Phân tích diễn biến tâm lý bà cụ Tứ trong “Vợ nhặt” của Kim Lân


Đề bài:em hãy phân tích diễn biến tâm lý bà cụ Tứ trong “Vợ nhặt” của Kim Lân

Kim Lân là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam trước và sau Cách mạng tháng Tám. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của Kim Lân được viết ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công là truyện ngắn “Vợ nhặt”,được in trong tập truyện “Con chó xấu xí”. Đây là tác phẩm mà Kim Lân đã tái hiện thành công bức tranh ảm đạm và khủng khiếp về nạn đói Ất Dậu ( 1945) của nước ta.

Trên cái nền tăm tối và đau thương ấy, nhà văn đã đặt vào đó hình ảnh của nhân vật bà cụ Tứ khi nhìn thấy Tràng đưa một cô gái xa lạ về nhà mình trong khi hoàn cảnh của gia đình và đất nước vô cùng khó khăn, đến cơm cũng khôn có mà ăn, thế mà bà đã chấp nhận người vợ nhặt của Tràng một cách đầy bình tĩnh.

Cũng như Tràng và người vợ nhặt, bà cụ Tứ là một trong ba nhân vật trung tâm trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân…

Xuất hiện trong tác phẩm, bà cụ Tứ là một người mẹ già, nghèo khổ nhưng giàu tình thương con và giàu lòng nhân hậu. Điều đó được thể hiện qua diễn biến tâm trạng của bà cụ trước sự việc con trai bà nhặt được vợ giữa ngày đói.

Trong tác phẩm, bà cụ Tứ hiện lên là một người đàn bà nông dân, hồn hậu và có một cuộc đời thật nhiều thương cảm: nhà nghèo, goá phụ, sống gian khổ, thầm lặng.

Bối cảnh xuất hiện của nhân vật: Bà cụ Tứ lần đầu tiên xuất hiện trong thiên truyện là lúc bóng hoàng hôn tê tái phủ xuống xóm Ngụ cư giữa ngày đói. Cùng lúc đó, người con trai đáng thương của bà làm nghề đẩy kéo xe trên huyện, đưa một người đàn bà lạ về nhà.

Diễn biến tâm trạng của bà cụ trước việc Tràng nhặt vợ:

Khởi đầu, bà ngỡ ngàng – ngỡ ngàng trước việc có một người phụ nữ lạ xuất hiện trong nhà mình. Trạng thái ngỡ ngàng của bà cụ được nhà văn diễn tả bằng hàng loạt những câu nghi vấn: “Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con trai mình thế kia? Sao lại chào mình mình bằng u?…”Thái độ ngạc nhiên của người mẹ, phải chăng cũng là nỗi đau của nhà văn trước một sự thật: chính sự cùng quẫn của hoàn cảnh đã đánh mất ở người mẹ sự nhạy cảm vốn có trước hạnh phúc của con

Xem thêm:  Nghị luận về vấn đề được và mất trong xã hội

Sau khi hiểu ra là con trai đã có vợ, bà lão không nói gì mà chỉ “cúi đầu im lặng”- một sự im lặng chứa đầy nội tâm: đó là niềm xót xa, buồn vui, lo lắng, thương yêu lẫn lộn. Bà mẹ đã tiếp nhận hạnh phúc của con bằng kinh nghiệm sống, bằng sự trả giá của một chuỗi đời nặng nhọc, bằng ý thức sâu sắc trước hoàn cảnh.

Bằng lòng nhân hậu thật bao dung của người mẹ, bà nghĩ:“Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau qua được cơn đói khát này không?”.Trong chữ “chúng nó”, người mẹ đã đi từ lòng thương con trai để ngầm chấp nhận người đàn bà lạ làm con dâu của mình.

Rồi tình thương lại chìm vào nỗi lo, tạo thành một trạng thái tâm lý triền miên day dứt: bà nghĩ đến bổn phận chưa tròn, nghĩ đến ông lão, đến con gái út, nghĩ đến nỗi khổ của đời mình, nghĩ đến tương lai của con …để cuối cùng dồn tụ bao lo lắng – yêu thương trong một câu nói giản dị: “ Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá”

Bà hờn tủi cho mình, xót thương cho các con. Bà là người phụ nữ nhân hậu, bao dung và giàu lòng vị tha: Bà tủi thân vì cho rằng mình chưa làm tròn bổn phận người mẹ:“chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì…Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt… ”. Bà xót thương cho các con: Thứ nhất là xót thương cho con trai bà vì bà hiểu rằng “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được…”. Thứ hai là xót thương cho người đàn bà, bà cảm thương cho tình cảnh khốn cùng của người con dâu “bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót. Nó bây giờ là dâu là con trong nhà rồi”.

