Phân tích Bài Thơ Về Tiểu Đội Xe Không Kính của Phạm Tiến Duật
Đề bài: Phân tích Bài Thơ Về Tiểu Đội Xe Không Kính của Phạm Tiến Duật
Bài làm
Viết về hình ảnh người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ có rất nhiều bài thơ hay và đặc sắc. Một trong số đó phải kể tới Bài Thơ Về Tiểu Đội Xe Không Kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật.
Bài thơ gợi lên những hình ảnh chân thực về cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, về những đoàn xe vận tải vận chuyển lương thực, vũ khí, thuốc men từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam. Những hình ảnh ấy được gợi lên ở ngay đầu bài thơ:
“Xe không kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”
Những chiếc xe mang dáng vẻ đặc biệt đó là đều không có kính. Phạm Tiến Duật đã lý giải rất hài hước về nguyên nhân những chiếc xe đó không có kính. Nó không phải vốn có như vậy mà do sự khốc liệt của cuộc chiến, của bom đạn khiến cho những chiếc kính bị vỡ. Nhưng giữa sự khốc liệt ấy thì nhà thơ lại cho ta thấy phong thái ung dung, tự tại của những người chiến sĩ lái xe. Từ láy “ung dung” cùng với phép đảo ngữ càng làm thêm nổi bật tư thế hiên ngang của người lính. Họ nhìn thẳng trời đất, không hề e sợ. Trước mắt những người lính là trời đất bao la, rộng lớn và họ cần bước tiếp, thẳng tiến đến chiến trường miền Nam:
“Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái”
Bốn câu thơ có sự chuyển đối cảm giác rất nhẹ nhàng và tinh tế. Nhìn thấy những ngọn gió không bị chắn bởi cửa kính xe mà “xoa mắt đắng”. Cái nhìn không chỉ mang ý nghĩa nhìn thấy những cảnh vật bên ngoài nữa mà thấy hẳn “con đường chạy thẳng vào tim”. Trong lúc cam go, căng thẳng giữa mưa bom, bão đạn nhưng người lính vẫn không hề run sợ mà vẫn ung dung vừa lái vừa nhìn ngắm sao trời, cánh chim. Từng hình ảnh được nhà thơ lột tả mang theo sự hóm hỉnh, vui tươi của những người chiến sĩ lái xe.
Phân tích Bài Thơ Về Tiểu Đội Xe Không Kính
Đoạn thơ tiếp theo Phạm Tiến Duật đã diễn tả sự khốc liệt của chiến tranh:
“Không có kính ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha
Không có kính ừ thì mưa ướt áo
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời
Chưa cần rửa lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng gió lùa khô mau thôi”
Dưới ngòi bút của nhà thơ, hiện thực chiến tranh hiện lên một cách đầy hài hước, chân thực lại mang cảm giác gần gũi, dễ liên tưởng. Từ “ừ” của người lính cho ta thấy được sự thờ ơ, không vướng bận, thản nhiên chấp nhận tất cả mọi việc của họ. Tất cả những khó khăn, những khốc liệt của chiến tranh hay của thiên nhiên trên con đường họ đi thì đều không khiến họ chùn bước mà vẫn nhìn thẳng, vẫn thẳng tiến. Điệp từ “chưa cần” đã thể hiện sự hiên ngang, bất cần của họ. Trên con đường dài phía trước, mưa bom bão đạn, thiên nhiên giống như sự thử thách đối với mọi người nhưng trái lại, lại càng làm tăng thêm tình cảm đồng đội, đồng chí:
“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi”
Những chiếc xe không có kính, những ô kính trống không lại tiện cho những người lính vươn cánh tay ra chào những người đồng đội của mình, những cái bắt tay tuy vội vàng nhưng chứa đựng biết bao tình cảm và tăng thêm sự quyết tâm chiến đấu. Rồi khi họ dừng chân nghỉ ngơi, sinh hoạt cũng khiến cho người đọc ngày nay cảm thấy ấn tượng:
“Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đĩa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi, trời xanh thêm”
Những lúc nghỉ ngơi, những người chiến sĩ lái xe đã cùng nhau nấu những bữa cơm bằng việc dựng nên chiếc bếp Hoàng Cầm, cùng quây quần bên nhau với mâm cơm dã chiến. Ngay đến cả giấc ngủ của họ cũng tạm bợ, không phải tìm kiếm mà “dựng giữa trời”, mà ngay “đường xe chạy”. Những định nghĩa của họ về gia đình không phải chỉ là những người chung huyết thống mà còn là những người cùng chung lý tưởng, cùng chung “bát đũa”, cùng nhau vượt qua những khó khăn thử thách bằng cách thản nhiên chấp nhận:
“Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”
Bài Thơ Về Tiểu Đội Xe Không Kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật giống như một bài ca vui tươi, nhộn nhịp về hình ảnh những người lính lái xe trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Qua bài thơ ta thấy được sự hiên ngang, bất khuất và sự cá tính, hóm hỉnh của những người lính, đó chính là hình ảnh đẹp, để lại nhiều ấn tượng trong lòng độc giả.
Loan Trương