Phân tích nghệ thuật châm biếm sắc sảo của Vũ Trọng Phụng qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia
Phân tích nghệ thuật châm biếm sắc sảo của Vũ Trọng Phụng qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả và tác phẩm
Tác giả
– Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939), sinh tại Hà Nội, quê ở làng Hảo (Bần Yên Nhân) – Mĩ Hào – Hưng Yên.
– Gia đình “nghèo gia truyền” (cách nói của Ngô Tất Tố).
– Cuộc đời:
+ Tốt nghiệp tiểu học: đi làm kiếm sống – mất việc – sống chật vật bằng nghề viết báo, viết văn chuyên nghiệp.
+ Khoảng 1937 – 1938: mắc bệnh lao, nhưng không có điều kiện chạy chữa.
+ Năm 1939: mất tại Hà Nội.
=> Ngắn ngủi, nghèo túng, bệnh tật.
– Con người:
+ “Là một con người bình dị, người của khuôn phép, của nền nếp” (Lưu Trọng Lư).
+ Luôn căm ghét xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời.
+ Chăm học và có sức sáng tạo dồi dào.
– Sự nghiệp:
+ Bút danh: Vũ Trọng Phụng, Thiên Hư.
+ Là nhà văn hiện thực xuất sắc trước Cách mạng. Nổi tiếng về tiểu thuyết, truyện ngắn và đặc biệt thành công ở thể loại phóng sự.
Kiệt tác: Số đỏ, Giông tố, Vỡ đê, Cơm thầy cơm cô…
+ Nội dung: Niềm căm phẫn mãnh liệt xã hội đen tối, thối nát đương thời.
+ Phong cách nghệ thuật độc đáo.
+ Tuy nhiên, sự nghiệp sáng tác và thế giới quan của Vũ Trọng Phụng khá phức tạp và nhiều khi mâu thuẫn nên đã gây ra những cuộc tranh luận và đánh giá khác nhau trong nhiều năm.
Tiểu thuyết “Số đỏ”
– Được đăng ở Hà Nội báo từ số 40 ngày 07/10/1936 và in thành sách lần đầu năm 1938.
– Tóm tắt tác phẩm: SGK trang 122 – 123.
– Nghệ thuật: Số đỏ thể hiện trình độ tiểu thuyết già dặn, bút pháp châm biếm đặc biệt sắc sảo.
+ Tiếng cười truyền thống trong văn học được nhà văn làm cho sắc bén thêm bằng nghệ thuật cường điệu độc đáo.
+ Xây dựng nhiều tình tiết, chi tiết đối lập nhau gay gắt nhưng cùng tồn tại trong một đối tượng và sử dụng rộng rãi kiểu nói ngược của dân gian.
+ Bút pháp hết sức biến hoá, linh hoạt.
+ Xây dựng được một số nhân vật điển hình phản diện mang tính chất hí hoạ.
– Hạn chế: Đôi khi mô tả cái dâm một cách thô bạo và đậm đặc; bộc lộ khá rõ tư tưởng bi quan định mệnh.
=> Có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học (Nguyễn Khải)
2. Thân bài
2.1. Nhan đề và tình huống trào phúng
* Nhan đề
– Đầy đủ là Hạnh phúc của một tang gia – Văn Minh nữa cũng nói vào – Một đám ma gương mẫu
– Nhan đề Hạnh phúc của một tang gia
+ Chứa đựng mâu thuẫn trào phúng, hàm chứa tiếng cười chua chát: tang gia >< hạnh phúc.
+ Lạ, giật gân, gây chú ý.
=> Phản ánh đúng một sự thật mỉa mai, hài hước và tàn nhẫn: con cháu của đại gia đình này thật sự sung sướng, hạnh phúc khi cụ cố tổ chết.
* Tình huống trào phúng– Được mở ra bằng câu văn:Ba hôm sau, ông cụ già chết thật.
– Câu văn ngắn tách hẳn thành một đoạn, mang nội dung thông báo khách quan, lạnh lùng: cụ cố tổ qua đời. Chết thật chứ không phải chết hụt, chết dốinhư lần trước.
