Phân tích tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân


Đề bài: Phân tích tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân

Có thể nói chưa có cái đói nào thảm hại và thê lương hơn nạn đói khủng khiếp năm 1945. Cái đói đã nhấn chìm biết bao nhiêu mạng người. Kẻ sống dật dờ như bóng ma, còn người chết chỏng trơ không người chôn cất. Trong lúc ấy, có lẽ miếng ăn mới là điều quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người. Ấy vậy mà Kim Lân – một nhà văn chân chất, giàu tình cảm đã dựng lên cảnh “nhặt” vợ đầy hấp dẫn khiến cái đói đang cồn cào như bị chững lại. Tác phẩm với cái tên “Vợ nhặt” đã làm nên giá trị sâu sắc và cuốn hút người đọc.

Ngay trong câu văn mở đầu, Kim Lân đã phát ra một tiếng thở dài đầy ai oán: Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không khí vẩn mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người. Bức tranh hiện thực của nạn đói khủng khiếp đã được nhà văn miêu tả rất chi tiết và cảm động. Cái đói thật tàn khốc và thê thảm. Người không chết bởi chiến tranh, bởi bệnh tật mà lại chết vì đói, chết dần chết mòn rồi chết hẳn lúc nào không ai hay, cũng không ai buồn chôn cất nữa. Một ngôi làng ảm đạm, hiu hắt, đã nghèo lại còn thê lương bởi không khí luôn vẩn mùi người chết. Nhất là cảnh về chiều, xóm chợ vàng xác xơ, heo hút. Từng trận gió từ cánh đồng thổi vào ngăn ngắt. Hai bên dãy phố, úp sụp, tối om, khong nhà nào có ánh đèn, lửa. Dưới những gốc đa gốc gạo xù xì, bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. Tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết. Cảnh vật càng lúc càng thảm hại. Không có một chút gì mang dấu hiệu của sự sống.

Ấy vậy mà, giữa cái cảnh người chết ngổn ngang vì đói, giữa những bóng ma dật dờ dưới gốc gạo, lại có hai con người đang dắt díu nhau về làm vợ, làm chồng, cùng chung sống một căn nhà. Điều này thực sự quá sức tưởng tượng của mọi người. Bởi giữa cái thời điểm đang đói khổ cùng cực, đến bản thân mình còn chẳng lo được nổi huống chi là đèo bòng nữa thì lấy gì mà sống? Không phải Tràng không hiểu điều đó, thậm chí anh là người trong cuộc anh hiểu hơn ai hết. Thậm chí, Tràng biết rồi sẽ có lúc mình cũng nằm còng queo như những người kia thôi, nhưng vượt lên trên tất cả, Tràng vẫn cùng thị bước đi. Thậm chí, Tràng còn thấy rất vui vẻ. Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hẳn tủm tỉm cười một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh. Khác với Tràng, thị e thẹn, đầu thị cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Hai con người cùng khổ, dắt nhau về dù trong lòng chưa biết định hướng thế nào cho cuộc sống mai sau. Nhưng dù sao đi nữa, sự kiện này cũng khiến những con người khốn khổ trong xóm bỗng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ. Cái đói có thể cướp đi sinh mạng con người nhưng không thể làm tinh thần họ bị khuất phục. Cả Tràng và thị đều sống trong cảnh đói như nhau, thiếu thốn như nhau. Thậm chí họ cũng cùng nhau chứng kiến tận mắt bao người đã chết vì đói. Nhưng điều đó cũng không ngăn cách hai con người này đến với nhau. Có thể họ đến với nhau chưa phải vì tình yêu nhưng là vì tình thương – một thứ tình cảm rất thiêng liêng, cao quý, nhất là trong lúc đói kém như thế này, tình cảm ấy lại càng đáng trân trọng. Có lẽ, họ cũng đúng với câu tục ngữ “Túng quẫn sinh ra làm liều” nhưng làm liều ở đây không phải là liều trộm cắp, cướp của giết người, mà liều là dám bước lên trên số phận, bất chấp cả cái chết để đến với nhau.

