Nêu suy nghĩ về câu chuyện: “Tiếng vọng rừng sâu” – Văn nghị luận – Bài văn hay lớp 8


Nêu suy nghĩ về câu chuyện: “Tiếng vọng rừng sâu” – Văn nghị luận – Bài văn hay lớp 8

Hướng dẫn

Tiếng vọng rừng sâu

Đề bài: Em hãy nêu suy nghĩ của mình về câu chuyện sau:

Tiếng vọng rừng sâu

Có một cậu bé ngỗ nghịch thường bị mẹ khiển trách. Ngày nọ giận mẹ, cậu chạy đến một thung lũng cạnh khu rừng rậm. Lấy hết sức mình, cậu hét lớn: “Tôi ghét người”. Từ khu rừng có tiếng vọng lại: “Tôi ghét người”. Cậu hoảng hốt quay về, sà vào lòng mẹ khóc nức nở. Cậu bé không sao hiểu được từ trong rừng lại có người ghét cậu.

Người mẹ nắm tay con, đưa cậu trở lại khu rừng. Bà nói: “Giờ thì con hãy hét thật to: Tôi yêu người”. Lạ lùng thay, cậu vừa dứt tiếng thì có tiếng vọng lại: “Tôi yêu người”. Lúc đó người mẹ mới giải thích cho con hiểu: “Con ơi, đó chính là định luật trong cuộc sống của chúng ta. Con cho điều gì, con sẽ nhận điều đó. Ai gieo gió thì gặt bão. Nếu con thù ghét người thì người cũng thù ghét con. Nếu con yêu thương người thì người cũng yêu thương con”.

Bài làm 1

Đôi khi ta có thật nhiều niềm vui, những hạnh phúc và những thứ đáng để trân trọng vậy mà chúng ta không biết. Cứ lặng lẽ làm nó qua đi, phai đi nhưng rồi một ngày khi đã nhận ra rồi thì bạn hãy yêu thương nhiều hơn. Ban-dắc đã nói: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ”. Người mẹ lúc nào cũng yêu thương, san sẻ với con, tha thứ cho con dù con có làm gì đi chăng nữa. Những câu chuyện “Quà tặng cuộc sống” luôn đem đến cho ta những bài học sâu sắc, những bức thông điệp về tình yêu, tình bạn, tình mẫu tử, phụ tử,… nhưng quan trọng hơn hết là nó định hướng cho ta cách sống và biết cách yêu thương người khác. Câu chuyện Tiếng vọng rừng sâu là một câu chuyện có ý nghĩa rất lớn về tình mẫu tử mà trong đó điều làm chúng ta suy nghĩ nhiều nhất là sự cho di và nhận lại. Như người mẹ đã nói: đó chính là định luật trong cuộc sống của chúng ta”. Trong câu chuyện, cậu bé đã giận đến nỗi phải hét lên rằng: “Tôi ghét người” vậy mà người mẹ vẫn khoan dung, tha thứ. Hơn nữa còn ân cần chỉ bảo cho con. Ta hiểu rằng mẹ là vô cùng quan trọng đối với con, là người dìu dắt và đưa con đến với những con đường tràn ngập nắng và hoa. Mẹ đã định hướng cho con, đã bên con cho dù thế nào đi chăng nữa. Và quả thật đúng là “Trái tim người là một vực sâu thăm thẳm và ở dưới đấy ta luôn tìm thấy sự thứ tha”. Từ đó, ta thấy được ý nghĩa của người mẹ, và bài học sâu sắc về tình mẫu tử… Hay như chi tiết cậu bé hét lên câu gì, rừng sâu chỉ vọng lại câu đó, thậm chí còn to hơn và người mẹ đã giải thích rằng đấy là sự cho đi nhận lại, quy luật của cuộc sống chúng ta. Đúng vậy! Đôi khi, bạn thường cảm thấy rằng cuộc đời thật bất công, bạn đã cho đi quá nhiều mà không nhận lại được bao nhiêu… Nhưng vấn đề thật đơn giản. Khi bạn cho đi là bạn đã nhận được nhiều hơn thế, đó là những niềm vui vô hình mà bạn không chạm vào được. Cuộc đời này là một vòng tròn. Thật ra không hề có sự bất công nào, có hay chăng sự nhận lại từ người khác chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi và điều quan trọng là bạn hãy mở rộng tấm lòng mình để đón nhận nó. Khi bạn cho đi những điều tốt đẹp thì bạn sẽ nhận được sự bình yên trong tâm hồn. Nếu bạn càng tính toán sự cho đi thì lại càng dồn nén, khi ấy vừa không vui mà vừa phải cho đi. Vì vậy, hãy cứ yêu thương, yêu thương thật nhiều để một ngày hạnh phúc sẽ đến với bạn.. Cuộc sống là như thế đó, đôi khi người ta chấp nhận cho đi điều quý giá nhất, nhưng rồi họ chẳng nhận lại được như mong muốn. Nhưng bạn nên nhớ, trong tình yêu không có sự trông mong được nhận lại, bởi tình yêu luôn luôn là một điều luật không công bằng của trái tim, không có định nghĩa và lí lẽ. Hãy cứ cho đi vì như vậy là bạn đã tự yêu thương lấy chính bản thân mình. Hãy cảm nhận những hạnh phúc vô hình mà cuộc sống ban tặng cho bạn, để mỗi ngày là một niềm vui và để được người khác yêu thương bạn một cách đúng nghĩa.

