Phân tích nhân vật Tràng trong Vợ nhặt của Kim Lân (Có dàn ý chi tiết)
Nhân vật Tràng xuất hiện từ đầu cho tới cuối tác phẩm Vợ nhặt. Đây là người nông dân cần cù, chịu khó nhưng cuộc sống nghèo đói, cơ cực. Nhưng Tràng bị đặt vào trong một tình huống éo le và qua đó cũng giúp Tràng bộc lộ được những phẩm chất tốt đẹp của mình.
Để giúp các em có thể hiểu thêm về nhân vật này cũng như biết cách làm bài, hôm nay Kho tàng văn mẫu sẽ hướng dẫn các em lập dàn ý phân tích nhân vật Tràng trong Vợ nhặt và gợi ý bài văn mẫu cho các em tham khảo.
I. Lập dàn ý phân tích nhân vật Tràng trong Vợ nhặt
1. Mở bài
– Giới thiệu về nhà văn Kim Lân.
– Giới thiệu về tác phẩm Vợ nhặt.
– Giới thiệu về nhân vật Tràng, nhân vật trung tâm của truyện.
2. Thân bài phân tích nhân vật Tràng trong Vợ nhặt
Xuất thân của nhân vật Tràng
– Tràng là dân ngụ cư, sống bằng nghề đẩy xe bò và phải nuôi một mẹ già.
– Cuộc sống nghèo khó và bị khinh miệt.
Ngoại hình
– Ngoại hình của Tràng được miêu tả là xấu xí và thô kệch.
Diễn biến tâm lí nhân vật Tràng
– Sự tình cờ nhặt được vợ khiến cho Tràng cảm thấy hạnh phúc. Thật ra ban đầu Tràng có chút lo lắng nhưng rồi cũng thây kệ.
– Niềm vui, niềm hạnh phúc lộ rõ trên nắt mặt của Tràng.
– Tràng bắt đầu lo lắng cho tương lai, lo sửa lại nhà, lo làm ăn còn nuôi vợ, nuôi con.
– Có lúc Tràng vẫn ngỡ ngàng không tin điều này là thật.
– Dáng đi của Tràng từ lúc có vợ cũng thay đổi, trở nên đàng hoàng và tỉnh táo chứ không còn ngật ngưỡng, mệt mỏi như trước nữa.
3. Kết luận
– Nhân vật Tràng đóng vai trò quan trọng trong tác phẩm.
– Góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm.
Bài viết liên quan
>> Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong Vợ nhặt (Có dàn ý chi tiết)
>> Phân tích nhân vật Tràng trong Vợ nhặt (Có dàn ý chi tiết)
>> Phân tích tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân (Có dàn ý chi tiết)
II. Bài làm phân tích nhân vật Tràng trong Vợ nhặt
Trong số những sáng tác lấy bối cảnh là nạn đói năm 1945 thì Vợ nhặt của Kim Lân là một tác phẩm tiêu biểu. Tác phẩm không viết về những con người chết vì đói mà viết về tình người trong cảnh đói. Đó chính là điều làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm này. Cũng trong tác phẩm, nhân vật Tràng xuất hiện từ ngoại hình đến tính cách đều không có gì ấn tượng. Nhưng điểm thu hút là ở chỗ Tràng được đặt trong một tình huống éo le đó chính là nhặt được vợ.
Tràng xuất thân là người nghèo khó, sống ở xóm ngụ cư, là một xóm nghèo nhất ở bìa làng và bị mọi người khinh miệt. Năm ấy đúng là cái năm đói kém nhất, cha và chị gái của Tràng cũng qua đời vì nạn đói. Tràng không chỉ nghèo mà còn có ngoại hình xấu xí và thô kệch. Cái dáng đi của Tràng lộ rõ sự mệt mỏi của một người lao động vất vả. Tràng không chỉ lo cho bản thân mình mà còn phải lo cho mẹ già nữa. Nói tóm lại, ở vào hoàn cảnh của Tràng khi ấy thì không thể nào lấy vợ được. Tràng cũng chưa nghĩ đến chuyện ấy khi thân mình lo chưa xong. Nhưng nhà văn Kim Lân đã đặt Tràng vào tình huống buộc phải lấy vợ. Hay nói đúng hơn là Tràng buộc phải có vợ. Chỉ sau có 2 lần gặp gỡ, người đàn bà ấy đã đi theo Tràng, tin vào những lời bông đùa của Tràng mà về làm vợ Tràng.
Không nói thì mọi người chắc cũng hiểu được tâm trạng của Tràng khi ấy đó là sự lo lắng. Tràng lo bởi vì từ đây biết lấy gì mà nuôi vợ. Nhưng không xua đuổi Thị, không thanh minh rằng đó chỉ là những lời nói bông đùa, Tràng chậc kệ và vẫn cứ dẫn vợ theo về. Thậm chí, Tràng còn lâng lâng hạnh phúc và cảm nhận được một niềm vui khác lạ khi mình đã có vợ. Thanh niên đến tuổi dựng vợ gả chồng thì có ai mà không mong ước có được một gia đình hạnh phúc. Tràng cũng vậy, Tràng cũng mong có vợ, chỉ có điều vì nghèo quá nên Tràng không dám nghĩ đến mà thôi. Nay bỗng dưng có được vợ, Tràng tặc lưỡi buông xuôi để mặc cho số phận đến đâu thì đến.
Dường như đây là lần đầu tiên Tràng có được niềm vui như vậy. Tràng dẫn vợ về, đôi lúc còn ngờ ngợ không dám tin đây là sự thật. Mẹ của Tràng là bà cụ Tứ mới đầu cũng vô cùng ngạc nhiên và không tin chuyện con mình đã có vợ. Nhưng rồi mọi người đều vui vẻ, bỏ qua những lo lắng của tương lai, bởi vì họ tin vào một tương lai tươi sáng sẽ đến với cả gia đình họ, đến với những người nông dân khác. Từ lúc có vợ, cái dáng đi của Tràng khác hẳn, nó trở nên đàng hoàng và tỉnh táo hơn. Rồi Tràng có những suy nghĩ tích cực về tương lai. Tràng nghĩ xem làm việc gì đó để tích lũy và sửa lại cái mái nhà, làm một việc gì đó để có thể lo cho vợ con sau này. Thông qua những suy nghĩ và hành động của Tràng, ta thấy được Tràng là một người đàn ông biết lo toan cho cuộc sống gia đình, có trách nhiệm với gia đình.
Nhân vật Tràng đóng một vai trò quan trọng trong tác phẩm và góp phần vào thành công của tác phẩm Vợ nhặt. Từ nhân vật Tràng, chúng ta cũng có thể thấy được rằng, cuộc đời con người có ý nghĩa hơn nếu như chúng ta biết dành tình yêu thương cho nhau.
Trên đây là phần lập dàn ý và bài văn mẫu cho đề phân tích nhân vật Tràng trong Vợ nhặt. Nếu các bạn, các em có đóng góp để bài viết được tốt hơn thì hãy để lại bình luận bên dưới bài viết này nhé.
Thu Thủy