Bà cụ khuyên nhủ, động viên con những điều chí tình, đôn hậu, tràn đầy niềm lạc quan yêu sống. Bằng những câu nói dân gian đã thành triết lý “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời” bà đã mang lại hơi ấm cho cả nhà: “Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi may ra ông giời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau”. Bà dặn dò, bảo ban hai con “Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi”. Lời khuyên ấy của người mẹ là món quà vô giá, gói trọn bao tình yêu thương vô bờ của bà dành cho các con. Tấm lòng người mẹ ấy cao đẹp biết nhường nào!

Xem thêm:  Phân tích bài thơ Đất nước cùa Nguyễn Đình Thi để làm nổi rõ cảm hứng riêng về đất nước của nhà thơ

Tuy nhiên cũng như Tràng, người vợ nhặt, Bà cụ Tứ cũng lo lắng, băn khoăn về tương lai cho đôi vợ chồng: Là người từng trải lại đứng trước sự diệt vong của nạn đói, bà cụ Tứ lo lắng cho cuộc sống phía trước của đôi vợ chồng son: “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”. Nghĩ về cuộc đời mình bà lại càng lo cho con “Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?”. Lần thứ hai, người mẹ nghèo khổ ấy phải quay đi, lén giấu những giọt nước mắt lo lắng, tủi buồn của mình “Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá. Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”. Đó chính là lòng yêu thương con vô bờ bến của người mẹ Việt Nam. Thật đáng tự hào và quý trọng biết bao.

Sau khi anh cu Tràng có vợ, tâm trạng của bà cụ Tứ đổi thay tích cực. Bà là người luôn có lòng lạc quan, có niềm tin vào tương lai phía trước. Bà dậy sớm cùng con dâu thu dọn nhà cửa như để đón chào một cuộc sống mới tươi vui hơn “làm ăn có cơ khấm khá hơn” đang mở ra ở phía trước. Dáng vẻ, tâm thế của bà nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác hẳn ngày thường. Tràng nhận rõ sự biến chuyển khác thường đó “Bà mẹ Tràng cũng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xắn thu dọn, quét tước nhà cửa”.

Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Nhà văn miêu tả “Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo” nhưng tất cả đều ăn rất ngon, vui vẻ. Bà cụ Tứ vẫn tươi cười, chuyện trò rôm rả, thân mật với hai con. Bà lão nói “toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này: Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem…”. Bà tự hào vì nồi “chè khoán” mà thực ra là nồi cháo cám để đãi nàng dâu mới đã khiến người đọc cảm động đến ứa nước mắt vì tình cảm của người mẹ nghèo khổ ấy. Bà cụ tươi tỉnh trù tính câu chuyện làm ăn, gắng hết sức để thắp lên cho hai con ngọn lửa của niềm tin, lạc quan yêu sống. Về điều này, Kim Lân khẳng định “Khi đói người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống”. Tinh thần nhân bản của tác phẩm tỏa sáng ở đây.

Xem thêm:  Phân tích bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh- Văn 12

Đặc biệt là sau một ngày con trai có vợ, người mẹ giàu lòng thương con ấy thật sự vui và hạnh phúc trước hạnh phúc của con: bà cùng con dâu dọn dẹp, thu vén căn nhà ; trong bữa cơm ngày đói, bà toàn nói chuyện vui để xua đi thực tại hãi hùng, để nhen nhóm niềm tin vào cuộc sống cho con:“ Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà …”.

Thật cảm động, khi Kim Lân để cái ánh sáng kỳ diệu của tình mẫu tử toả ra từ nồi cháo cám: “Chè khoán đây, ngon đáo để cơ”.Chữ ‘ngon” này không phải là xúc cảm về vật chất ( xúc cảm về vị cháo cám) mà là xúc cảm về tinh thần: ở người mẹ, niềm tin về hạnh phúc của con biến đắng chát của cháo cám thành ngọt ngào.

Tuy nhiên niềm vui của bà cụ Tứ trong hoàn cảnh ấy vẫn là niềm vui tội nghiệp, bởi thực tại vẫn nghiệt ngã với nồi cháo cám “đắng chát và nghẹn bứ”. Nhân vật bà cụ Tứ là một nhân vật tiêu biểu cho vẻ đẹp tình người và lòng nhân ái mà Kim Lân đã gửi gắm trong tác phẩm “ Vợ nhặt”.

Thành công của nhà văn là đã thấu hiểu và phân tích được những trạng thái tâm lý khá tinh tế của con người trong một hoàn cảnh đặc biệt.Vượt lên hoàn cảnh vẫn là một vẻ đẹp tinh thần của những người nghèo khổ.

Kim Lân đã diễn tả được tâm lí của bà cụ Tứ, một bà cụ nông thôn nghèo khổ mà hiểu biết, yêu thương con và yêu thương cả những cảnh đời oái oăm, tội nghiệp bằng một tấm lòng nhân ái cảm động. Bà được nhà văn xây dựng như là biểu tượng cho người mẹ Việt Nam xưa và nay.

Bài viết liên quan