Phân tích phần thứ ba bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi


Phân tích phần thứ ba bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi

Gợi ý

CÁC Ý CHÍNH

Phần thứ ba của bài cáo là công bố quá trình dấy binh và kháng chiến thắng lợi. Đây là phần trữ tình và sảng khoái nhất của bài văn.

Đoạn một của phần này gồm 15 cặp đối nói về ý thức sứ mệnh và buổi đầu dựng nghiệp khó khăn của Lê Lợi. Tác giả đã xây dựng nên hình ảnh người anh hùng dân tộc, một hình tượng trữ tình cao cả, thống nhất.

Bằng phương thức tự giới thiệu, bài đại cáo khắc họa tấm lòng, chí khí, tài trí, mục đích đầy nghĩa của Lê Lợi. Bằng một loạt vị ngữ, đoạn văn thể hiện thế giới nội tâm phong phú. Một lời giới thiệu thật dõng dạc:

“Ta đây:

Núi Lam sơn dấy nghĩa

Chốn hoang dã nương mình”.

Một ý thức sứ mệnh tự giác: xem mối thù của nước, nỗi đau của trăm họ như của chính mình, ngày đêm canh cánh bên lòng suốt hai mươi năm:

“Ngẫm thù lớn há đội trời chung

Căm giặc nước thề không cùng sống.

Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời.

Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối.

Quên ăn, quên ngủ, cả trong mộng cũng lo việc lấy lại nước nhà:

Những trằn trọc trong cơn mộng mị

Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi”.

Những hình ảnh “nếm mật nằm gai”, “quên ăn vì giận”, “trằn trọc trong cơn mộng mị” làm nhớ tới các gương chịu đựng gian khổ, nung nấu ý chí chiến đấu vì đại nghĩa.

Những nỗi gian nan, khó nhọc buổi đầu như thiếu người, thiếu quân, thiếu lương thảo đã thử thách tinh thần nhẫn nại, đức quý trọng hiền tài và khả năng tập hợp của Lê Lợi. Người tài như sao buổi sớm, như lá mùa thu, vôn rất hiếm, còn tấm lòng cầu mong của Lê Lợi cũng rất chân thành: “Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả”.

Bên trái là chỗ ngồi tôn quý mà Ngụy công tử Tín Lăng Quân dành để mời người gác cửa thành là Hầu Doanh cộng tác với mình. Nhưng càng chờ đợi, “người càng vắng bóng” và vai trò chủ động của minh chủ Lê Lợi càng nổi bật:

Xem thêm:  Vẻ đẹp của trang nam nhi thời Trần qua bài thơ Tỏ lòng

“Tự ta, ta phải dốc lòng, vội vã hơn cứu người chết đuối”.

Cuối cùng, người anh hùng đã tập hợp được nhân dân dưới cờ đại nghĩa của mình, tạo thành một khối đoàn kết tuyệt đẹp:

“ Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới.

Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông, chén rượu ngọt ngào”

Hình ảnh “dựng cần trúc làm cờ” nói lên tính chất cuộc khởi nghĩa của nhân dân, đứng lên vì nghĩa lớn. Hình ảnh “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” thể hiện tinh thần đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi.

Đồng thời Lê Lợi đã có một chiến lược, chiến thuật hết sức đúng đắn:

“Thế trận xuất kỉ, lấy yếu chống mạnh,

Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều”

Đoạn hai của phần bài kể về cuộc phản công thắng lợi. Đây là đoạn hào hứng, sảng khoái nhất của bài báo: Những thắng lợi liên tiếp, giòn giã, được kể ra với một giọng hả hê, tự hào. Ở đây tiếp tục xuất hiện hình tượng người lãnh tụ thao lược, hình tượng uy lực của nghĩa quân, nhưng nổi bật nhất là hình ảnh thất bại nhục nhã của quân giặc.

Tác giả không giản đơn kể lại bản tin chiến sự hay bản tổng kết chiến thắng mà còn đem lại niềm tự hào về sức mạnh chính nghĩa:

“Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật

Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”.

Lê Lợi “thay trời hành đạo”, tự cảm nhận được uy lực của nghĩa quân mạnh như uy trời, không một sức mạnh nào chống đỡ được:

“Gươm mài đá, đá núi cũng mòn

Voi uống nước, nước sông phải cạn

Đánh một trận, sạch không kình ngạc

Đánh hai trận, tan tác chim muông

Cơn gió to trút sạch lá khô

Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ”

Các hình ảnh “đá núi mòn”, “nước sông cạn”, “sạch không kình ngạc”, “tan tác chim muông”, “trút sạch lá khô”, “sụt toang đê vỡ” gợi lên một sức công phá mạnh mẽ, phi thường của nghĩa quân và sự sụp đổ không cách gì chống đỡ được của quân giặc. Đó là những ẩn dụ thể hiện quy mô vũ trụ, khổng lồ của sức mạnh chính nghĩa.

