Phân tích bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu (Có dàn ý chi tiết)
Bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu là một tác phẩm khá dài viết theo thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc. Bài thơ thể hiện một nỗi nhớ của người chiến sĩ dành cho người dân Việt Bắc và ngược lại.
Để giúp các em có thể làm tốt đề văn phân tích bài thơ Việt Bắc, hôm nay Kho tàng văn mẫu sẽ hướng dẫn các em lập dàn ý cho đề văn này cũng như cung cấp bài văn mẫu cho các em tham khảo.
I. Lập dàn ý chi tiết phân tích bài thơ Việt Bắc
1. Mở bài
– Giới thiệu về tác giả Tố Hữu và bài thơ Việt Bắc
– Tố Hữu là nhà thơ cách mạng. Thơ của ông gần gũi và chan chứa cảm xúc. Đặc biệt, Tố Hữu lựa chọn thể thơ lục bát nên càng dễ hiểu hơn.
2. Thân bài phân tích bài thơ Việt Bắc
a. Giọng thơ tâm tình ngọt ngào tha thiết của Tố Hữu trong Việt Bắc
– Sử dụng lối đối đáp giao duyên giống như trong ca dao, dân ca.
– Lời giãi bày tâm sự giữa người ở và người đi.
– Giọng thơ tâm tình, ngọt ngào, tha thiết.
b. Nghệ thuật đặc sắc giàu tính dân tộc trong Việt Bắc
– Sử dụng thể thơ của dân tộc một cách nhuần nhuyễn khiến cho nội dung bài thơ càng trở nên tha thiết, sâu lắng.
– Kết cấu theo lối đối đáp giao duyên của nam nữ trong ca da dân ca.
– Sử dụng hình ảnh gần gũi, thân thuộc với người dân Việt Nam như núi, sông, mưa nguồn suối lũ,… Hình ảnh thể hiện được sự gần gũi, thân thuộc.
– Sử dụng đại từ nhân xưng mình – ta làm xoá bỏ khoảng cách giữa người với người.
3. Kết bài
Tổng kết lại nội dung bài thơ Việt Bắc và nên những cảm xúc của em về bài thơ này.
II. Bài làm phân tích bài thơ Việt Bắc
Những năm tháng kháng chiến chống Pháp diễn ra có thể nói là khoảng thời gian bùng nổ của Thơ mới. Thế nhưng, giữa một trời những sáng tác lãng mạn, nhà thơ Tố Hữu vẫn tìm về với thể thơ truyền thống của dân tộc và vẫn giữ tinh thần của một nhà thơ cách mạng. Bài thơ Việt Bắc ngay từ những lời thơ mở đầu đã khiến cho người đọc trào dâng trong lòng một nỗi niềm dân tộc và một cảm giác thân thuộc, nghĩa tình. Đặc biệt với những ai đã từng sống trong những năm tháng kháng chiến sẽ hiểu rõ hơn ai hết những cảm xúc mà nhà thơ đã trải qua.
Bài thơ Việt Bắc có độ dài như một bản trường ca với nội dung nói về nghĩa tình của người chiến sĩ và người dân Việt Bắc. Những câu thơ mở đầu là lời nói nghĩa tình của người ở lại. Nhà thơ Tố Hữu đã rất khéo léo khi để cho người ở lại mở lời trước bởi vì theo tâm lý thường tình của người Việt Nam thì người ở lại thường hay lo lắng cho người ra đi. Những câu thơ tình nghĩa cất lên, những hình ảnh quen thuộc của núi rừng Việt Bắc cũng hiện lên vẹn nguyên trong trí nhớ của con người:
Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung
Thể thơ lục bát cùng với lối đối đáp và gặp đại từ nhân xưng mình – ta khiến cho nội dung bài thơ thật gần gũi làm sao. Trong lối đối đáp của ca dao thường sử dụng nhiều cặp đại từ nhân xưng như chàng – nàng, anh – em,… nhưng Tố Hữu lại lựa chọn cặp đại từ nhân xưng mình – ta. Đây là một lựa chọn hoàn toàn sáng suốt bởi vì mình và ta làm xoá mờ đi khoảng cách. Nói là hai người nhưng lại như là một người. Những câu thơ khi mình, khi ta khiến cho người đọc đôi khi không phân cách được đâu là người ở và đâu là người đi. Ở đây, mình cũng là ta mà ta cũng là mình. Hơn nữa, cặp đại từ nhân xưng mình ta có thể bao quát được hết các cặp đại từ nhân xưng khác.