Xem thêm:  Phân tích đoạn thơ sau trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm: Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi. Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể… Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở. Làm nên Đất Nước muôn đời

Họ gặp gỡ và thành vợ thành chồng cũng thật tình cờ, ngẫu nhiên. Đến nỗi chính bản thân Tràng khi đã dắt thị về nhà rồi mà vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Hắn tự hỏi lòng mình hắn đã có vợ rồi đấy ư? Việc xảy ra hắn thật cũng không ngờ, hắn cũng chỉ tầm phơ tầm phào đâu có hai bận, ấy thế mà thành vợ thành chồng. Lần đầu tiên, Tràng chỉ hò mấy câu cho đỡ mệt nhưng tình cờ, thị cũng chạy ra đẩy xe cho Tràng thật. Tràng cũng không để tâm gì. Cho đến lần thứ hai gặp lại, Tràng chưa kịp nhận ra thị thì thị đã đứng cong cớn trước mắt Tràng: “Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt”. Tràng lại toét miệng cười. Cuộc trò chuyện diễn ra thật hài hước nhưng đậm chất chân quê, thật thà và chất phác. Và dù đang lúc đói khổ, thiếu thốn, Tràng vẫn hào phóng đãi thị một chập bốn bát bánh đúc liền. Tràng vẫn trong tâm thế đùa thị “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”. Ai ngờ thị về thật. Nhưng Tràng cũng không hề chối từ gì. Hẳn vô tư tặc lưỡi một cái “Chậc, kệ!”. Hắn còn đưa thị vào chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh một bữa thật no nê rồi cùng đẩy xe bò về. Như vậy, đúng như cái tên của tác phẩm “vợ nhặt” chứ không phải lấy vợ. Bởi họ không hề hẹn ước, cũng không mai mối trầu cau, không mâm cao cỗ đầy, mà ngược lại chỉ là theo không nhau về. Về giữa lúc đói khổ, cùng cực, rồi cuộc đời họ sẽ ra sao?

Có lẽ ai cũng nghĩ đói khát thế này mà đèo bòng nhau thì chỉ có con đường chết. Nhưng với tấm lòng lương thiện và đồng cảm, nhà văn Kim Lân đã để cuộc “nhặt” vợ đầy bất ngờ này mang một cái kết có hậu. Ông đã để nhân vật bà Cụ Tứ – mẹ Tràng xuất hiện với nhiều dòng cảm xúc lẫn lộn khi thấy con trai mình dẫn theo một người đàn bà lạ về nhà. Tràng tuy ngờ nghệch nhưng đến lúc này lại khôn ngoan đến lạ. Có lẽ đó là bản chất vốn có trong Tràng. Anh đỡ mẹ vào giường ngồi rồi thưa gửi đàng hoàng “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi đã phải duyên phải kiếp với nhau… Chẳng qua nó cũng là cái số cả”. Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Bà là người gần đất xa trời rồi, bà đã trải qua bao nhiêu thăng trầm sóng gió của cuộc đời nên bà rất hiểu cuộc sống phía trước của con mình rồi cũng sẽ gặp đầy rẫy những khó khăn. Nhưng rồi, vượt qua nước mắt, bước lên trên nỗi đau, người mẹ nghèo khổ, già nua vẫn chấp thuận, thậm chí là “mừng lòng”. Dù cũng có lúc bà nghĩ biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không. Nhưng bà vẫn động viên “nàng dâu mới”: Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau. Lại một lần nữa, niềm tin được thắp sáng lên giữa cảnh đói khát bần cùng. Dù cho niềm tin ấy có xa xôi với thực tại và lẫn với mùi khét lẹt của những nhà có người chết theo gió thoảng vào. Cảnh tượng thê lương chưa bao giờ ngưng đeo bám những con người đang lay lắt sống. Bà cụ trăn trở băn khoăn, bà nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng. Bà ngần này tuổi rồi, lại đang trong nạn đói khủng khiếp mà nước mắt vẫn còn để chảy, chứng tỏ rằng trong lòng bà đang chất chứa biết bao nhiêu cảm xúc. Ai oán, xót thương nhưng vẫn đầy hi vọng.

