Suy nghĩ của em về bài thơ Viếng lăng Bác hay nhất


Suy nghĩ của em về bài thơ Viếng Lăng Bác

Bài làm

Khi ra đi, Hồ chủ tịch vẫn chưa hoàn thành tâm nguyện vào thăm đồng bào miền Nam lúc hòa bình lập lại. Cảm động trước tình yêu vô bờ bến ấy của Bác, Viễn Phương trở ra bắc thành kính trước anh linh của Bác, để lại một sự biết ơn và xúc động vô cùng trước con người đã dành cả cuộc đời để cống hiến cho sự nghiệp giành lấy độc lập cho dân tộc. Những dòng thơ Viễn Phương viết khi thăm lăng Bác với tựa đề “Viếng lăng Bác” như lời bày tỏ của toàn người dân miền Nam trước công ơn của Bác, đáp trả tình thương nhỏ con trước tấm lòng vĩ đại của Người.

Trong một ngày nắng tháng 4 năm 1976, một năm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, lăng Chủ tịch vừa khánh thành, Viễn Phương với lòng thành kính không cùng ra thăm miền Bắc và vào lăng viếng bác. Bài thơ “Viếng lăng Bác” được viết trong dịp đó và in trong tập thơ “Như mây mùa xuân” năm 1978.

Bài thơ mở đầu như lời bộc bạch tấm lòng thành, là lời tự sự của tác giả trong cảm xúc nghẹn ngào

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

Một cuộc viếng thăm đầy chân thực và cảm động, tác giả xưng “Con” bằng giọng nghẹn ngào ngăn dòng nước mắt. Tiếng “con” ấy xóa tan khoảng cách của một vị chủ tịch nước với nhân dân, như tiếng gọi cha thắm thiết, người đã đem lại sự sống và độc lập muôn đời cho toàn thể người dân miền Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Trong tiếng “con” là sự tôn kính tột bậc, biết ơn của nhà thơ khi Bác đã làm sống dậy cả một dân tộc, như ban cho nhà thơ sự sống thật sự thêm một lần nữa. “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”, người dân miền Nam vẫn yêu thương và kính trọng Bác như tình cảm Bác dành cho chúng con. Đó như một lời bày tỏ, muốn nói rằng cho dù tâm nguyện của Bác chưa hoàn thành thì nơi đây sẽ là chốn nhân dân miền Nam đến để gặp được Bác.

Xem thêm:  Phân tích truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam

Hình ảnh đầu tiên khi Viễn Phương đến thăm lăng, đó là “hàng tre bát ngát” ẩn mình trong sương. Một không gian thanh vắng và yên tĩnh ru êm cho giấc ngủ của người. Ấy phải chăng là bóng dáng lớp lớp lũy tre làng bao đời chở che cho người dân Việt, giờ đây lại yên bình trở về ấp ôm giấc ngủ của Bác Hồ. Từ láy “bát ngát” như tạo nên những rặng tre nối tiếp nhau vô biên, tầng tầng lớp lớp vây quanh lăng tựa hồ màu áo của các chú bộ đội đang canh gác giấc ngủ cho Người. Từ cảm thán “Ôi” kết hợp với từ láy “xanh xanh” và từ Việt Nam ở cuối câu thơ, như bộc lộ niềm tự hào trước một biểu tượng kiên trung, dũng cảm và gan góc của dân tộc, cây tre xanh tự bao giờ. Cũng bởi “Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng” như lời khẳng định tinh thần bất khuất của dân tộc, sự tôn vinh với Bác không thể nào lay chuyển. Hơn thế, ý thơ còn là sự cảm phục, trân trọng của nhà thơ trước tình cảm mà muôn dân dành cho Bác, khiến cho vẻ đẹp của hàng tre trở nên bất diệt và vĩ đại hơn bao giờ hết.

Theo dòng người cung kính nghiêm trang, Viễn Phương vào lăng viếng Bác Hồ, một sự cảm động trào dâng, niềm kính yêu và trân trọng vô cùng

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân

Điệp từ “ngày ngày” lặp lại hai lần mở ra sự tuần hoàn của thời gian, thiên nhiên và vũ trụ. “Mặt trời” trên cao kia, nguồn sáng và sự sống của vạn vật, làm cây cối đâm chồi, muôn hoa nảy nở lúc nào cũng xuất hiện ở đầu ngày mới, rực rỡ và vĩ đại đến thế. Nhưng dường như câu thơ “Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ” là sự bày tỏ lòng ngưỡng mộ của tạo hóa với Bác Hồ. Mặt trời trên cao kia vốn là chúa tể vạn vật nhưng lại nhìn được một “mặt trời” khác “rất đỏ” đang tỏa sáng trong lăng đó chính là Bác Hồ. Nghệ thuật nhân hóa, hình ảnh hoán dụ độc đáo sử dụng trong câu thơ đã trực tiếp bày tỏ lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ, thành kính với Bác Hồ. Bác đã đem lại ánh sáng cho một dân tộc chìm trong tăm tối chịu lấy gông xiềng, Bác đã khiến cho chúng ta được sống một cuộc sống thật sự là chúng ta, không phải khép nép, luồn cúi, chịu nhục trước quân thù.

