Phân tích tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành (Có dàn ý chi tiết)
Tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành là một tác phẩm viết về những người anh hùng ở Tây Nguyên. Thông qua hình tượng rừng xà nu, người dân Tây Nguyên hiện lên với đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp. Qua đây, ta thêm yêu những người anh hùng Tây Nguyên.
Để giúp các em phân tích tác phẩm Rừng xà nu, Kho tàng văn mẫu sẽ hướng dẫn các em lập dàn ý phân tích tác phẩm Rừng xà nu và cung cấp thêm bài văn mẫu cho các em tham khảo.
I. Lập dàn ý phân tích tác phẩm Rừng xà nu
1. Mở bài
– Giới thiệu tác giả Nguyễn Trung Thành và tác phẩm Rừng xà nu.
– Rừng xà nu được sáng tác trong những năm mà giặc Mĩ đang ào ạt xâm chiếm nước ta.
2. Thân bài phân tích tác phẩm Rừng xà nu
a. Cốt truyện và lời kể mang tính sử thi anh hùng
– Nội dung kể về anh hùng Tnú tham gia hoạt động cách mạng. Anh bị giặc bắt, bị tra tấn dã man, vợ con anh bị giặc giết hại rồi anh bị giặc đốt 10 đầu ngón tay. Cả dân làng Xô man đã xông lên bảo vệ Tnú. Sau này, Tnú tham gia vào lực lượng giải phóng quân.
– Bối cảnh câu chuyện là cuộc đồng khởi của nhân dân Tây Nguyên. Người kể chuyện là cụ Mết.
b. Nhóm nhân vật
– Tnú: yêu quê hương và căm thù giặc sâu sắc tạo động lực cho Tnú tham gia cách mạng.
– Cụ Mết, già làng: người kể chuyện, tiêu biểu cho truyền thống của làng Xô man, là linh hồn của làng Xô man, là người khơi dậy tình yêu cách mạng cho thế hệ trẻ.
– Dít: dũng cảm, kiên cường, căm thù giặc sâu sắc.
– Bé Heng: ngày càng trưởng thành trong ý thức trách nhiệm.
=> Nhân vật anh hùng mang vẻ đẹp hào hùng.
c. Đánh giá tác phẩm
– Nội dung ngợi ca vẻ đẹp con người.
– Nghệ thuật xây dựng hình tượng rừng xà nu, hình tượng người anh hùng Tnú.
3. Kết luận
– Nêu cảm nghĩ của em về tác phẩm Rừng xà nu.
Bài viết liên quan:
>> Phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm (Có dàn ý chi tiết)
>> Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh (Có dàn ý chi tiết)
>> Phân tích bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu (Có dàn ý chi tiết)
II. Bài làm phân tích tác phẩm Rừng xà nu
Tây Nguyên là một mảnh đất giàu tính lịch sử, giàu truyền thống cách mạng. Những con người Tây Nguyên hiền lành, chất phác đã được nhà văn Nguyễn Trung Thành đưa vào trong tác phẩm của mình. Rừng xà nu mang đậm tính sử thi, chứa đựng hơi thở cuộc sống của Tây Nguyên. Thông qua hình tượng cây xà nu, Nguyễn Trung Thành đã khắc họa lên cuộc sống của những người dân Tây Nguyên đầy anh hùng.
Tác phẩm được viết trong những năm kháng chiến chống Mĩ ác liệt. Khi ấy, giặc Mĩ tàn phá đất nước ta, gây nên bao nhiêu đau thương, mất mát. Buôn làng Xô man là một nơi bị giặc Mĩ đánh phá. Mỗi ngày, có hàng trăm tên đại bác bắn về phía làng Xô man, thế nhưng rừng xà nu đã chặn lại những tên đại bác ấy. Nhờ có rừng xà nu mà làng Xô man được bảo vệ. Hình tượng rừng xà nu đã đại diện cho dân làng Xô man, cho những người anh hùng sẵn sàng hy sinh mình để bảo vệ Tổ quốc. Những cây xà nu cây nào cũng chịu hàng trăm, hàng ngàn vết cứa. Nhựa cây xà nu ứa ra như máu của người dân đổ xuống. Những cây xà nu bị gãy đôi, vài ngày sau rồi chết. Thế nhưng, bên cạnh những cây xà nu ấy bao giờ cũng có những cây con mọc lên. Cách viết này của tác giả thật ý nghĩa. Nó thể hiện sức sống mạnh mẽ của cây xà nu nhưng đồng thời cũng cho thấy sức sống của người dân Tây Nguyên. Những thế hệ trước ngã xuống sẽ lại có những thế hệ sau trưởng thành và tiếp bước truyền thống của cha anh.
Không chỉ nói về rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành còn nói về những con người anh hùng của buôn làng Tây Nguyên. Nhân vật đầu tiên phải kể đến đó chính là Tnú. Tnú là một đứa trẻ mồ côi, lớn lên trong tình yêu thương của người dân làng Xô man. Tnú đã sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng, chính vì vậy mà anh luôn tin tưởng, hết lòng vì cách mạng. Khi làm nhiệm vụ không may bị giặc bắt, Tnú nhất quyết không khai mà im lặng chấp nhận bị tra tấn. Sau này, khi bị giặc đốt cháy 10 đầu ngón tay bằng nhựa của cây xà nu, Tnú cũng không run sợ, không vì thế mà khuất phục quân thù. Ngược lại, Tnú càng vì thế mà căm thù quân giặc sâu sắc hơn. Tnú đã vùng dậy, biến ngọn lửa cháy trên 10 đầu ngón tay thành ngọn đuốc chiếu sáng cho dân làng Xô man đứng lên chống lại quân giặc. Câu chuyện về Tnú đã được cụ Mến kể lại cho rất nhiều thế hệ sau này của dân làng Xô man. Giống như sự truyền lửa của thế hệ trước cho thế hệ sau. Cụ Mến chính là đại diện cho thế hệ trước của làng Xô man, là truyền thống, là linh hồn của làng. Đại diện cho thế hệ trẻ của làng Xô man còn có Dít. Dít là một người dũng cảm và kiên cường và căm thù giặc sâu sắc. Dít nhận ra được bản chất tàn bạo của kẻ thù và đã lãnh đạo dân làng Xô man chiến đấu giải phóng buôn làng. Đại diện cho thế hệ mai sau của làng Xô man chính là bé Heng. Mặc dù còn nhỏ nhưng bé Heng cũng giúp xây dựng làng chiến đấu. Trong ý thức trách nhiệm, bé Heng ngày càng trưởng thành hơn và có ý chí chiến đấu rất cao.
Qua truyện ngắn Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành đã xây dựng thành công hình tượng cây xà nu hiên ngang, bất khuất như con người Tây Nguyên, xây dựng thành công hình tượng nhân vật Tnú đại diện cho những người anh hùng Tây Nguyên xả thân vì nước. Tác phẩm như một bản ngợi ca tinh thần bất khuất, anh dũng của những con người Tây Nguyên đứng lên giải phóng dân tộc.
Trên đây, chúng ta đã cùng nhau lập dàn ý phân tích tác phẩm Rừng xà nu và làm bài văn mẫu. Hy vọng rằng bài viết này đã cung cấp cho các em một lượng kiến thức bổ ích.
Thu Thủy