Vẻ đẹp và thân phận nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ


Vẻ đẹp và thân phận nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ

Bài làm

Trong chuyến đi thực tế ở Tây Bắc, Tô Hoài có điều kiện hiểu sâu sắc về thiên nhiên, con người và văn hóa miền núi. Nhớ về những ngày tháng ấy, Tô Hoài có lẽ không khỏi xót xa trước thân phận nghèo khổ, bất hạnh của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến miền núi. Mặt khác, tấm lòng nhân đạo của nhà văn cũng cho người thấy được vẻ đẹp tiềm ẩn trong họ. Đó cũng là cảm hứng để Tô Hoài viết lên tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Trong đó, Tô Hoài đã xây dựng lên hình ảnh nhân vật Mị – đại diện cho thân phận và vẻ đẹp của người phụ nữ miền núi xưa.

Trước hết, tác giả đã xây dựng thành công hình ảnh nhân vật Mị là hiện thân cho số phận cực nhọc, khổ đau của người dân vùng cao trước cách mạng. Dưới xã hội trong thời bây giờ, Mị biến thành một công cụ lao động, bị bóc lột cả thể chất và tinh thần. Mị sống trong thân phận của một đứa con dâu gạt nợ. Gọi là con dâu gạt nợ là do Mị bị bắt cóc về “trình ma” cho nhà thống lý Pá Tra để coi như món hàng trao đổi với món nợ truyền kiếp của cha mẹ Mị. Mị trở thành công cụ trả nợ, biết nói mà không dám nói. Mị cũng sẽ sống như những người phụ nữ ở nhà thống lý: “đàn bà con gái trong nhà này”, “không bằng con trâu con ngựa”, “đợi ngày chết rũ xương”… Mị bị bóc lột sức lao động tàn nhẫn, phải làm việc quần quật không kể ngày đêm. Không những thế, Mị còn bị A Sử hành hạ, đánh đập dã man, bị trói đứng vào cột. Mị chỉ được cởi trói khi phải đi hái lá thuốc về chữa thương. Nếu không phải vì hầu hạ A Sử, chắc Mị sẽ bị trói đứng đến chết. Chưa phải tất cả, Mị luôn phải sống trong một nhà ngục tinh thần, bị cầm tù về tâm hồn. Căn buồng Mị ở “mờ mờ trăng trắng”, chỉ có một “lỗ vuông bằng bàn tay”, “nhìn ra bên ngoài không rõ là sương hay là nắng”… Mị sống như con rùa, như cái bóng. Cái khổ khiến Mị tê liệt, vô cảm, cam chịu, không còn sức sống hay khái niệm về cuộc đời. Cho nên Tô Hoài viết “sống lâu trong cái khổ Mị đã quen khổ rồi”.

Mặt khác, Mị được tác giả ưu ái khi có cả vẻ đẹp thể chất và tâm hồn. Mị là cô gái có vẻ đẹp về thể chất bởi nàng xinh đẹp, trẻ trung, “thổi lá cũng hay như thổi sáo”, bao chàng trai say mê theo Mị hết quả núi này tới quả núi khác. Cạnh vách tường đầu giường Mị “nhẵn” đi vì những bước chân của các chàng trai. Quan trọng hơn, vẻ đẹp của Mị còn là vẻ đẹp của tâm hồn. Khi bị bắt về làm dâu nhà thống lý, Mị đã định ăn lá ngón tự tử để giải thoát số phận đau khổ. Tuy là hành đồng tiêu cực nhưng cho thấy Mị là cô gái không chấp nhận số phận. Sức sống tiềm tàng trong Mị bùng lên trong đêm tình mùa xuân khi Mị nghe tiếng sáo gọi bạn. Mị bỏ mỡ vào nghĩa đèn, Mị muốn mang lại ánh sáng mới cho căn phòng. Mị quấn lại tóc, với cái váy hoa chuẩn bị đi chơi xuân. Dù bị A Sử phát hiện và trói đứng nhưng Mị vẫn “vùng bước đi” như thế  không một thứ gì trói buộc được tâm hồn Mị. Tâm hồn Mị đang mải mê theo những tiếng sáo và cuộc vui xuân. Sức sống tiềm tàng biến thành sức mạnh phản kháng trong đêm mùa đông. Khi nhìn thấy “những giọt nước mắt lấp lánh trên hai hõm má xám đen” của A Phủ, Mị thương A Phủ. Từ thương An Phủ, Mị thấy thương mình, nhớ lại những lúc mình cũng bị A Sử trói. Trong Mị vẫn tồn tại một tấm lòng rất người. Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ và bị vùng chạy theo. Hành động ấy vừa là cứu người vừa là tự cứu mình. Nhà ngục cường quyền và thần quyền phong kiến miền núi không thể tiêu diệt được sức sống con người dù có thể biến con người thành công cụ biết nói mà không dám nói.

Xem thêm:  Vẻ đẹp của sông Hương qua góc nhìn của Hoàng Phủ Ngọc Tường

ve dep va than phan nhan vat mi trong vo chong a phu - Vẻ đẹp và thân phận nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ

Như vậy, qua nhân vật Mị trong “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn đã phản ánh chân thực sinh động số phận và ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ nói chung và người lao động nghèo khổ nói riêng. Tô Hoài cho Mị giải thoát cũng là ngầm chỉ ra con đường tự giải thoát cho người dân bấy giờ.

Bài viết liên quan