Phân tích bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu (Có dàn ý chi tiết)
Bằng cách sử dụng đại từ nhân xưng như vậy, tình cảm riêng – chung được nổi bật lên trong bài thơ Việt Bắc. Lời của nhà thơ cũng là lời của nhân vật trữ tình. Nhà thơ đã có 15 năm gắn bó với những người dân Việt Bắc nên khi chia xa, bao nhiêu cảm xúc trào dâng trong lòng ông. Suốt 15 năm ấy, nhà thơ và người dân đã cùng nhau trải qua biết bao nhiêu khó khăn, cùng nhau sẻ chia từng củ khoai, củ sắn, cùng nhau đắp chung một manh áo. Đói cùng đói, rét cùng rét. Họ vốn dĩ là những người xa lạ với nhau thế nhưng trong kháng chiến lại trở nên thân thiết như người trong một nhà vậy. Trong nỗi nhớ của nhà thơ, quê hương Việt Bắc hiện lên với những hình ảnh bình dị nhưng chứa đựng nhiều màu sắc đặc trưng của vùng rừng núi. Dường như, Tố Hữu đã hướng toàn bộ tâm tư và ngòi bút của mình về con người Việt Bắc. Họ là những con người có phẩm chất bình thường nhưng cũng vô cùng vĩ đại.
Với bài thơ Việt Bắc, Tố Hữu đã vẽ nên một bức tranh tứ bình vô cùng tươi đẹp. Bức tranh ấy có đủ 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Nổi bật trên bức tranh ấy là những sắc đỏ trên nền xanh bao la như trong câu thơ “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”. Cùng với vẻ đẹp của cảnh vật là vẻ đẹp của con người “Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”. Nhà thơ chọn hình ảnh con dao đi rừng làm hình ảnh thay thế cho người dân Việt Bắc bởi vì đó là món đồ quen thuộc với người dân miền núi.
Mùa xuân đến, cả không gian bừng sáng trong sắc hoa mơ. Trong khung cảnh ấy nổi bật lên là người đan nón. Nhà thơ miêu tả nỗi nhớ một cách vô cùng cụ thể:
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Người đọc có cảm giác như mỗi một sợi giang là một sợi nhớ của tác giả khi hướng về Việt Bắc. Con người hiện lên với công việc giản dị nhưng vẫn thật đẹp đẽ.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Hình ảnh cô em gái hái măng mang đến cho câu thơ một sự ngọt ngào và đầy thân thương. Tiếng ve kêu càng làm tăng thêm vẻ đẹp của mùa hè. Hình ảnh rừng phách đổ vàng là một hình ảnh đẹp và cách thể hiện của nhà thơ Tố Hữu quả thực quá tuyệt vời.
Bức tranh bắt đầu chuyển về đêm để làm nên sự hoàn mĩ cho bức tranh:
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung
Dưới ánh trăng, vẻ đẹp của núi rừng càng trở nên huyền ảo hơn, có hồn hơn. Nỗi nhớ trở nên mênh mang như ánh trăng, không cụ thể và không có đối tượng.
Bài thơ Việt Bắc là một nỗi nhớ mênh mang, thể hiện được tình người ấm áp. Bản thân em qua bài thơ này đã cảm nhận được nghĩa tình của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam. Có lẽ chính từ sự tình nghĩa này mà chúng ta đã cùng nhau vượt qua được hết những khó khăn, đánh bại được mọi kẻ thù hiểm ác. Bài thơ Việt Bắc là một bài thơ hay đặc sắc và nó sẽ còn được các thế hệ mai sau biết đến.
Trên đây là dàn ý chi tiết cho đề văn phân tích bài thơ Việt Bắc cũng như bài mẫu phân tích bài thơ Việt Bắc. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các em học sinh lớp 12.
Thu Thuỷ