Phân tích nhân vật A Phủ trong Vợ chồng A Phủ (Có dàn ý chi tiết)
A Phủ là một thanh niên nghèo, chất phác nhưng sống dưới chế độ phong kiến miền núi nên cuộc đời chịu nhiều cực khổ. A Phủ phải đi làm thuê trả nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Để hiểu rõ hơn về cuộc đời của A Phủ, chúng ta hãy cùng đi phân tích nhân vật A Phủ.
Trước khi bước vào bài phân tích thì các em nên lập dàn ý chi tiết phân tích nhân vật A Phủ, vạch ra những ý chính cần có trong bài. Dưới đây sẽ là phần hướng dẫn của Kho tàng văn mẫu.
I. Lập dàn ý phân tích nhân vật A Phủ
1. Mở bài
– Giới thiệu về nhà văn Tô Hoài và truyện ngắn Vợ chồng A Phủ.
– Giới thiệu về nhân vật A Phủ.
2. Thân bài
Xuất thân của nhân vật A Phủ
– A Phủ vốn là một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Lúc ấy còn nhỏ, A Phủ bị người ta bắt rồi đem bán để đổi lấy thóc.
– A Phủ trốn thoát được và lưu lạc đến Hồng Ngài.
Ngoại hình, tính cách của A Phủ
– A Phủ là một chàng trai khỏe mạnh, giỏi lao động nên được nhiều cô gái mơ ước.
– A Phủ chỉ là chàng trai làm thuê nên hoàn cảnh vô cùng nghèo khó. A Phủ không có tiền lấy vợ, không mua được nổi 1 cái vòng bạc để đi chơi Tết.
– Hoàn cảnh đã khiến A Phủ trở nên gan góc, táo bạo và có một sức sống vô cùng mạnh mẽ.
Cuộc sống của A Phủ khi ở nhà thống lí
– Với tính cách của mình, A Phủ sẵn sàng đối đầu với bọn con quan.
– A Phủ bị bắt trói về nhà thống lí, bị tra tấn đòn ron và bị bắt làm nô lệ gạt nợ cho nhà thống lí.
– A Phủ sống tủi nhục như con trâu, con ngựa trong nhà thống lí.
Cuộc gặp gỡ với Mị
– Sức sống trong A Phủ vẫn luôn tiềm tàng.
– Mị đã cởi trói cho A Phủ, giúp A Phủ thoát khỏi cuộc sống địa ngục.
– A Phủ cùng Mị bỏ trốn và sau này, A Phủ đã giác ngộ cách mạng.
3. Kết luận
– Nêu cảm nhận của em về nhân vật A Phủ.
Bài viết liên quan:
>> Phân tích nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ (Có dàn ý chi tiết)
>> Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân (Có dàn ý chi tiết)
>> Phân tích tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (Có dàn ý chi tiết)
II. Bài làm phân tích nhân vật A Phủ
Nhà văn Tô Hoài đã quen thuộc với bạn đọc qua nhiều tác phẩm xuất sắc. Trẻ nhỏ thì biết đến ông qua tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký, người lớn tuổi hơn thì ấn tượng với Vợ chồng A Phủ. Trong Vợ chồng A Phủ, các nhân vật như Mị, A Phủ gây ấn tượng mạnh với người đọc về cuộc đời nhiều cơ cực của họ. Nhân vật A Phủ có nhiều phẩm chất tốt đẹp nhưng lại phải chịu khổ vì chính tính cách của mình.
A Phủ có xuất thân vô cùng khổ cực khi sớm phải mồ côi cả cha lẫn mẹ sau một trận dịch. Năm ấy, A Phủ mới chỉ chừng hơn 10 tuổi. A Phủ bị người ta bắt về nhưng không phải để chăm sóc mà lại đem bán đi để đổi lấy gạo của người Thái. Vì tính tình gan dạ, A Phủ đã bỏ trốn được rồi sau đó lưu lạc lên Hồng Ngài. Sau đó, A Phủ tự mình kiếm sống, học hỏi đủ thứ nghề. Có ai thuê làm gì, A Phủ cũng làm. Với sự chăm chỉ của mình nên A Phủ làm gì cũng giỏi. Không chỉ biết đúc lại lưỡi cày, A Phủ còn biết đi săn bò tót nữa. A Phủ càng lớn thì càng chứng tỏ mình là một chàng trai khỏe mạnh, có sức vóc. Cộng thêm tính tình hiền lành nên A Phủ được nhiều người yêu quý. Cũng chính vì vậy mà dù cuộc sống có nghèo khổ thì A Phủ cũng vẫn yêu đời, tự tin vào tuổi trẻ của mình. A Phủ trở thành niềm mơ ước của các cô gái H’mông. Họ nói với nhau rằng có được A Phủ trong nhà thì chẳng mấy lúc mà giàu. Nhưng khổ nỗi, A Phủ nghèo quá nên chẳng có đủ tiền để cưới vợ. Không tiền, không địa vị, A Phủ bị người đời khinh rẻ. A Phủ thậm chí còn chẳng đủ tiền mua một cái vòng bạc để đi chơi Tết.
Cuộc đời của A Phủ rẽ ngang khi A Phủ đánh nhau với A Sử, con trai của nhà thống lí Pá Tra. A Phủ, chàng trai của núi rừng tự do cuối cùng cũng chẳng thể nào thắng được chế độ phong kiến, không thể nào thoát được kiếp sống nô lệ. A Phủ bị bắt trói về nhà thống lí Pá Tra, bị đánh đập rồi bị bắt làm nô lệ gạt nợ cho nhà thống lí. A Phủ kể từ đó phải chịu một cuộc đời nhục nhã. A Phủ bị ngược đãi, phải làm những công việc nặng nhọc và nguy hiểm như bẫy hổ, chăn ngựa, săn bò tót, cuốc nương, cày ruộng. Cuộc đời của A Phủ từ đây không còn do A Phủ định đoạt nữa mà là do bàn tay của thống lí Pá Tra. Cũng chính vì để hổ bắt mất bò mà A Phủ bị trói vào cột, bị đánh cho chết đi sống lại. Khi Mị nhìn thấy A Phủ bị trói, Mị còn xem A Phủ như một cái xác bị trói đứng. Mặc dù thân xác bị trói nhưng tinh thần khản kháng trong A Phủ luôn bùng cháy. Bản chất gan góc và bất khuất vẫn luôn tồn tại trong con người A Phủ. Vậy nên khi được Mị cởi trói, A Phủ đã dẫn Mị theo cùng, cả hai cùng giải thoát cho nhau, bay về phía chân trời tự do.
Nhân vật A Phủ được xây dựng đậm chất anh hùng ca. Qua nhân vật A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã thể hiện được giá trị nhân đạo mới mẻ và sâu sắc.
Trên đây là phần dàn ý và bài văn mẫu phân tích nhân vật A Phủ. Bài viết chỉ mang tính chất gợi ý, các em nên dựa vào đó để viết bài văn của riêng mình.
Thu Thủy