Xem thêm:  Thuyết minh về bánh chưng

Hoàng Phương Thảo

(Trường THCS Trưng Vương)

Bài làm 2

Người đời đã từng nói: “Bàn tay biết tặng hoa cho người khác là bàn tay giữ được hương thơm”. Vậy phải chăng hạnh phúc là ước mơ, cũng là mục tiêu của tất cả mọi người? Nhưng những người khôn ngoan luôn hiểu rằng, hạnh phúc chỉ đến khi họ biết cho đi. Ta sẽ được nhận lại thậm chí nhiều hơn khi biết san sẻ nó. Và qua câu chuyện ngắn Tiếng vọng rừng sâu, ta lại như thấm nhuần đạo lí này hơn. Chỉ qua hình tượng một cậu bé ngỗ ngược, nghịch ngợm đã buột miệng hét lớn: “Tôi ghét người” và ngay sau đó, cậu phải đón nhận những tiếng vọng lại, thậm chí còn to và nhiều hơn trước, ta như cảm nhận rằng: một lời bất cẩn có thể khiến cho chính ta và những người xung quanh bị tổn thương. Cậu nói cậu ghét người, vậy là “người” cũng ghét cậu, cậu cho đi bao nhiêu thì sẽ nhận lại bấy nhiêu. Chính sự vô tình của cậu bé đã khiến bản thân phải hoảng hốt, phải buồn bã khi nhận lấy cái giá của mình. Cậu tủi thân khi biết rằng có người ghét bỏ mình, nhưng lại chẳng thể ngẫm ra cảm giác của người khác khi cậu nói cậu ghét họ. Trái lại, khi cậu bé đã được học cách nói lời yêu thương, biết trao đi sự chân thành thì dường như niềm vui cậu nhận lại đã tăng lên gấp bội. Khi cậu nói “Tôi yêu người”, vậy là khi đó khu rừng vọng lại những tiếng nói văng vẳng “Tôi yêu người”… như thể có ai đã đáp trả tình cảm của cậu, đã yêu mến cậu. Cảm giác đó chẳng phải thật hạnh phúc hay sao? Vậy đó, trong cuộc sống, nếu ta không biết trao đi điều gì, thì thứ duy nhất ta giữ lại được chỉ là bản thân ta, không ai tin ta, không ai yêu ta, cuộc sống sẽ dần ruồng rẫy ta bởi sự ích kỉ đó. Vậy thì, hãy bắt đầu học cách cho đi vô điều kiện, cho đi mà không hi vọng; như vậy thì hạnh phúc sẽ đến khi ta ít ngờ đến nhất, giống như cậu bé trong câu chuyện vậy! Và tất nhiên, ý nghĩa của truyện không chỉ có thế, hãy thử nghĩ mà xem nếu như người mẹ phó mặc cho sai lầm của cậu bé, để cho cậu phải tự đi tìm câu trả lời mà không dạy cho cậu biết, vậy thì sẽ thế nào? Cậu sẽ chẳng thể nhận ra những điều phải trái, sống thế nào để có hạnh phúc. Từ đó mà ta nhận ra rằng, tình mẹ thật lớn lao! Người mẹ luôn là nơi mà đứa con có thể trở về khi cảm thấy buồn bã hay tủi thân; là người đã dẫn dắt cho những đứa con đi trên con đường đúng đắn từ thuở còn ấu thơ. Câu nói cuối truyện của người mẹ đã là một nút thắt sắc sảo, nó tạo nên điểm mấu chốt và là bài học đi sâu vào lòng người đọc: “Con ơi, đó chính là định luật trong cuộc sống của chúng ta. Con cho điều gì, con sẽ nhận điều đó. Ai gieo gió thì gặt bão. Nếu con thù ghét người thì người cũng thù ghét con. Nếu con yêu thương người thì người cũng yêu thương con..Sở dĩ sự tồn tại về giá trị của việc cho và nhận không chỉ có trong câu chuyện này. Thậm chí nó còn có mặt ở nhiều điều rất đời thường trong cuộc sống kia. Hãy lấy ví dụ từ một chú chó, tại sao loài vật này lại được mệnh danh là “bạn thân của loài người”. Bởi một lẽ thường tình, loài chó thường trao đi sự trung thành với người chủ của mình một cách vô điều kiện; nó yêu thương con người bằng tất cả trái tim; nó nhìn con người bằng cặp mắt trìu mến và sẵn sàng bảo vệ họ. Vậy là món quà chúng nhận được chính là sự tin tưởng, sự trân trọng và lòng yêu thương vô hạn. Giống như câu chuyện trên, đây cũng chính là chân lí của “cho – nhận”. Cuộc sống sẽ hoang phí khi bạn dành hết thời gian cho bản thân mình, hãy đặt mình ở vị trí của những người xung quanh và vui lòng cho đi như khi bạn sẵn sàng nhận về…

Xem thêm:  Phân tích nhân vật Liên trong Hai đứa trẻ (Có dàn ý chi tiết)

“Nếu là con chim, chiếc lá

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình ”

(Tố Hữu – Một khúc ca)

Nguyễn Thị An Khanh

(Trường PTDL Đoàn Thị Điểm)

>> Xem thêm “Những ngày thơ ấu là sự rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại” – tại đây.

Tags:Bài văn hay lớp 8 · Tiếng vọng rừng sâu

Theo Khotangvan.com

Bài viết liên quan