Phân tích diễn biến tâm lý, hành động của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân


Phân tích diễn biến tâm lý, hành động của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân

Bài làm

Nói đến Tô Hoài là nói đến một đời văn “lực lưỡng”, một cây bút dẻo dai và cần mãn chuyên viết về những chuyện “của người thường, của đời thường” nhưng lại có sức ảnh hưởng và tạo ấn tượng sâu sắc với độc giả. Một trong những nhân vật khẳng định tài năng tác giả chính là Mị trong “Vợ chồng A Phủ”. Hình ảnh nhân vật trong đêm tình mùa xuân đã thể hiện được những vẻ đẹp tác phẩm.

Sau Cách mạng, Tô Hoài được ghi nhận là một trong những cây bút khai phá một mảnh đất mới cho văn học cách mạng, đó là mảng văn học viết về miền núi Tây Bắc – một vùng đất xa xôi, hoang vu nơi địa đầu Tổ quốc. Tập “Truyện Tây Bắc” là vụ mùa thu hoạch từ chuyến đi thực tế lên Tây Bắc của Tô Hoài năm 1952. Trong số ba truyện ngắn được giải Nhất Giải thưởng của Hội Văn Nghệ Việt Nam 1954 – 1955, “Vợ chồng A Phủ” có lẽ là truyện ngắn đọng lại ấn tượng sâu sắc nhất. Tác phẩm đẹp không chỉ bởi một lối kể rất duyên, giàu chất thơ mà còn bởi một cái nhìn đầy mới mẻ về cuộc sống và con người miền núi.

phan tich dien bien tam ly hanh dong cua nhan vat mi trong dem tinh mua xuan - Phân tích diễn biến tâm lý, hành động của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân

Mị, người con gái đang tuổi thanh xuân, vì “cha mẹ ăn của bạc nhà giàu từ kiếp trước” nên kiếp này phải làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Sa chân vào chốn nhà quan, bị đọa đày về thể xác lẫn tinh thần, Mị tìm đến cái chết. Nhưng vì thương cha, Mị không đành lòng mà tiếp tục về làm thân trâu kiếp ngựa. Mị cứ sống như thế, nếu không có đêm tình mùa xuân…

Nhà văn đã đặt nhân vật của mình vào một không gian, thời gian thật “nhạy cảm” đối với lòng người: mùa xuân trên vùng núi cao. Cũng giống như mùa xuân trên mọi miền Tổ quốc, xuân về là khi đất trời khoác một tấm áo tươi mới, nõn nà, khi cây cối đâm chồi nảy lộc, khi lòng người cũng rạo rực với muôn vàn sợi tơ giăng mắc không gian, “Ái tình ghé môi gọi lời trong gió” (“Lệnh” – Xuân Diệu). Thiên nhiên rực rỡ, tươi tắn cùng với những hoạt động sinh hoạt, phong tục đậm màu sắc miền cao, náo nức là một nhân tố để khởi lên ngọn lửa trong lòng Mị. Nhưng để làm nên sự “nổi loạn” của một trái tim đã “hóa đá” còn cần đến những tác nhân khác. Đó là men rượu và tiếng sáo gọi bạn yêu, gọi bạn tình vào những đêm tình mùa xuân. “Ngày tết Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng”. Người con dâu gạt nợ tê dại vì đau khổ kia, vào cái đêm tình mùa xuân tha thiết ấy đã tìm đến men rượu để giải thoát sầu muộn. Cái cách Mị “uống ực từng bát” cũng rất lạ, uống mà như dốc cả men say, cả những cay đắng, khổ đau vào lòng. Men rượu say, hơi rượu nồng nàn giúp Mị quên hết đi những tháng ngày đắng cay hiện tại, quên đi cảnh người thì nhảy đồng, người thì hát ngay trước mặt, đồng thời đưa Mị về cõi nhớ: Mị nhớ đến những ngày tươi đẹp xa xưa, mùa xuân, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo: “Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”. Men rượu cũng dẫn Mị đến những hành động “nổi loạn” và liều lĩnh, Liều lĩnh với những quy tắc nhà Thống lí và với chính mình. Ngọn lửa sống tưởng như đã lụi tắt, giờ đây nhờ men cay của rượu, lại âm ỉ chảy.

Xem thêm:  Trong văn học, môt câu chuyện kết thúc buồn thường lại là khởi đầu cho một niềm hi vọng mới

Nhưng tác nhân đặc biệt nhất để khời dậy lòng ham sống và khát vọng hạnh phúc của Mị, đó là tiếng sáo gọi bạn yêu, gọi bạn tình. Tiếng sáo là biểu tượng đẹp đẽ nhất của mùa xuân và tuổi trẻ của tình yêu và hạnh phúc. Tiếng sáo trong cái đêm tình ấy cứ lôi cuốn, giục giã, gọi mời:

“Mày có con trai, con gái rồi

Mày đi làm nương

Ta không có con trai con gái

Ta đi tìm người yêu”

Có lúc tiếng sáo lại “lửng lơ ngoài đường”, nghe như tiếng hờn trách thiết tha:

“Anh ném pao, em không bắt

Em không yêu, quả pao rơi rồi”