=> Như tiếng thở phào, cất đi gánh nặng bấy lâu nay.
Niềm mong mỏi trở thành hiện thực.
2.2. Hạnh phúc của mọi người trước cái chết của cụ cố tổ
Hạnh phúc của tang gia
– Di chúc của cụ cố tổ tới lúc được thực hiện, nghĩa là gia tài kếch xù của cụ được chia cho con cháu chứ không còn là lí thuyết viển vông nữa. => Những người sống tìm được hạnh phúc trên xác chết của một người. Tình thân ruột thịt không hề có.
– Niềm vui riêng của mỗi người lại được thể hiện qua nghệ thuật gây cười phong phú.
* Cụ cố Hồng
– Mới ngoài 50 tuổi >< chỉ thích được gọi là cụ cố.
– Đám ma của cụ cố tổ là dịp may để cụ được mặc áo xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa mếu máo diễn trò già nua ốm yếu giữa phố đông người để thiên hạ phải trầm trồ, khen là gia đình có phúc.
– Không hiểu biết gì >< động mở miệng là: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! (1872 câu).
=> Điển hình cho loại người háo danh, ngu dốt.
* Ông Văn Minh
– Sung sướng vì từ nay mà đi, cái chúc thư kia sẽ vào thời kì thực hành chứ không còn là lí thuyết viển vông nữa.
– Chỉ phiền một nỗi: Xuân tuy phạm tội quyến rũ một em gái ông, tố cáo cái tội trạng hoang dâm của một em gái khác nữa của ông, nhưng tình cờ đã gây ra cái chết của ông cụ già đáng chết. Hai cái tội nhỏ, một cái ơn to…
=> Trong tang gia bối rối, Văn Minh vẫn còn tâm trạng để mà suy ngẫm, chiêm nghiệm về “công trạng” của Xuân Tóc Đỏ. Cách so sánh hai cái tội nhỏ, một cái ơn to cho thấy niềm vui sướng vô bờ bến cũng như nỗi mong mỏi bấy lâu nay về cái chết của cụ cố tổ trong Văn Minh. ® Đại bất hiếu.
– Đám ma là dịp để nhà cải cách y phục Âu hoá được dịp lăng-xê những mốt y phục táo bạo nhất, có thể ban cho những hai có tang đương đau đớn vì kẻ chết cũng được hưởng chút ít hạnh phúc ở đời.
=> Cơ hội Văn Minh quảng cáo hàng và kiếm tiền.
* Bà Văn Minh
– Sốt ruột vì chưa được mặc đồ tang tân thời.
* Cô Tuyết
– Được dịp mặc bộ y phục Ngây thơ.
=> Cơ hội trưng diện, phô bày sự hư hỏng của kẻ chưa đánh mất cả chữ trinh.
– Chỉ nghĩ đến Xuân Tóc Đỏ, băn khoăn không hiểu vì sao người tình mất mặt.
* Cậu Tú Tân
– Sướng điên người vì được dùng đến cái máy ảnh mới mua. (Khi chưa phát phục, cậu sốt ruột đến điên người lên vì đã chuẩn bị cái máy ảnh mà mãi chưa được dùng).
=> Cơ hội để cậu Tú Tân giải trí và chứng tỏ tài nghệ chụp ảnh của mình.
* Ông Phán mọc sừng
– Sung sướng vì không ngờ cái sừng trên đầu mình lại có giá trị đến thế và ông tin chắc mình cũng được trả công xứng đáng. Bởi cụ cố sở dĩ lăn đùng ra cấm khẩu vì biết tin con rể mọc sừng.
=> Không một ai trong đám con cháu chí hiếu của cụ cố tổ nghĩ đến người nằm xuống là cụ. Tất cả đều vui sướng, đều hân hoan và trong lúc tang gia, mỗi người ai cũng cười thầm trong niềm hạnh phúc của riêng mình.
2.3. Quang cảnh đám tang
– Tác giả tả hai cảnh: Cảnh đám cứ đi trên đường và cảnh hạ huyệt.
