Phân tích bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên


Phân tích bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên

Hướng dẫn

Phân tích bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên

Tiết trời gần vào độ cuối đông. Ở các làng hoa Nhật Tân, Quảng Bá nhiều cành đào đã lấm tấm nụ. Những người trồng hoa đang tìm cách hãm cho đào ấp nụ lâu để chờ dịp Tết. Giữa việc làm ấy của người trồng hoa đào bây giờ với chuyện “vẫn ngồi đấy” kiên nhẫn của ông đồ già “muôn năm cũ” có gì giống nhau chăng? Vì kế mưu sinh, con người ta quá thừa kiên nhẫn. Nhưng ai mà chế ngự được thời gian, chiến thắng được quy luật vần xoay của tạo hóa. Muộn chút thôi, rồi đào nở. Gượng sức tàn, rồi ông đồ cũng phải rút lui vào hậu trường của xã hội. Vũ trụ và lịch sử cứ thản nhiên thực hiện cái quy luật sinh thành và đào thải khôn cùng. Nhưng lòng người không thể không xót xa, ngậm ngùi và chẳng thể dửng dưng khi đọc những hoài cổ tha thiết của Vũ Đình Liên qua Ông đồ.

Vũ Đình Liên sinh năm 1913, là nhà thơ, nhà giáo từng giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Ông tham gia phong trào Thơ mới từ những ngày đầu, ông viết không nhiều nhưng Ông đồ là một trong những bài thơ nổi tiếng của Thơ mới. Viết bài Ông đồ, nhà thơ đã thể hiện niềm thương cảm chân thành đối với một lớp người tài – tình sinh bất phùng thời đang tàn tạ, đồng thời xót thương, tiếc nhớ những cảnh cũ người xưa…

Thi phẩm có năm khổ thơ, mỗi khổ bốn câu, mỗi câu năm chữ thật xinh xắn. Hai khổ đầu miêu tả lại khung cảnh mùa xuân trước đây, khi ông đồ còn được tôn vinh:

Xem thêm:  Soạn bài ông Đồ

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già”

Hoa đào và ông đồ đã thành hai hình ảnh sóng đôi trong không khí đông vui náo nức của ngày Tết qua cặp từ liên kết “mỗi năm-lại thấy”. Từ chỉ lượng không xác định “bao nhiêu” và từ láy “tấm tắc” vừa thể hiện sự tôn kính, trọng vọng ông đồ, vừa nói lên sự quan tâm, ưu ái chữ Nho của cộng đồng người Việt ngày xưa.

Tuy nhiên, ở khổ ba bắt đầu có sự biến đổi. Ông đồ dần bị xa lánh. Từ “mỗi” điểm nhịp cho bước tiến thời gian – bước suy thoái của Nho đạo. Việc thư pháp bị thờ ơ là biểu hiện rõ ràng cho điều này. Đạo Khổng đã đến hồi mạt vận, từ bỏ quyền ngự trị trong nền văn hóa mới: Tây phương. Trước tình cảnh không thể cứu vãn nổi ấy, Vũ Đình Liên chỉ còn có thể xót thương cho số phận ông đồ. Nếu thay chữ “rồi” hoặc “sau” thì giọng thơ sẽ chỉ đơn thuần là lời tự sự. Chữ “nhưng” cùng với câu hỏi tu từ đã tạo nên sắc thái biểu cảm buồn đau sâu sắc, mênh mang. Và đặc biệt là hai câu tuyệt bút:

“Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu”

So với hình ảnh “mực tàu giấy đỏ” được phô bày ở khổ một, quả thật nét tương phản đã khắc họa sâu đậm và chân thực hơn rất nhiều nỗi sầu tủi. Thông qua giấy-mực-nghiên, những vật hết sức gắn bó với các nhà nho, tác giả đã vận dụng tài tình nghệ thuật nhân hóa để đặc tả cảm xúc ấy của thầy đồ già thất thế.

Xem thêm:  Soạn bài: Viết bài tập làm văn số 2

Từ chỗ “vắng người thuê viết” sang khổ bốn, tình cảnh của ông đồ đã trở thành “không còn ai biết đến”. Ông vẫn ngồi đó, già nua và xưa cũ. Nhưng trong tâm trí mọi người, ông đã không còn hiện hữu. Nỗi đau của con người ấy như tỏa ra cả không gian xung quanh:

“Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài giời mưa bụi bay”

Chiếc lá lạc lõng và tiêu điều ấy, phải chăng chính là hình ảnh ông đồ cô đơn trong làn mưa lạnh lẽo thê lương? Vần thơ sao mà xót xa, đau đớn, buồn tủi vậy! Dáng điệu ấy của ông đồ giữa một không gian tiêu điều lạnh lẽo chính là cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn.

Sinh ra, phát triển rồi suy thoái, đó là quy luật chung của tự nhiên. Thời gian tuần hoàn vĩnh cửu, còn ông đồ đã thực sự biến mất khỏi trần thế, trở thành những dĩ vãng xa xưa – hệ quả chung của một lớp người:

“Thôi có ra gì cái chữ Nho

Ông Nghè ông Cống cũng nằm co”

(Tú Xương)

Ông đã chết cùng với nền văn minh Khổng giáo suy tàn sau hơn hai nghìn năm tự trị. Ông là cái bi kịch về số phận cá nhân trong phút chuyển giao hai thời đại lịch sử văn hóa. Chỉ còn Vũ Đình Liên với niềm thảng thốt:

“Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?”

Xem thêm:  Chứng minh rằng ca dao diễn tả tình yêu tha thiết đối với đất nước, quê hương của nhân dân ta – Bài văn hay lớp 8

Khó có thể lí giải trọn vẹn những ngôn từ đa thanh đa nghĩa ấy. Ta chỉ cảm nhận được chiều sâu âm hưởng câu thơ cứ vang vọng mãi trong nỗi xót xa.

Với hai mươi câu thơ, tác giả đã xúc động biểu lộ bi kịch ông đồ tàn tạ, khái quát lên về một thời đại văn hóa cùng những triết lý nhân sinh, thế sự với tấm lòng chân thật, thấm đẫm chất nhân văn và niềm hoài cổ. Bài thơ vừa có phong vị Đường thi, vừa mang âm hưởng thơ hiện đại. Cổ điển ở đề tài, các mô típ lá vàng rơi, hoa đào, giấy đỏ, mực tàu, ở sự trầm lắng kín đáo của lời thơ. Hiện đại trong cách diễn đạt cảm xúc, xây dựng hình tượng ông đồ và cách kết cấu bài thơ theo dòng hoài niệm. Cảm xúc của tác giả không bộc lộ trực tiếp mà lan dần, thấm dần vào lòng người đọc qua rất nhiều khoảng trống gợi nhiều hơn là kể, tả dông dài.

Ông đồ là sự thăng hoa của tài năng và tâm hồn Vũ Đình Liên. Tài năng đã giúp cảm xúc thể hiện những rung động tinh tế và sâu xa nhất. Cảm xúc lại chắp cánh cho tài năng bay cao và tỏa sáng. Nhưng lịch sử cũng để lại cho ông niềm xót thương cuối cùng: nhà thơ Vũ Đình Liên và tuyệt tác Ông đồ sẽ bất tử trong nền thi ca dân tộc, và hình ảnh ông đồ đã làm xao xuyến trong trái tim bao bạn đọc hơn nửa thế kỉ nay.

Theo Khotangvan.com

Bài viết liên quan