Phân tích bài ca dao Con cò mà đi ăn đêm


Đề bài: Em hãy phân tích bài ca dao “Con cò mà đi ăn đêm”.

Bài làm

Những lời ru của mẹ “Con cò bay lả bay la…” bên nôi tự lúc nào đã nuôi lớn tâm hồn ta. Lớn lên, khi cắp sách tới trường ta gặp lại hình ảnh con cò trên những trang sách:

“Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.

Ông ơi! ông vớt tôi nao,

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.

Có xáo thì xáo nước trong,

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.”

Bài ca dao “Con cò mà đi ăn đêm” trên đây đã mượn tiếng kêu thương của con cò khi lâm nạn để nói về phẩm chất đáng quý của người lao động Việt Nam.

Ca dao là thể loại văn học dân gian – một mảng văn học lớn, làm nên diện mạo lịch sử văn học Việt Nam. Tác giả của các bài ca dao là nhân dân lao động do đó hình ảnh rất gần gũi, lời thơ dung dị, đời thường, gần với văn nói hay lời ca. Mỗi bài ca dao lại gửi gắm một lời thủ thỉ, lời răn dạy của cha ông cho con cháu mình. Ca dao được phổ biến bằng cách truyền miệng vì thế thường có nhiều biến tấu.

Bài thơ “Con cò mà đi ăn đêm” mượn hình ảnh con cò đề nói về số phận và tâm hồn của con người lao động Việt Nam.

Xem thêm:  Bình luận về tinh thần dũng cảm

Hai câu thơ đầu là hình ảnh con cò đi kiếm mồi:

“Con cò mà đi ăn đêm”

Thông thường, loài cò chỉ đi kiếm ăn ban ngày nhưng trong bài ca dao này lại ngược lại. Do thức ăn khan hiếm nên kiếm ăn ban ngày chưa đủ, cò phải đi kiếm ăn cả ban đêm. Cò luôn được con người đưa vào thơ ca gắn liền với sự khó nhọc: “cốc mò cò xơi”… Cò gắn liền với người nông dân. Do đó, cò trở thành biểu tượng của người nông dân Việt Nam vất vả, nhọc nhằn nhưng chịu thương chịu khó. Hình ảnh con cò đi kiếm ăn buổi đêm còn gợi ta nhớ tới bài thơ “Thương vợ” của Tú Xương:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.

Cò kiếm ăn vất vả là thế, nhưng tai nạn lúc nào cũng có thể xảy đến. Trong bài ca dao, cò không may gặp nạn:

“Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.”

“Đậu cành mềm” không phải là vô ý. Bởi muốn có “miếng ăn” cò phải sa thân vào nơi nguy hiểm mới mong kiếm được thức ăn. Tai nạn “lộn cổ” vừa có nét hài hước lại vừa xót xa quá. Từ “lộn cổ” rất gần với văn nói, thể hiện trạng thái không làm chủ, bất ngờ rơi vào hiểm cảnh.

Cò chỉ còn biết kêu cứu, bấu víu vào mọi thứ có thể để được sống:

Xem thêm:  Em hãy giới thiệu tác gia Nguyễn Trãi

“Ông ơi! ông vớt tôi nao

“Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.”

Câu thơ sử dụng biện pháp nhân hóa. Cò kêu cứu một cách khẩn thiết. Thế nhưng câu kêu cứu lại kết thúc bằng thanh bằng (“nao”) cho thấy giọng thơ đi xuống, như dần tuyệt vọng. Nhân vật “ông” ở đây là một ai đó không xác định. Là người giăng bẫy? Người qua đường? Hay người có quyền uy? Hay chính tác giả? Ta không biết, ta chỉ biết sẽ không dễ dàng để người đó cứu thoát cò. Bản thân nó hiểu điều đó, vì thế nó phải trả giá. Cũng như trong xã hội nhiễu nhương, phải cho người ta cái lợi ích gì đó thì người ta mới giúp mình. Từ “ông” được nhắc lại đến ba lần để đề cao nhân vật. Còn từ tôi được điệp lại hai lần như một nốt nhấn bi thảm cho bài ca dao. Nếu “ông” ở đây là tác giả – nhân dân thì “ông” đang đi đâu đây, vào giữa đêm khuya vắng thế này? Chả lẽ “ông” – nhân dân cũng đang lặn lội như cò kia kiếm ăn hay sao?

phan tich bai ca dao con co ma di an dem - Phân tích bài ca dao Con cò mà đi ăn đêm
Em hãy phân tích bài ca dao “Con cò mà đi ăn đêm”

Trong thực tế, khi người dân làm thịt cò, thường nấu sáo măng vì như vậy thịt cò sẽ thơm, không bị tanh. Lời khẩn cầu của cò hóa ra không phải vì sự sống mà vì tấm lòng trong sạch của mình. Rõ ràng cò không màng tới sự chết mà nó muốn đem cái chết để chứng minh cho cho tấm lòng trong sạch.  

Xem thêm:  Cảm nghĩ về thiên nhiên và đời sống của con người trong thời khắc chuyển mùa sang xuân

“Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.”

Nếu được lựa chọn cò xin được chết ở nơi nước trong chứ không muốn chết ở nơi nước đục. Người lao động Việt Nam cũng vậy, tuy sống trong cuộc đời lam lũ, bùn lầy lấm lem nhưng họ vẫn muốn được sống thanh cao. Giống như câu tục ngữ xưa: “Chết vinh còn hơn sống nhục”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”… Thân phận và phẩm chất của cò khác gì đâu những những anh Pha, chị Dậu, Lão Hạc, những Điền, những Thứ, những Hộ… Họ sống cuộc đời bần hàn, cơ cực đôi lúc tưởng như biến chất trước “nỗi lo cơm áo gạo tiền” song trước ranh giới cái xấu xa, tha hóa với cái nhân ái, nghĩa tình họ luôn chọn điều thứ hai.

Qua bài thơ “Con cò mà đi ăn đêm” đã thể hiện rất thành công thân phận con cò biểu tượng cho hình ảnh người lao động Việt Nam tuy vất vả, lam lũ song luôn khao khát sống một cuộc đời thanh cao, trong sạch. Đó là triết lý nhân sinh sâu sắc mà ông cha muốn truyền đạt lại cho con cháu mai sau.

Bài ca dao đến nay vẫn còn nguyên giá trị của nó, nhất là đối với các bạn trẻ.

Hoài Lê

Bài viết liên quan