– Tả theo trình tự bao quát từ xa tới gần, rồi tả cụ thể một số gương mặt. Chớp được những khoảnh khắc, cử chỉ, lời nói thật tiêu biểu, đắt giá.
Cảnh “đám cứ đi”
– Bề ngoài đám tang được tổ chức thật long trọng, “gương mẫu” nhưng thực chất chẳng khác gì đám rước, nhố nhăng, lố bịch, hổ lốn:
+ Có đủ kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, kèn Tây kèn Ta, vòng hoa câu đối…;
+ Người đưa rất đông, toàn là những “giai thanh gái lịch” giàu có nhưng đi đưa chiếu lệ, vừa đi vừa trò chuyện làm ăn, bình phẩm, cười tình, trai gái trêu cợt nhau công khai…
=> Cốt để khoe sự giàu sang một cách lố bịch, hợm hĩnh.
– Câu văn Đám cứ đi. được lặp lại và xuống dòng:
+ Diễn tả tốc độ chậm chạp đến dềnh dàng của đám tang.
+ Một mặt thể hiện sự quyến luyến, đau xót (giả dối) của những người sống, mặt khác để cố ý khoe khoang, phô trương sự giàu có của gia đình cụ cố Hồng.
– Đoàn phúng viếng của Xuân Tóc Đỏ và sư cụ Tăng Phú xuất hiện đột ngột và vênh váo, hỗn láo, chen ngang giữa đường nhưng lại đem vinh dự cho cả nhà cụ cố Hồng, đặc biệt là cho Tuyết.
=> Sự háo danh, rởm hợm của gia đình cụ cố.
Cảnh hạ huyệt
– Màn kịch cuối cùng của chương truyện với sự xuất hiện của các diễn viên rất tài ba. Bề ngoài các nhân vật tỏ ra rất đau đớn nhưng đằng sau đó thì…:
+ Tú Tân biểu diễn cảnh chụp ảnh trong bộ áo tang luộm thuộm, bắt ne tư thế của mọi người, đám con cháu cụ cố tổ tự nguyện trở thành những diễn viên đại tài.
+ Xuân Tóc Đỏ đứng cầm mũ giả vờ nghiêm trang.
+ Phán mọc sừng khóc to những âm thanh lạ “hứt, hứt, hứt”đến lả người đi. => Diễn viên đại tài làm Xuân Tóc Đỏ cũng không ngờ khi y bất ngờ nhận được tờ năm đồng gấp tư mà ông Phán khéo léo vừa khóc vừa giúi vào tay mình.
=> Bộ mặt giả dối, rởm hợm, háo danh của một gia đình giàu sang mà bất hiếu, bất nghĩa. Đám tang diễn ra như một tấn đại hài kịch, nói lên sự lố lăng, đồi bại của xã hội thượng lưu ngày trước. Cái chết của cụ cố tổ cũng chính là cái chết của đạo đức xã hội của một bộ phận tầng lớp trí thức tư sản bấy giờ.
3. Kết bài
Nội dung
Đoạn trích là một bi hài kịch, phơi bày bản chất nhố nhăng của một gia đình đồng thời phản ánh bộ mặt thật của xã hội thượng lưu thành thị trước Cách mạng tháng Tám.
Nghệ thuật
– Tạo tình huống trào phúng cơ bản rồi mở rộng ra những tình huống khác.
– Phát hiện những chi tiết đối lập gay gắt cùng tồn tại trong một con người, sự vật, sự việc.
– Thủ pháp cường điệu, nói ngược, nói mỉa… được sử dụng một cách linh hoạt.
– Miêu tả biến hoá, linh hoạt và sắc sảo đến từng chi tiết, nói trúng nét riêng của từng nhân vật.
