Hướng dẫn cảm thụ văn học bài Chú chim sẻ và bông hoa bằng lăng – Tiếng việt 3.


Hướng dẫn cảm thụ văn học bài Chú chim sẻ và bông hoa bằng lăng – Tiếng việt 3.

Hướng dẫn

Chú chim sẻ và bông hoa bằng lăng

Ở gần tổ của một chú sẻ non đang tập bay có một cây bằng lăng. Mùa hoa này, bằng lăng nở hoa mà không vui vì bé Thơ, bạn của cây, phải nằm viện, sẻ non biết bằng lăng đã giữ lại một bông hoa cuối cùng để đợi bé Thơ.

Sáng hôm ấy, bé Thơ về, bông bằng lăng cuối cùng đã nở. Nhưng bông hoa lại nở cao hơn cửa sổ nên bé không nhìn thấy nó. Bé cứ ngỡ là mùa hoa đã qua.

Sẻ non rất yêu bằng lăng và bé Thơ. Nó muốn giúp bông hoa. Nó chắp cánh, bay vù về phía cành bằng lăng mảnh mai. Nó nhìn kĩ cành hoa rồi đáp xuống. Cành hoa chao qua, chao lại. Sẻ non cố đứng vững. Thế là bông hoa chúc hẳn xuống, lọt vào khuôn cửa sổ.

Lập tức, sẻ nghe thấy tiếng reo từ trong gian phòng tràn ngập ánh nắng:

– Ôi, đẹp quá! Sao lại có bông bằng lăng nở muộn thế kia?

Cách đọc

Đọc bài với giọng kể chậm, nhẹ nhàng ở đoạn 1 và 2. Đoạn 3 đọc với giọng hồi hộp. Đoạn 4 đọc với giọng nhanh, vui, như một tiếng reo, ngạc nhiên, thích thú. Chú ý nghỉ hơi đúng, đọc đúng các câu hỏi, câu cảm.

Xem thêm:  Kể lại một trận thi đấu cầu lông

Gợi ý cảm thụ

Phạm Hổ là nhà văn của thiếu nhi. Thơ văn Phạm Hổ hấp dẫn người đọc trước hết ở sự hồn nhiên và lòng nhân ái. Truyện Chú sẻ và bông hoa bằng lăng được viết với cái nhìn ấm áp và nhân hậu, nhà văn coi tất cả thế giới vạn vật xung quanh đều là bầu bạn của trẻ thơ.

Câu chuyện có ba nhân vật: chú sẻ non, cây bằng lăng và bé Thơ, bạn của cây. Các nhân vật được đặt trong tình huống sau: chú sẻ non đang tập bay, chú sẻ rất yêu quý cây bằng lăng và bé Thơ ; bé Thơ phải nằm viện ; còn cây hoa bằng lăng đang cố giữ lại bông hoa cuối cùng để chờ bé Thơ trở về nhà.

Câu văn mở đầu giới thiệu hai người bạn của bé Thơ: “Ở gần tổ của một chú sẻ non đang tập bay có một cây bằng lăng”. Hai người bạn vì yêu quý bé Thơ nên mỗi bạn đều cố gắng làm một việc tốt để đem lại niềm vui cho bé, nhất là khi bé bị ốm, phải nằm viện.

Bằng lăng giữ lại một bông hoa cuối cùng để đợi bé Thơ. Chú sẻ non tìm mọi cách để bông hoa có thể lọt vào khuôn cửa sổ cho bé Thơ nhìn thấy. Cả hai không ai bảo ai, đều hết lòng theo cách của mình để dành tặng món quà tinh thần đầy ý nghĩa cho cô bé.

Xem thêm:  Cảm nhận về bài Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương

Với lối kể chuyện giản dị, sự cảm nhận tinh tế, nghệ thuật nhân hoá rất đặc sắc, nhà văn Phạm Hổ đã kể lại câu chuyện rất thật mà lạ. Dưới cách nhìn của nhà văn, một khung cửa sổ trong ngôi nhà của em bé cũng trở nên tươi mới, bừng sáng và thật thân thiện, sẻ non vừa nâng niu đoá hoa vừa cố gắng để cành hoa “chao đi chao lại”, bông hoa “chúc hẳn xuống, lọt vào khuôn cửa sổ”, sẻ non bay chưa vững nhưng đã dũng cảm đáp xuống cành hoa để giúp hai bạn của mình. Tiếng reo vui thích thú của bé Thơ là điều tuyệt vời nhất để cảm ơn lòng tốt của chú sẻ và bông hoa, vẻ đẹp giản dị của đoá hoa đã làm bé vui sướng và đầy ngạc nhiên: “Sao lại có bông hoa nở muộn thế kia?”. Tiếng reo vang lên trong một căn phòng tràn ngập ánh nắng, niềm vui cũng làm sáng bừng cả không gian.

Bé Thơ có hai người bạn tốt, có tấm lòng thật đáng quý. Cả bé Thơ cũng là người bạn đáng yêu vô cùng vì bé Thơ biết yêu hoa, không phụ lòng tốt của cây bằng lăng và chú sẻ non.

Mẩu chuyện nhỏ ẩn chứa cái nhìn nhân hậu của nhà văn Phạm Hổ. Nhà văn vừa nâng niu từng ý nghĩ, tình cảm, hành động của nhân vật vừa nâng niu từng câu, từng chữ trong sáng tác của mình. Lời văn nhẹ nhàng, tươi vui, ngộ nghĩnh, từng câu chữ như những bậc thang tạo thành chiếc cầu nối giữa trẻ thơ với thế giới xung quanh. Câu chuyện của chú sẻ non, cây hoa bằng lăng và bé Thơ đã hướng chúng ta tới những tình cảm trong sáng đầy thân ái giữa con người với thiên nhiên, giữa thiên nhiên với trẻ thơ. Thiên nhiên chính là chiếc nôi nuôi dưỡng tâm hồn con người từ lúc thơ ấu cho đến suốt cuộc đời

Xem thêm:  Trình bày quan điểm của anh (chị) về tình yêu tuổi học trò.

XEM THÊM BÀI 7: QUẠT CHO BÀ NGỦ – TẠI ĐÂY

Tags:Văn 3

Theo Khotangvan.com

Bài viết liên quan