Phân tích bài thơ Khi con tu hú của Tố Hữu


Phân tích bài thơ Khi con tu hú của Tố Hữu

Bài làm

Trong nền văn học Việt Nam, Tố Hữu là một gương mặt nổi bật đại diện cho dòng văn học cách mạng. Những tác phẩm của ông luôn thể hiện sự quyện hòa của tâm hồn người chiến sĩ và người nghệ sĩ, giữa chất chính trị và chất trữ tình. “Khi con tu hú” là một trong những bài thơ thể hiện rõ điều này. Tác phẩm được sáng tác vào năm 1939, trong khoảng thời gian tác giả bị giam cầm tại nhà giam Thừa Phủ- Huế. Bài thơ đã thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu sự sống và khát vọng tự do của người nghệ sĩ trong hoàn cảnh bị giam cầm.

Nhan đề “Khi con tu hú” đã gợi mở ra thời gian nghệ thuật của bài thơ. Tiếng chim tu hú báo hiệu mùa hè về, nhưng đồng thời cũng gợi lên trong tâm hồn người thi sĩ rất nhiều xúc cảm. Trước hết đó là cảm nhận về sự thay đổi, biến chuyển của đất trời khi hè về:

“Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không…”

Ở sáu câu thơ mở đầu bài thơ, tác giả đã phác họa bức tranh thiên nhiên vừa có âm thanh vừa có hình ảnh. Cảnh vật được miêu tả ở trạng thái “động”: lúa thì “đang chín” và trái cây “ngọt dần” cho thấy sự tinh tế trong tâm hồn người nghệ sĩ. Nếu như miêu tả thiên nhiên ở trạng thái “tĩnh”: lúa đã chín và trái cây đang ngọt thì bức tranh thiên nhiên sẽ không có được sự sinh động. Và khung cảnh lúc hè về được bổ sung thêm với tiếng ve ngân và sắc vàng của bắp, của nắng. Bầu trời vì thế mà trở nên cao hơn, rộng hơn và xanh hơn. Thời gian luôn vận động với âm thanh của tiếng chim tu hú, tiếng ve ngân, còn không gian được mở rộng về biên độ với những sắc vàng của nắng và sắc xanh của bầu trời. Tác giả đã vận dụng mọi giác quan để cảm nhận sự biến chuyển của đất trời vào mùa hè. Hình ảnh “Đôi con diều sáo lộn nhào từng không” xuất hiện giữa không gian rộng lớn gợi lên cảm nhận về sự tung hoành và sự tự do. Điều này càng trở nên có ý nghĩa hơn khi mà tác giả đang sống trong cảnh giam cầm. Như vậy, ở sáu câu thơ đầu, bằng việc sử dụng biện pháp liệt kê cùng những hình ảnh gần gũi, chân thực, tác giả đã xây dựng bức tranh thiên nhiên vừa có âm thanh lẫn hình ảnh, thể hiện rõ sự tinh tế trong tâm hồn cùng tình yêu thiên nhiên. Trên phông nền đó, bức tranh tâm trạng đã được làm nổi bật:

Xem thêm:  Tả về một người thân của em

“Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi.
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!”

Bức tranh thiên nhiên càng sinh động, đầy sức sống thì tâm hồn nhà thơ càng trở nên ngột ngạt. Nghệ thuật chuyển đổi cảm giác cho thấy mùa hè đã được “nghe” bằng mọi giác quan, và tác giả đã nắm bắt hết mọi chuyển biến của đất trời. Trong hoàn cảnh ngục tù, sự vẫy gọi của những thanh âm, những màu sắc ngoài song sắt khiến tác giả cảm thấy ngột ngạt. Khát vọng tự do được đẩy lên kịch điểm khi “Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu”. Tiếng chim tu hú là âm thanh xuất hiện ở đầu và cuối bài thơ. Ban đầu nó là thanh âm báo hiệu mùa hè đến và kết thúc nó trở thành tiếng gọi làm trỗi dậy khát vọng tự do trong lòng nhà thơ. Sự xuất hiện liên tục của những từ ngữ cảm thán như “ôi”, “làm sao”, “thôi”,… đã diễn tả thành công cảm giác u uất, khát vọng tự do đang bùng cháy trong tâm hồn nhà thơ.

Như vậy, bài thơ “Khi con tu hú” đã thể hiện rõ tình yêu thiên nhiên cũng như cảm giác u uất, khát vọng tự do của người chiến sĩ cách mạng. Bằng thể thơ dân tộc lục bát, sử dụng những hình ảnh thơ gần gũi, chân thực mà giàu sức gợi cảm, lời thơ tự nhiên, bài thơ đã thể hiện rõ vẻ đẹp tâm hồn của người nghệ sĩ yêu thiên nhiên, đồng thời cũng là người chiến sĩ cộng sản giàu lòng yêu nước.

Bài viết liên quan