Phân tích nghệ thuật châm biếm sắc sảo của Vũ Trọng Phụng qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia
Bài văn tham khảo
Văn học hiện đại Việt Nam đã xuất hiện rất nhiều cây bút nổi bật, trong số đó, Vũ Trọng Phụng là một trong những cây bút hiện thực xuất sắc đã mô tả chân thực xã hội đương thời, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Vũ Trọng Phụng sinh tại Hà Nội, quê ở làng Hảo sinh ra trong một gia đình nghèo gia truyền. Cuộc đời của ông phải chịu nhiều thăng trầm và biến cố, học hết bậc tiểu học ông đã đi làm kiếm sống, nhưng cuộc đời lại dành cho ông nhiều gập ghềnh, chông gai, ông sống chật vật bằng nghề viết văn, làm báo. Vũ Trọng Phụng là một con người của đời thường, bình dị, ông sống khuôn phép và nền nếp. Ông là một người chăm chỉ và có sức sáng tạo dồi dào. Khi viết văn, ông đã có bút danh là Thiên Hư, bằng cảm quan của một người nghệ sĩ, Vũ Trọng Phụng đã cho ra đời rất nhiều những tác phẩm văn học nổi bật như: Cơm thầy cơm cô, Kĩ nghệ lấy Tây… một trong số những tác phẩm nổi bật nhất của ông để lại cho người đời nhiều bài học quý giá chính là tác phẩm Số đỏ– đây là tác phẩm làm nên danh tiếng, sự nghiệp của Vũ Trọng Phụng, tác phẩm đã lật tẩy bộ mặt giả dối, xấu xa tàn ác của tầng lớp thượng lưu đương thời. Đồng thời đánh dấu một trong những cột mốc quan trọng trong đời viết văn của ông. Qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia tác giả đã thể hiện xuất sắc nghệ thuật châm biếm sắc sảo từ đó để lại nhiều bài học ý nghĩa cho người đọc.
Ngay từ nhan đề đầu tiên người đọc đã cảm thấy ngỡ ngàng, giật mình bởi sự mâu thuẫn. Tang gia nhưng lại cảm thấy hạnh phúc, sử dụng bút pháp mâu thuẫn tác giả phản ánh một sự thật đau đớn, gia đình có người mất nhưng những thành viên trong gia đình lại cảm thấy hạnh phúc vui vẻ, từ nhan đề này hé lộ cho người đọc bi kịch xảy đến của một gia đình thượng lưu trong thời đại Mưa Âu gió Mĩ. Tình huống trào phúng được mở đầu bằng câu văn: Ba hôm sau ông cụ già chết thật, câu văn ngắn tách hẳn thành một đoạn, mang nội dung thông báo khách quan, lạnh lùng: cụ cố tổ qua đời. Chết thật chứ không phải chết hụt, chết dối như lần trước. Câu văn như tiếng thở dài hụt hẫng mong muốn cho sự thật kia được trở thành hiện thực.
Theo mạch tác phẩm cùng với bút pháp trào phúng của tác giả người đọc sẽ được khám phá diễn biến nội tâm của từng nhân vật từ đó rút ra được những bài học cho bản thân, nhận thấy nghệ thuật châm biếm sắc sảo của Vũ Trọng Phụng. Ông cụ tổ mất đi, điều mà mọi người trong gia đình quan tâm đó chính là số tài sản kếch sù mà ông cụ để lại, tất cả mọi người trong gia đình đều ngấm ngầm muốn được phân chia tài sản. Đám ma được mọi người trong gia đình tổ chức một cách rầm rộ linh đình, nhưng đằng sau sự hào nhoáng ấy lại là sự rỗng tuếch sự mục nát, thối rữa của tình người sự xuống cấp của đạo đức. Cụ cố Hồng ngoài 50 tuổi thích được gọi là cụ cố, đám ma của cụ cố tổ là dịp may để cụ được mặc áo xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa mếu máo diễn trò già nua ốm yếu giữa phố đông người để thiên hạ phải trầm trồ, khen là gia đình có phúc. Câu cửa miệng của cụ luôn là: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi một câu nói vô nghĩa và điển hình cho loại người háo danh, ngu dốt. Ông Văn Minh chủ hiệu cửa hàng Âu hóa bộc lộ tâm trạng hào hứng vui vẻ của mình, ông ta sung sướng vì từ nay cái chúc thư kia sẽ đi vào thời kì thực hành chứ không còn lý thuyết viễn vông nữa. Trong tang gia bối rối, Văn Minh vẫn còn tâm trạng để mà suy