Cùng với các hình tượng khổng lồ, hùng vĩ là hình tượng về nhịp độ chiến thắng mau lẹ như “trúc chẻ tro bay” khiến địch trở tay không kịp: cách vài ngày một chiến thắng, cách vài ngày giết một tướng giặc.

Hình ảnh thất bại của quân giặc thể hiện rõ rệt nhất cho sức mạnh của quân ta. Những kẻ sông thì kinh hồn bạt vía:

“Trần Trí, Sơn Thọ nghe hai mà mất vía.

Lý An, Phương Chính nín thở cầu thoát thân”

“Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội

Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng”

Kẻ chết thì sông máu núi thây:

“Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh trôi vạn dặm

Tốt Động thây chất đầy nội, nha để ngàn năm…”

“Suối Lãnh Câu máu chảy trôi chày, nước sông nghẹn ngào tiếng khóc

Thành Đan Xá thây chất thành núi, cỏ nội dầm đìa máu đen…”

Ở đây sự thất bại của giặc cũng mang tầm cỡ vũ trụ: “Vạn dặm”, “nghìn năm”, “núi”, “sông”, “cỏ nội”.

Hình ảnh của Lê Lợi điều binh khiển tướng khẩn trương, sáng suốt, chủ động, mau lẹ, tức trí đa mưu.

Trái với kẻ thù đã “trí cùng lực kiệt”, Lê Lợi phát huy chiến thuật “mưu phạt, tâm công”. Mấy chữ này sách giáo khoa trước nay giải thích là “đánh bằng mưu trí và đánh vào lòng người, tức định vận”. Cách giải thích như vậy có chỗ sai và chưa chuẩn. Theo từ điển Từ Hải của Trung Quốc thì phạt mưu (trong bài văn viết là “mưu phạt” chỉ là cách đảo ngữ để thỏa mãn yêu cầu của đôi, đúng ra là phạt mưu), nghĩa là phá tan mưu kế giặc, còn tâm công (nguyên là công tâm, bài văn đảo lại thành “tâm công” cho phù hợp với yêu cầu của đối), nghĩa là đánh tan ý chí chiến đấu của địch. Đó là những biện pháp không dùng gươm giáo mà khiến quân địch chịu thua, hàng ngũ tan rã. Cho nên Nguyễn Trãi mới nói: “Chẳng đánh mà người chịu khuất, ta nay mưu phạt, tâm công”. Cả câu này không chỉ nói chiến thuật mà còn nói về chiến lược: Lê Lợi không muốn. dùng vũ lực để đánh, mà muốn “phạt mưu, công tâm” trước. Nhưng quân giặc thất bại cũng không biết hối cải, còn bày thêm mưu kế, chuốc tội gây oan, cho nên Lê Lợi mới đánh đuổi đến cùng. Đến đây, Lê Lợi bộc lộ một thiên tài quân sự lỗi lạc:

Xem thêm:  Phân tích vẻ đẹp con người Lão Hạc trong truyện ngắn của Nam Cao

Thừa thắng ruổi dài, Tây Kinh quân ta chiếm lại

Tuyển binh tiến đánh, Đông Đô đất cũ thu về

“Ta trước đã điều binh thủ hiểm, chặt mũi tiên phong

Ta sau lại sai tướng chẹn đường, tuyệt nguồn lương thực”

Ta đánh thắng nhưng không hiếu sát, không hiếu chiến, mà rộng lòng hiếu sinh, yêu hòa bình, lập kế lâu dài:

“Tướng giặt bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng

Thần vũ chẳng giết hại, thề lòng trời ta mở đường hiếu sinh (…)

Họ đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng

Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức”

Quân giặc được tha về vẫn còn kinh hồn, bạt vía, tạo thành âm vang lâu dài của chiến thắng vĩ đại:

“Mã Kì, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc

Vương Thông, Mã Anh phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run”.

Tóm lại, tác giả không chỉ thuật lại chiến thắng, mà chủ yếu khắc họa uy vũ của chiến thắng, tầm vóc của chiến thắng, ảnh hưởng lâu dài của chiến thắng và nhất là vẻ đẹp nhân nghĩa, trí dũng của người chiến thắng. Những đặc điểm này đem lại màu sắc anh hùng cho bài cáo.

Phần cuối cùng bày tỏ niềm tin vào nền hòa bình lâu dài của đất nước, cám ơn trời đất, tổ tiên phù hộ.

Bài Bình Ngô đại cáo không chỉ hay vì phản ánh chiến thắng oanh liệt, thể hiện tầm vóc lớn lao của tư tưởng nhân nghĩa, mà còn hay vì ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhạc điệu. Trong bài văn này, các cặp đối tề chỉnh, nhịp văn tứ lục đã phát huy tác dụng thẩm mĩ cao độ trong việc xây dựng những hình tượng kì vĩ vang mang tính chất sử thi, thấm nhuần những tình cảm lớn của dân tộc. Bình Ngô đại cáo quả là một thiên anh hùng ca bằng văn biền ngẫu.

Vanmau.edu.vn

Bài viết liên quan