Xem thêm:  Phân tích ý nghĩa nhan đề tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu

Nhất là trong ngày đầu tiên khi có vợ, có nàng dâu mới, cuộc sống của cả nhà thay đổi hẳn. Nhà văn bắt đầu để ý đến ánh nắng ban mai, một thứ ánh nắng thật đẹp chứ không như cảnh tượng chiều tối đìu hiu bên xóm chợ nghèo nữa. Mọi thứ trong nhà Tràng đều mang sức sống mới: nhà cửa sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch… Mọi thứ đều tươm tất. Hẳn thị là một nàng dâu đảm đang, chịu thương chịu khó. Còn Tràng, những cảm giác mơn man vẫn đang xáo trộn trong Tràng. Bà mẹ Tràng cũng cũng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Hình như ai nấy đều có ý nghĩ rằng thu xếp cửa nhà cho quang quẻ, nền nếp thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn. Đến đây, những câu văn ảm đạm, thê lương dành cho cảnh đói không còn nữa. Thay vào đó là sự phấn khởi, hào hứng của mọi người.

Họ cùng nhau san sẻ bữa cơm trong ngày đói. Dù chỉ có một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ Tứ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà động viên và gieo hi vọng cho hai vợ chồng. Nhưng rồi, cuộc vui chưa được bao lâu thì chững lại khi nồi cháo đang ăn dở lại hết. Bà lão lật đật bưng nồi cháo cám lên với vẻ hào hứng “chè đây, chè khoán đây, ngon đáo để cơ”. Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên đưa vào miệng. Còn Tràng gợt một miếng bỏ vào miệng. Mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Bữa cơm từ đấy không ai nói câu gì, họ cắm đầu ăn cho xong lần, họ tránh nhìn mặt nhau. Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người. Đúng là cuộc sống, buồn vui lẫn lộn. Nhưng có lẽ như vậy họ mới cảm nhận được giá trị của nhau, của những điều bình dị nhất, giản đơn nhất.

Xem thêm:  Qua bài Đen hiện đại từ truyền thống của Trần Đình Hượu

Giữa lúc đang tủi hờn, một hình ảnh đắt giá bất ngờ xuất hiện: Cảnh mọi người phá kho thóc Nhật, chia cho người đói. Có lẽ đây là sự báo hiệu cho một cuộc đấu tranh sắp diễn ra. Và chắc chắn sẽ diễn ra bởi con giun xéo mãi cũng quằn. Huống chi người nông dân đã phải cam chịu bao ngày khổ sở. Rồi sẽ đến một ngày sự căm phẫn, uất ức dồn nén lại và bùng nổ. Kết thúc câu truyện, Kim Lân đã để hình ảnh lá cờ đỏ bay phấp phới làm niềm hi vọng, niềm tin cho mọi người. Lá cờ ấy ắt sẽ lật đổ ách thống trị đầy tàn ác kia.

Như vậy, qua câu chuyện “nhặt” vợ đầy hấp dẫn, nhà văn vừa tái hiện lại khung cảnh xác xơ đến thảm hại của xóm nghèo trong nạn đói khủng khiếp năm 1945, vừa thể hiện niềm tin yêu của mọi người vào ngày mai tươi sáng dù hôm nay phải sống khổ sống bần cùng. Tác giả đã rất thành công trong việc xây dựng tình huống truyện đầy cuốn hút và dễ dàng đi sâu vào lòng người khiến ai cũng xót xa, đồng cảm. Đồng thời ông cũng đã dùng chính tình thương yêu cao cả của mình cổ vũ những con người cùng khổ hãy đứng lên đấu tranh giải phóng chính mình.

Nguồn: Tài liệu văn mẫu

Bài viết liên quan