Phân tích hình tượng con sông Đà trong Người lái đò sông Đà (Có dàn ý chi tiết)
Cái tên sông Đà hẳn đã quen thuộc với nhiều người và nó càng thân thuộc hơn với những ai đã từng đọc tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân. Trong tác phẩm này hình tượng con sông Đà hiện lên với một vẻ đẹp vô cùng hùng vĩ.
Để giúp các em có thể làm tốt đề văn phân tích hình tượng con sông Đà, trong bài viết này Kho tàng văn mẫu sẽ chia ra 2 phần, phần 1 là hướng dẫn lập dàn ý và phần 2 là hướng dẫn làm bài.
I. Lập dàn ý phân tích hình tượng con sông Đà
1. Mở bài
– Giới thiệu về nhà văn Nguyễn Tuân và tác phẩm Người lái đò sông Đà.
– Giới thiệu về hình tượng con sông Đà.
2. Thân bài phân tích hình tượng con sông Đà
Sông Đà hung bạo
– Đá bờ sông dựng vách thành chẹt chặt lấy lòng sông hẹp. Để tả lòng sông hẹp, Nguyễn Tuân đã dùng rất nhiều cách thể hiện khác nhau:
– Gió, sóng, đá xô vào nhau cuồn cuồn gợi hình ảnh con sông Đà cuồng nộ và dữ dằn.
– Những hút nước lôi tuột bè gỗ xuống.
– Âm thanh của thác nước như một dàn giao hưởng bừng bừng thét lên khúc nhạc của thiên nhiên.
Sông Đà trữ tình
– Sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình.
– Màu sắc dòng sông thay đổi theo mùa.
– Dòng sông khơi gợi dấu ấn của lịch sử.
3. Kết bài
– Nếu cảm nhận của em về hình tượng con sông Đà.
Bài viết liên quan:
>> Phân tích hình tượng người lái đò sông Đà (Có dàn ý chi tiết)
>> Phân tích hình tượng cây xà nu (Có dàn ý chi tiết)
>> Phân tích nhân vật Tấm (Có dàn ý chi tiết)
II. Bài làm phân tích hình tượng con sông Đà
Nhà văn Nguyễn Tuân vốn đã nổi tiếng với tài năng văn chương. Ngôn ngữ, giọng điệu trong các tác phẩm của ông thể hiện rõ sự uyên bác, tài hoa. Tác phẩm Người lái đò sông Đà đã nêu bật lên hình tượng con sông Đà, một dòng sông vừa mang nét hung dữ lại vừa mang nét trữ tình độc đáo.
Ai chưa đặt chân đến sông Đà có lẽ khó có thể hình dung được vẻ hung dữ của dòng sông này. Dòng sông lắm thác, nhiều ghềnh và vô cùng ngỗ ngược. Nó chẳng khuôn mình vào lẽ thường mà nó có một dòng chảy riêng. Thác ghềnh không phải là điều duy nhất tạo nên sự nguy hiểm của dòng sông mà đó còn là đá bờ sông. Đá dựng thành vách thành, thẳng đứng, đã vậy lại còn chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu. Đọc những câu văn Nguyễn Tuân miêu tả đá dòng sông mới thấy thật khủng khiếp, chưa nói đến việc ngồi trên con đò mà đi trên lòng sông ấy. Những câu văn so sánh của Nguyễn Tuân cho ta thấy được mức độ nguy hiểm của dòng sông là như thế nào. Dòng sông thì hẹp mà lưu tốc dòng nước lại nhanh và xiết. Giả sử như có con thuyền nào bị mắc kẹt ở đó thì có lẽ chỉ có nước chờ cho sóng nước đập cho tan xác ra mà thôi. Chưa hết, sông Đà còn có nhiều cái hút nước giống như những cái bẫy đầy ghê sợ.
Phân tích hình tượng con sông Đà
Rồi thì tiếng thác nước réo nghe cũng thật đáng sợ. Khi miêu tả tiếng thác nước, nhà văn cũng sử dụng biện pháp so sánh vô cùng đắt. Nào là tiếng thác rống như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa. Nào là tiếng thác nước như oán, trách, như van xin lại như khiêu khích,… Biện pháp so sánh đã làm tăng thêm sự hùng vĩ và hiểm nguy của con sông Đà. Độc đáo thay khi nhà văn dùng lửa để miêu tả nước. Có lẽ, chỉ Nguyễn Tuân mới có được liên tưởng táo bạo như vậy.
Sông Đà hung dữ còn được thể hiện ở chỗ nó tạo ra 3 trùng vi nguy hiểm. Ở mỗi trùng vi, số lượng cửa tử tăng dần theo cấp độ, số lượng cửa sinh thì chỉ có 1. Liên tiếp như vậy, sông Đà chẳng khác nào một con thủy quái đầy bạo ngược, mưu mô với những thạch trận bày binh như bước vào một cuộc chiến thực thụ. Chúng chiến đấu với con người chỉ để chứng tỏ cái sự hùng vĩ của mình. Chúng chỉ trực để nhấn chìm con người xuống dưới lòng mình rồi chúng sẽ hả hê đắc thắc. Nhưng sông Đà không làm được điều đó vì có những người lái đò vô cùng mưu trí. Hình tượng người lái đò sông Đà song hành cùng với hình tượng con sông Đà khiến cho tác phẩm của Nguyễn Tuân trở nên hấp dẫn hơn bất cứ tác phẩm nào.
Sau những lúc hung dữ như vậy thì sông Đà lại trở nên mềm mại, dịu dàng và đầy lãng mạn. Dòng sông Đà chảy dài uốn lượn. Nếu đứng từ trên cao mà nhìn xuống, sông Đà không khác nào một áng tóc trữ tình. Còn nếu như để ý kĩ sẽ thấy mỗi một mùa sông Đà mang một màu sắc khác nhau. Cảnh sắc sông Đà có những quãng đầy thơ mộng. Hai bên ven sông gợi người ta nhớ đến lịch sử từ đời Lí, Trần, Lê. Có những chỗ bờ sông hoang vu và hồn nhiên như nỗi niềm cổ tích tuổi xưa.
Nơi con sông Đà chảy qua không phải quê hương của Nguyễn Tuân nhưng qua cách mà tác giả miêu tả hình tượng con sông Đà, người đọc có thể thấy Nguyễn Tuân đã dành nhiều tình cảm cho dòng sông này. Phải yêu lắm, thương lắm thì mới viết nên được những câu văn tinh tế đến như vậy.
Trên đây là hướng dẫn dàn ý và gợi ý bài làm phân tích hình tượng con sông Đà và Kho tàng văn mẫu đã biên soạn. Bài làm này chỉ mang tính chất tham khảo. Khi làm bài, các em cần khai thác sâu hơn và đưa thêm nhiều dẫn chứng vào để bài lam được sinh động.
Thu Thủy