ngẫm, chiêm nghiệm về “công trạng” của Xuân Tóc Đỏ. Cách so sánh hai cái tội nhỏ, một cái ơn to cho thấy niềm vui sướng vô bờ bến cũng như nỗi mong mỏi bấy lâu nay về cái chết của cụ cố tổ trong Văn Minh. Đám ma là dịp để nhà cải cách y phục Âu hoá được dịp lăng-xê những mốt y phục táo bạo nhất, có thể ban cho những hai có tang đương đau đớn vì kẻ chết cũng được hưởng chút ít hạnh phúc ở đời. Đám ma là dịp để ông Văn Minh quảng cáo và để kiếm thêm tiền, điều này thật xấu xa và dơ bẩn khi phải chứng kiến cảnh đau lòng này. Bà Văn Minh sốt ruột vì chưa được mặc những bộ quần áo tân thời. Cô Tuyết một nhân vật trong truyện được dịp mặc bộ quần áo ngây thơ, cơ hội trưng diện phô bày sự hư hỏng của kẻ chưa đánh mất cả chữ trinh, tâm trạng của cô không để tâm đến đám tang mà chỉ nghĩ về Xuân Tóc Đỏ băn khoăn không hiểu vì sao người tình mất mặt. Cậu Tú tân mừng rỡ vì được sử dụng cái ảnh mới đây là cơ hội để cậu giải trí và chứng tỏ tài nghệ của mình. Ông Phán mọc sừng sung sướng vì không ngờ cái sừng trên đầu mình lại có giá trị đến thế và ông tin chắc mình cũng được trả công xứng đáng. Bởi cụ cố sở dĩ lăn đùng ra cấm khẩu vì biết tin con rể mọc sừng. Không một ai trong đám con cháu chí hiếu của cụ cố tổ nghĩ đến người nằm xuống là cụ. Tất cả đều vui sướng, đều hân hoan và trong lúc tang gia, mỗi người ai cũng cười thầm. Điều mà tất cả các nhân vật chú trong đến đó chính là số tài sản kếch sù cụ cố tổ để lại, một sự thật chua chát được phô bày, đồng tiền lăn tròn lên lương tâm, lăn tròn lên đạo lý làm người, bào mòn nhân cách và nhân phẩm của từng con người trong gia đình cụ cố tổ. Chưa bao giờ người đọc lại cảm thấy như bây giờ người đọc đang sống trong một xã hội đầy rãy sự bất an, biến động khi những giá trị đạo đức bị bào mòn, con người chỉ đến với nhau vì vụ lời, vì đồng tiền, và những toan tính nhỏ nhen ích kỷ của mình.
Là một người từng trải, sành sỏi trong cuộc đời, hơn ai hết Vũ Trọng Phụng hiểu rõ tâm can của những con người trong tầng lớp thượng lưu họ đến với nhau chỉ bằng lừa lọc gian dối, không thật lòng, xã hội thượng lưu nơi ông sống đã bị biến chất méo mó, đến đáng sợ, nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng khiến người đọc phải xót xa, đau lòng khi bóc trần sự thật, khi người đọc cười vào sự mỉa mai châm biếm của tác giả cũng là lúc người ta cảm thấy đau đớn, xót xa nhất, người ta phải tự soi xét chính mình, tự nhìn lại bản thân mình mà cắn rứt lương tâm. Chưa bao giờ như bây giờ con người lại cảm thấy mông lung thiếu tin tưởng nhau đến vậy. Vũ Trọng Phụng cười đấy nhưng ông đau khổ, ông cảm thấy nhục nhã tủi cực cho chính lương tâm đang dần bị hủy hoại của con người. Đoạn trích miêu tả đám ma là một trong những đoạn trích nổi bật thể hiện rõ thủ pháp gián ghép điện ảnh của tác giả, tác giả miêu tả hai cảnh đám ma và cảnh hạ huyệt. Tác giả tả theo trình tự bao quát từ xa tới gần, rồi tả cụ thể một số gương mặt. Chớp được những khoảnh khắc, cử chỉ, lời nói thật tiêu biểu, đắt giá. Bề ngoài đám tang được tổ chức thật long trọng, “gương mẫu” nhưng thực chất chẳng khác gì đám rước, nhố nhăng, lố bịch, hổ lốn: Đám ma có đủ kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, kèn Tây kèn Ta, vòng hoa câu đối… Người đưa rất đông, toàn là những “giai thanh gái lịch” giàu có nhưng đi đưa chiếu lệ, vừa đi vừa trò chuyện làm ăn, bình phẩm, cười tình, trai gái trêu cợt nhau công khai… Nhưng mục đích của đám ma không phải để thương nhớ, tưởng nhớ người đã khuất mà là để cốt khoe sự giàu sang một cách lố bịch, hợm hĩnh.
