Bình giảng bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão


Đề bài: Bình giảng bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão

Bài làm

Phạm Ngũ Lão không chỉ là một danh tướng tài ba đối với đất nước, mà ông còn là một tác giả sáng tác rất nhiều những tác phẩm có ý nghĩa sâu sắc dành cho dân tộc. Trong đó, bài thơ “ Tỏ lòng” là một tác phẩm nổi tiếng của ông về khát vọng tự do, khát vọng được làm chủ bản thân, được là chính mình cũng như mong mỏi giành được độc lập tự do của những người trẻ, những đấng nam nhi cùng chung chí hướng.

“ Tỏ lòng” là bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán, với bố cục rõ ràng, chặt chẽ. Chỉ qua bốn câu thơ nhưng cũng nói lên được ý chữ cũng như lý tưởng sống của nhà thơ. Mở đầu bài thơ là câu thơ:

” Múa giáo non sông trải mấy thu”.

Chiến tranh thuở xưa không thể thiếu hình ảnh cây giáo, một hình ảnh gợi lên sự mất mát và tàn khốc. Từ xa xưa, dân tộc ta đã phải trải qua không biết bao nhiêu lần đau thương, chịu bao mất mát, hy sinh cả máu và nước mắt để giành lại độc lập dân tộc. Đọc câu thơ, ta thấy được một phong thái mãnh mẽ của người ra trận. Sự uyển chuyển múa giáo, dù mềm mại nhưng vẫn có sự dứt khoát, oai phong. Việc đó không chỉ trải qua ở một giai đoạn, một thời điểm, mà là “ trải mấy thu”. Đó là khoảng thời gian không thể đo đếm được, nhưng phần nào đó đã lột tả rõ được cốt cách cũng như khí chất của người anh hùng thời chiến.

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về thói vô trách nhiệm

” Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”.

Tác giả đã khắc họa phong thái, khí chất của người anh hùng ra trận ở câu thơ đầu tiên. Đến câu thơ thứ hai, tác giả lại khuấy lên không khí, ý chí chiến đấu sục sôi, dũng mãnh của cả dân tộc. Từng đoàn quân ra trận như một trần cuồng phong có thể nuốt trôi trâu. Hình ảnh “ nuốt trôi trâu” là hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng cho sức mạnh phi thường, không gì có thể đánh bại được.

Hai câu thơ với giọng thơ mạnh mẽ, dứt khoát, làm bật lên hình tượng những người anh hùng ra trận trong thời kỳ đất nước lâm nguy.

Đến hai câu thơ cuối, quan điểm và lý tưởng sống của đấng nam nhi đã được tác giả bày tỏ:

” Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn khi nghe chuyện vũ hầu”.

Sinh ra là đấng nam nhi, sống cần phải có ý chí, có tham vọng và ước mơ. Cho dù có gặp bao nhiêu khó khăn, sự vất vả, đau thương đến đâu cũng phải dũng cảm đứng lên để phấn đấu. Và một trong những động lực để đấng nam nhi phấn đấu chính là công danh. Đã là nam nhi thì phải có công danh, có sự nghiệp vẻ vang. Ở đây, Phạm Ngũ Lão đã dùng hình ảnh Vũ Hầu( Khổng Minh) để nói đến chí khí, cũng như sự tài ba của người anh hùng trong thiên hạ.

Xem thêm:  Khuynh hướng sử thi trong truyện ngắn Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành).

Trong câu thơ, Phạm Ngũ Lão nhắc đến chữ “ nợ”, nợ ở đây có lẽ chính là nợ nước, nợ dân, cũng như nợ chính bản thân mình. Ở hoàn cảnh khi đất nước chưa thống nhất, dân chúng vẫn đang trong cảnh lầm than thì người anh hùng cảm thấy hổ thẹn, thấy có lỗi với những bậc thánh nhân trong lịch sử. Tư tưởng của Phạm Ngũ Lão là tư tưởng rất tiến bộ, rất văn minh, cần phải được tuyên truyền và phát huy để răn dạy thế hệ sau.

“ Tỏ lòng” là bài thơ giãi bày tâm tư, nguyện vọng cũng như lý tưởng của những đấng nam nhi trong xã hội dù là thời xưa hay thời nay. Nhân cách, tâm hồn của Phạm Ngũ Lão thật cao đẹp và đầy chí khí, cũng như tài năng của ông xứng đáng được ca ngợi đến muôn đời sau.

Nguồn: Tài liệu trực tuyến

Bài viết liên quan