợi cảnh tranh mua tranh bán, cãi vã, kì kèo trả giá nơi “mặt nước” lúc “đò đông”. Buổi đò đông là chỉ thời cuộc khó khăn, hỗn tạp bấy giờ.
“Một duyên hai nợ, âu đành phận
Năm nắng mười mưa, dám quản công”
Ở hai câu luận, nhịp thơ 4/3, hai thành ngữ sáng tạo “một duyên hai nợ" và “năm nắng mười mưa” đăng đối nhau rất hài hòa, đậm màu sắc dân gian. Người ta thường nói duyên số nhưng Tú Xương với người vợ lại là duyên nợ. Quan hệ vợ chồng là cái duyên, nhưng cũng là cái nợ đời.
Câu thơ thứ hai có cách nói sáng tạo, không phải “một nắng hai sương” mà là tới “năm nắng mười mưa”. Nhưng với bà Tú thì bà chấp nhận “âu đành phận” và không nề hà gì, chẳng “dám quản công”. Đến đây đức hi sinh thầm lặng của bà Tú mới thật khiến người ta cảm động.
Hai câu kết, Tú Xương sử dụng từ ngữ thông tục, lấy tiếng chửi nơi “mom sông”, lúc “buổi đò dông” để thể hiện sự tự trách:
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không!”
Tú Xương trách “thói đời” bạc bẽo nhưng là đang trách mình bạc bẽo với vợ. Vai trò người chồng, người cha – trụ cột gia đình nhưng chẳng giúp ích được gì, vô tích sự. Có chồng đấy nhưng chỉ là chồng “hờ”. Hai câu kết là cả một nỗi niềm tâm sự và thế sự đầy buồn thương của một trí thức có tâm nhưng “bất lực”. Đó là nỗi đau thất thế trước cảnh đời thay đổi mà không chỉ riêng Tú Xương mà nhiều trí thức nho gia khác bấy giờ mới thấu hiểu.
Bài thơ “Thương vợ” được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật với đầy đủ các phần đề, thực, luận, kết. Ngôn ngữ thơ bình dị. giàu chất dân gian rất dễ thuộc, dễ nhớ nhưng rất độc đáo nhờ cách biến tấu linh hoạt.
Câu nới “Văn học nằm ngoài những định luật của băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết” rất đúng với thơ văn của Tú Xương.
Hoài Lê