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về biến đổi khí hậu- Văn 9

suy nghi cua em ve bai tho vieng lang bac hay nhat - Suy nghĩ của em về bài thơ Viếng lăng Bác hay nhất

Suy nghĩ của em về bài thơ Viếng lăng Bác

Cũng bởi công ơn ấy của Bác mà dòng người hàng ngày như trải dài vô tận, những bông hoa nhờ ơn Bác mà trưởng thành, này nở, vẫn luôn nhớ mong và cảm động trước công lao trời bể của người. Từng dòng người kéo dài muôn trùng, như những “tràng hoa” với biết bao thương nhớ dâng lên Bác kính yêu. Hình ảnh ẩn dụ “Bảy mươi chín mùa xuân” không chỉ là tuổi đời của Bác, đó còn là những năm tháng người hết sức cống hiến cho nước nhà, cho dân tộc, cho người dân Việt Nam.

Gặp được Bác Hồ, Viễn Phương hết lòng xót xa, không kìm nổi sự xúc động nghẹn lời

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.

Người đã ngủ, một giấc ngủ thiên thu không còn tỉnh lại nữa. Người nằm đấy, an lành và tự tại. Bầu bạn bên cạnh Bác Hồ, Viễn Phương nhớ tới vầng trăng. Có thể đó là những ánh đèn dịu dàng vây quanh Bác, là vầng trăng đã theo người suốt đời trong những năm tháng ngục tù, thi ca và nơi chiến khu, đó cũng có thể là Bác, người đã hóa thành bất tử và thanh cao. Nhà thơ bồi hồi xúc động, bày tỏ trực tiếp sự đau thương như mất đi máu thịt “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi – Mà sao nghe nhói ở trong tim”. “Trời xanh” ấy, là hình ảnh ẩn dụ bất tử hóa Bác Hồ, có thể tim người không đập, hơi thở người đã hóa thinh không nhưng những việc người làm, những hy sinh của người đã trở thành sự vĩnh viễn, sáng bừng như bầu trời vẫn mãi trong xanh. Biết rằng điều còn sống ở đời luôn là đẹp nhất nhưng vẫn thấy đau lòng và mất mát khi Bác đã xa rời đồng bào, chưa kịp gặp được nhân dân miền Nam. Một từ “nhói” ấy thôi như bộc bạch nỗi đau đớn chẳng khác gì hàng ngàn hàng vạn mũi kim âm ỉ trong lòng, khó mà hết được. Điều đó chứng tỏ tình cảm của Viễn Phương với Bác vô cùng sâu nặng, như đứa con đã mất đi người cha ruột thịt, không có từ nào có thể diễn tả hết.

Xem thêm:  Tưởng tượng về một miền quê trong một bức thư của bạn

Trong nỗi đau thương xúc động ấy, Viễn Phương bày tỏ ước muốn được kề bên Bác Hồ

Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

Mai mốt thôi Viễn Phương trở về Nam, khoảnh khắc được gặp Bác nghĩ đến lúc rời xa khiến lòng người không cầm nổi nước mắt. Điệp từ “muốn” ba lần lặp lại thể hiện sự rung cảm sâu sắc, khát khao mong mỏi được làm “một con chim”, “một đóa hoa”, “một cây tre” làm đẹp thêm nơi Bác yên nghỉ, canh giữ sự bình yên cho Bác. Làm “tiếng hót” thêm phần rộn rã cho khuôn viên, làm “hương thơm” ru yên giấc ngủ, làm “cây tre” canh giữ nơi bác an nghỉ. Đó là khát khao hóa thân bày tỏ tấm lòng trung hiếu, được đền đáp công ơn trời bể mà Bác đã dành cho con dân Việt Nam.

Những dòng thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương hiện lên nhẹ nhàng, trầm lắng, mang một sự xúc động và thành kính vô cùng đã bày tỏ chân thực tấm lòng cũng như tình cảm của người con phương xa vượt ngàn dặm xa xôi đến viếng thăm vị cha già kính yêu của dân tộc. Bác ra đi nhưng nước non Việt Nam Bác để lại, hơi ấm của một người cha vẫn còn nguyên vẹn để con cháu đời đời ghi nhớ và tri ân.

Ngọc Huyền.

Bài viết liên quan