Kể về ông ngoại của em


Đề bài: Kể về ông ngoại của em

Ông ngoại em là sĩ quan quân đội về hưu với hàm đại tá. Gần như suốt cuộc đời, ông xa nhà, giờ đây mới có điều kiện được chung sống với gia đình. Ông em rất vui vì được ở nhà với đàn cháu thân yêu.

Ông em năm nay trạc sáu mươi tuổi, dáng người vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Ngày nào cũng vậy, cứ tang tảng sáng là ông em dẫn đầu "nửa tiểu đội" cháu ngoại nội chạy dọc con đường làng dẫn ra cánh đồng để hít thở không khí trong lành. Gió sớm mát lộng, bầu trời quang đãng. Em khoan khoái hít căng lồng ngực hương vị quen thuộc của đất đai, cây cỏ quê hương. Tập thể dục buổi sáng xong, ông nhắc nhở các cháu đánh răng rửa mặt, ăn sáng và thay quần áo, chuẩn bị đến trường. Nhìn đàn cháu ngoan, lễ phép khoanh tay cúi đầu đồng thanh cất tiếng chào, ông em sung sướng lắm, mỉm cười chào lại chúng em: "Các cháu nhớ học ngoan nhé!". Em rất thích tác phong làm việc nhanh nhẹn, dứt khoát của ông. Trước khi làm bất cứ việc gì, ông đều cân nhắc kỹ. Ông thường bảo: "Làm việc cũng như đánh trận ấy các cháu ạ. Phải xem xét cẩn thận, tìm ra cách thực hiện nhanh nhất và có hiệu quả nhất." Ông nói được, làm được và rèn luyện cho đàn cháu nề nếp ấy. Từ ngày ông về, ngôi nhà khang trang, sáng sủa hẳn lên, đồ đạc được sắp xếp gọn gàng đâu vào đấy. Không còn cảnh giày dép, đồ chơi, sách vở bạ đâu vứt đấy bừa bãi như trước đây. Bàn tay của ông chai sần, thô ráp, hơi nhăn nheo nhưng ấm áp lạ thường. Ông dạy chúng em lòng tự trọng và tính tự lập. Có lần ông bảo: "Đã là người thì phải có ý chí, không được ngại gian khổ, càng khó càng phải làm bằng được".

Xem thêm:  Phân tích đoạn trích Trong lòng mẹ

Em quý nhất ở ông em là thái độ tôn trọng mọi người trong gia đình. Có việc gì không vừa ý, ông bình tĩnh phân tích chứ không la lối, chửi bới. Bởi thế nên dù tính ông nghiêm khắc mà vẫn dễ gần, từ vợ con đến hàng xóm láng giềng đều nể phục. Cứ nghe những lời ông nói, nhìn những việc ông làm, em học được rất nhiều điều hay, điều tốt. Mặc dù gắn bó với môi trường quân đội gần bốn mươi năm nhưng ông em vẫn giữ nguyên bản chất của người nông dân chất phác, thật thà, cần cù, chăm chỉ. Mọi việc lớn nhỏ, ông chẳng nề hà vất vả. Khu vườn nhà em dạo trước chỉ có dăm ba cây ổi, cây táo cằn cỗi, bây giờ đã xanh tốt với những dãy chuối, bưởi, cam, nhãn, vải…Mùa nào thức ấy, trong nhà em lúc nào cũng có hoa quả tươi mới, ngọt ngào. Đó là do công sức của ông đổ ra mấy năm nay. Ông em thích mang lại niềm vui cho mọi người. Đặc biệt, ông em rất yêu thích cây cảnh. Chúng em thường hay ra vườn xem ông làm việc. Đôi tay khéo léo, tài hoa của ông uốn từng nhánh cây, tỉa từng chiếc lá, nâng niu, vun xới từng gốc hoa. Ông giải thích cặn kẽ cho chúng em hiểu ý nghĩa sâu xa chứa đựng trong mỗi hình dáng mà ông mất bao công phu để tạo nên. Cây si bon sai đặt trong chiếc khay gốm hình bầu dục có năm tầng lá so le, ông bảo rằng tượng trưng cho năm điều cốt yếu trong đạo làm người là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Hai gốc đinh lăng, gốc cao gốc thấp, ông tỉa thành dáng phụ tử tình thâm. Mấy cây đào bích có thế rồng bay phượng múa…Thật thích thú biết bao khi em được ông cầm tay, dạy cho cách uốn những sợi dây thép vô tri thành hình những chú nai, chú hươu xinh xắn, để làm khung cho cây mọc theo ý muốn của người trồng. Ông bảo em rằng, nghề nào cũng đòi hỏi con người chúng ta phải kiên trì, chịu khó, nhẫn nại, nhất là làm vườn thì đặc biệt phải yêu mến thiên nhiên, dễ dàng rung động trước cảnh vật. Em thích được nghe ông giải thích ý nghĩa một số loài cây, loài hoa quý như tùng, cúc, trúc, mai, sen, bởi nó tượng trưng cho cốt cách thanh cao, khí tiết hiên ngang và quan niệm sống trong sạch của bậc chí nhân quân tử. Mỗi tháng, hội cựu chiến binh của xã lại họp ở nhà em một lần vì ông em là chủ tịch hội. Gặp gỡ nhau, các ông thường nhắc đến những kỉ niệm vui buồn thời chiến tranh, đến những người đồng đội đã hi sinh bằng giọng bùi ngùi, xúc động. Em không thể hình dung ra được người ông giản dị, hiền hậu của em cách đây gần ba mươi năm đã từng là tiểu đoàn trưởng của một cách quân từ miền Đông Nam Bộ tấn công vào giải phóng Sài Gòn. Ngày lễ tết, ông lấy bộ quân phục mới nhất ra mặc, huy chương cài đầy trên ngực, trông oai phong lắm. Được đi bên ông, em không giấu nổi vẻ hãnh diện, tự hào trước đám bạn cùng xóm, cùng trường. Em ước sau này trưởng thành cũng được vào trường quân đội, được cầm súng bảo vệ Tổ quốc, sẽ in dấu chân trên mọi miền đất nước như ông ngoại của em. Không thể kể hết những kỉ niệm vui buồn về tình ông cháu. Rất giản dị, tự nhiên, ông đã truyền cho chúng em ngọn lửa đam mê cuộc sống và những bài học quý báu trên cuộc đời.

Xem thêm:  Đóng vai Bà lão hàng xóm kể lại đoạn trích Tức Nước Vỡ Bờ

Chúng em rất yêu quý ông ngoại, nên tự hứa với bản thân sẽ luôn cố gắng chăm học, chăm làm để gia đình được vui lòng. Được sống cùng ông, với em đó là một điều rất hạnh phúc trong đời này.

Nguồn: Tài liệu văn mẫu

Bài viết liên quan