Câu văn Đám cứ đi. được lặp lại và xuống dòng: diễn tả tốc độ chậm chạp đến dềnh dàng của đám tang. Một mặt thể hiện sự quyến luyến, đau xót (giả dối) của những người sống, mặt khác để cố ý khoe khoang, phô trương sự giàu có của gia đình cụ cố Hồng.Đoàn phúng viếng của Xuân Tóc Đỏ và sư cụ Tăng Phú xuất hiện đột ngột và vênh váo, hỗn láo, chen ngang giữa đường nhưng lại đem vinh dự cho cả nhà cụ cố Hồng, đặc biệt là cho Tuyết. Sự lộn xộn của đoàn viếng thể hiện sự háo danh một cách hợm hĩnh, rởm hợm của gia đình cụ cố. Màn kịch cuối cùng của chương truyện với sự xuất hiện của các diễn viên rất tài ba. Bề ngoài các nhân vật tỏ ra rất đau đớn nhưng đằng sau đó thì…:Tú Tân biểu diễn cảnh chụp ảnh trong bộ áo tang luộm thuộm, bắt chước tư thế của mọi người, đám con cháu cụ cố tổ tự nguyện trở thành những diễn viên đại tài. Xuân Tóc Đỏ đứng cầm mũ giả vờ nghiêm trang. Phán mọc sừng khóc to những âm thanh lạ “hứt, hứt, hứt”đến lả người đi. Diễn viên đại tài làm Xuân Tóc Đỏ cũng không ngờ khi y bất ngờ nhận được tờ năm đồng gấp tư mà ông Phán khéo léo vừa khóc vừa giúi vào tay mình. Bộ mặt giả dối, rởm hợm, háo danh của một gia đình giàu sang mà bất hiếu, bất nghĩa. Đám tang diễn ra như một tấn đại hài kịch, nói lên sự lố lăng, đồi bại của xã hội thượng lưu ngày trước. Cái chết của cụ cố tổ cũng chính là cái chết của đạo đức xã hội của một bộ phận tầng lớp trí thức tư sản bấy giờ. Tác giả Vũ Trọng Phụng đã khéo léo lách ống kính qua hai quang cảnh: cảnh đám ma và cảnh hạ huyệt để có thể mô tả một cách trọn vẹn tâm trạng của những người đang tham dự đám ma: thiếu sự nghiêm túc, thiếu sự thành kính, thiếu tôn trọng lẫn nhau tất cả dường như chỉ là một trò đùa, một trò lố lăng diễn lại sự thương cảm, xót xa giả tạo của những người còn sống với người đã khuất.
Qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia tác giả đã phơi bày bản chất nhố nhăng của một gia đình đồng thời phản ánh bộ mặt thật của xã hội thượng lưu thành thị trước Cách mạng tháng Tám. Bằng sự khéo léo tài hoa của một nhà văn, Vũ Trọng Phụng đã tạo tình huống trào phúng cơ bản rồi mở rộng ra những tình huống khác, phát hiện những chi tiết đối lập gay gắt cùng tồn tại trong một con người, sự vật, sự việc, thủ pháp cường điệu, nói ngược, nói mỉa… được sử dụng một cách linh hoạt, miêu tả biến hoá, linh hoạt và sắc sảo đến từng chi tiết, nói trúng nét riêng của từng nhân vật.