Phân tích bài thơ Thương Vợ của Tú Xương hay nhất
Đề bài: Phân tích bài thơ Thương Vợ của Tú Xương
Bài làm
Trần Tế Xương là một vị tú tài nổi tiếng ở đất thành Nam. Ông sáng tác rất nhiều bài thơ và để lại nhiều ấn tượng đối với những người yêu thơ. Bài thơ Thương Vợ là một trong những sáng tác hay nhất của ông. Bài thơ thể hiện tình cảm sâu sắc của Tú Xương dành cho người vợ của mình.
Mở đầu bài thơ, nhà thơ đã khắc họa hình ảnh bà Tú vất vả nuôi con:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng”
Từ “quanh năm” ở đầu câu thơ không chỉ mang ý nghĩa là thời gian kéo dài, năm này qua năm khác mà còn để gợi lên hình ảnh bà Tú đầu tắt mặt tối đi làm kiếm tiền để nuôi con. Công việc của bà chính là buôn bán, một công việc hết sức nặng nhọc và nhất là lại diễn ra quanh năm, không lúc nào được ngơi tay. Thêm vào đó, không chỉ nặng nhọc mà còn có sự nguy hiểm. Ông Tú không đùng từ “ven sông” mà lại là “mom sông”. Như ta đã biết thì “mom sông” chỉ là một khoảng đất nhỏ chìa ra lòng sông và đó là khoảng không gian chật hẹp hơn với ba bề là mặt nước. Có thể thấy đó là địa điểm chất chứa những mối nguy hiểm nhất định. Bà Tú phải đi làm quần quật quanh năm, phải chấp nhận những sóng gió, hiểm nguy chính bởi vì để có thể “Nuôi đủ năm con với một chồng”.
Ngay ở đầu bài thơ ta đã thấy được Tú Xương tự nhận mình là một kẻ ăn bám, một người đàn ông trụ cột của gia đình nhưng lại để cho người phụ nữ oằn lưng kiếm sống để nuôi con, nuôi mình. Ông không gộp năm con với mình thành sáu miệng ăn mà tách riêng còn mang theo ý nghĩa rằng một mình ông thì tiền sinh hoạt, ăn uống có khi bằng hoặc hơn cả năm đứa con mình cộng lại. Ông càng thấy vợ vất vả bao nhiêu thì càng cảm thấy mình vô tích sự bấy nhiêu, càng cảm thông cho nỗi vất vả, cực nhọc của vợ. Không chỉ thế ông còn dùng hình ảnh quen thuộc trong ca dao, dân ca để khắc họa rõ nét hơn sự cực nhọc của bà Tú:
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”
Thân cò ở đây tượng trưng cho bà Tú nói riêng và những người phụ nữ trong gia đình nói chung. Từ hình ảnh “Con cò lặn lội bờ ao” trở thành “lặn lội thân cò” như càng tô đậm thêm sự gian truân, ngược xuôi kiếm sống. Nhất là “thân cò” ấy vốn nhỏ bé nhưng lại kiếm sống không phải cho riêng bản thân mình mà còn cho “năm con với một chồng”. Câu thơ thứ ba nói về nơi vắng vẻ có thân cò lặn lội còn ở ngay câu dưới thì lại có sự đối lập. Từ “eo sèo” khiến cho ta liên tưởng đến trong công việc buôn bán của bà Tú có những người kỳ kèo mặc cả, cãi cọ nhau. Buổi đò đông còn
Với lời thơ nhẹ nhàng nhưng lại chứa đựng tình cảm chân thành, thiết tha của nhà thơ. Ông Tú càng thêm trân trọng bà Tú và thấu hiểu nỗi vất vả của bà để thay vợ nói lên lời tâm sự:
“Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công”
Nhà thơ đã sáng tạo từ “duyên nợ” thành “một duyên hai nợ” với ý nghĩa sâu sắc khi muốn nói rằng duyên số vợ chồng đến với nhau, duyên thì ít mà nợ thì nhiều. Tuy nhiên bà Tú lại không hề than thân, trách phận mà vẫn tần tảo nắng mưa. Chính sự nhẫn nhịn, chịu đựng đó khiến ông thấy được vợ của mình là một người rất nhân hậu và giàu đức hi sinh. Qua đó cũng phần nào cho thấy sự tự trách về việc không làm tròn trách nhiệm của người chồng, người cha của ông Tú. Thậm chí ở ngay hai câu thơ cuối ông đã tự dằn vặt mình, tự chửi chính bản thân mình:
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không”
Không chỉ chửi anh chồng vô tích sự là mình mà còn chửi luôn cả cái thói đời bạc bẽo sản sinh ra loại chồng vô tích sự, ăn hại như ông. Tú Xương càng thấy vợ khổ cực bao nhiêu thì lại càng thấy mình ăn ở “bạc” bấy nhiêu. Câu thơ nhưng lời lên tiếng chửi mát tất cả những đấng mày râu đã và đang làm khổ vợ con mình, chẳng những không giúp được gì cho vợ mà còn để vợ nuôi mình. Đó cũng là tình cảnh phổ biến trong xã hội cũ.
Bài thơ Thương Vợ là tất cả tấm lòng biết ơn sâu sắc, là niềm thương cảm, thấu hiểu của Tú Xương đối với cuộc đời đầy gian truân, cực nhọc của bà Tú. Hình ảnh bà Tú hiện lên trong lời thơ của ông là biểu tượng cho những người phụ nữ Việt Nam với biết bao những phẩm chất tốt đẹp.
Loan Trương