Đưa vào tác phẩm những câu ca dao ngọt ngào tình tứ của vùng Tây Bắc, Tô Hoài đã tạo nên những trang văn xuôi giàu chất thơ, đậm đà chất trữ tình. Tiếng sáo làm rung động đến từng nhịp cảm xúc, từng nhịp điệu tâm hồn Mị. Lúc đầu, tiếng sáo “lấp ló (…) rủ bạn đi chơi” ngoài đầu núi, Mị “thiết tha bồi hồi (…) nhẩm thầm bài hát của người đang thổi”. Gần hơn, “tiếng sáo gọi bạn đầu làng”, Mị lại nhớ đến những đêm xuân trước, Mị “uốn lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo”. Từ tiếng sáo “lửng lơ bay ngoài đường”, tiếng sáo đã nhập hẳn vào tâm hồn Mị, “rập rờn” trong đầu Mị. Tiếng sáo chính là tác nhân quan trọng làm thức dậy khát vọng tình yêu và hạnh phúc mà dấu hiệu đầu tiên là sống lại với những kỉ niệm ngày trước.

Xem thêm:  Suy nghĩ về tuổi hai mươi- Văn 12

Nhưng ngòi bút đầy bản lĩnh của Tô Hoài không dễ dàng và đơn giản đẩy tâm lí nhân vật theo một đường thẳng. Nhà văn để nhân vật của mình “ứng xử” theo logic vận động nội tại của chính nhân vật. Vậy nên, khi rượu đã tan, “người đi chơi đã vãn”, “Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà”. Tuy trong lòng đã phơi phới trở lại” nhưng “Mị không bước chân ra đường chơi mà Mị từ từ đi vào buồng”. Đó là bước chân của một thói quen, một định hướng vô thức bởi Mị biết “chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết”. Dường như trong nhân vật có sự giằng co giữa lòng ham sống và cảm thức thân phận. Sức sống đã được đánh thức, trỗi dậy nhưng lại bị ngăn bởi thân phận. Đi vào buồng, Mị ngồi nhìn lên “cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng”. Trong người phụ nữ ấy dội lên nỗi đau thân phận và cảm giác xót xa, tê tái. “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa”. Lúc này, ý thức về sự sống. lòng khát khao hạnh phúc đã thức dậy, không cho phép con người sống một cách tẻ nhạt và vô nghĩa nữa. Mị thấy “Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Bi kịch của Mị nảy sinh từ trạng thái bất hòa, mâu thuẫn giữa khát vọng đẹp đẽ và thực tại đen tối còn bản thân mình nhận thức sâu sắc được suy nghĩ bất lực của mình trước hoàn cảnh.

Sức sống của Mị trỗi dậy bởi tiếng sáo gọi mời thiết tha mà ám ảnh kia. Đến lúc này, Mị như không còn biết đến bước chân của A Sử, không nghe thấy A Sử hỏi. Mị hành động như người trong mơ: “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng” rồi “Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách”. Đó là hành động với con người thật của mình, với sự thôi thúc mãnh liệt: “Mị muốn đi chơi, Mị sắp đi chơi”. Ánh sáng của ngọn nến Mị thắp lên xua tan cái tăm tối, lạnh lẽo của căn buồng hay cũng chính là ánh sáng của khát vọng được yêu, được sống? Người đọc bất ngờ trước những hành động nhanh, liên tiếp như trong vô thức của Mị rồi lại nhận ra lí do rất tự nhiên, tất yếu của nó: lòng ham sống được thức tỉnh đã chiếm lấy tâm hồn Mị. Không còn cô Mị lầm lũi, cam chịu trong thân phận dâu gạt nợ nữa mà là một cô Mị ý thức được sự sống và hành động vì hạnh phúc của mình.

Xem thêm:  Ý nghĩa câu hỏi của bà mẹ người tử tù Thế này là thế nào? trong tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn

Ngòi bút Tô Hoài dường như “xuất thần”, nhập hẳn vào thế giới tâm hồn tinh vi, sâu kín của nhân vạt, làm sống dậy những trạng thái tâm lí phức tạp, huyền diệu nhất. Bị A Sử trói đứng ở cột nhà, Mị dường như vẫn không biết. Trong “hơi rượu nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”. Chỉ đến khi Mị “Vùng bước đi”, chân tay đau thít lại, nghe tiếng chuông ngựa đạp vào vách thì thực tại mới hiện hữu, “Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”. Nhưng hơi rượu vẫn lan tỏa nồng nàn, tiếng sáo vẫn thiết tha, Mị sống trong trạng thái “lúc tỉnh lúc mê”, trong sự giằng co giữa khát vọng sống và thân phận trâu ngựa. Lòng khát sống trong con người đã bị dập tắt phũ phàng nhưng vẫn để lại những dư âm trong tâm hồn.

Có thể nói, ở đoạn tuyệt bút này, cảm hứng nhân đạo của Tô Hoài thể hiện đẹp hơn bao giờ hết, và ở đây, “ngòi bút biện chứng tâm hồn” của nhà văn cũng bộc lộ được sức mạnh của nó. Đúng là “cái tài nhờ cái tâm mà cháy lên, cái tâm nhờ cái tài mà tỏa sáng” (R. Gamzatop).

Bài viết liên quan